Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa trở thành thành phố hình mẫu trong phát triển bền vững

Hoàng Thanh (thực hiện) - 11:39, 28/11/2022

Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 trở thành thành phố đáng sống, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng – an ninh. Vậy, Khánh Hòa đã, đang và sẽ có những giải pháp nào để hiện thực hóa khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân của tỉnh? Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Khánh Hòa để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

(Chuyên đề Khánh Hòa): Hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa trở thành thành phố hình mẫu trong phát triển bền vững
Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Khánh Hòa tại cuộc làm việc trả lời phỏng vấn

PV: Thưa ông, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 28/1/2022 đã đặt ra lộ trình xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Ông có thể chia sẻ một số mục tiêu cụ thể của tỉnh trên lộ trình này?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2030 Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt mức 7,1%/năm; tăng trưởng năng suất lao động đạt mức 6,1%/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 1 - 1,5%/năm. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 104 triệu đồng/người; có 81,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10,9% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu… Giai đoạn 2026 - 2030, mức tăng trưởng GRDP đạt 8,8%/năm; tăng trưởng năng suất lao động đạt mức 7,8%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng/người…

Tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống, nơi Nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

(Chuyên đề Khánh Hòa): Hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa trở thành thành phố hình mẫu trong phát triển bền vững 1
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Khu dân cư Thịnh Sơn (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) ngày 11/11/2022.

PV: Việc thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với tỉnh có thuận lợi, đồng thời cũng không ít thách thức. Cụ thể là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Khánh Hòa là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, kiên cường, dũng cảm trong kháng chiến chống ngoại xâm, nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa. Người dân Khánh Hòa cần cù, sáng tạo là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Hơn nữa, Khánh Hòa có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; có không gian biển rộng lớn để nuôi trồng đánh bắt thủy, hải sản; phát triển du lịch, cảng biển và đặc biệt phát triển công nghiệp, cảng biển gắn với các khu đô thị ven biển.

Tỉnh có vị trí địa lý và gắn kết thuận lợi với các trung tâm lớn trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để phát triển thành trung tâm kinh tế lớn cấp vùng trên nền tảng phát triển kinh tế biển, là cửa ngõ giao thông hướng biển, liên vận quốc tế đường biển - hàng không. Thêm nữa, Khu kinh tế Vân Phong, với các tiềm năng, lợi thế và nếu được quan tâm đưa vào danh mục các khu kinh tế trọng điểm được ưu tiên đầu tư, hoàn toàn có thể phát triển bứt phá để trở thành một trung tâm phát triển kinh tế biển lớn, hiện đại của khu vực và cả nước.

Đây là điều kiện thuận lời để tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Khánh Hòa vẫn đối diện với những thách thức cần nỗ lực vượt qua. Đó là hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, quy hoạch.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong vùng có vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cùng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư… Điều này đòi hỏi Khánh Hòa phải thực sự đổi mới, sáng tạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý xã hội và huy động được tối đa các nguồn lực xã hội và sức sáng tạo của Nhân dân để thúc đẩy phát triển; đồng thời cần nhanh chóng khắc phục những điểm yếu về liên kết vùng, tiếp cận đất đai, đồng thời phải tận dụng, khai thác tối đa những lợi thế vượt trội để phát triển.

PV: Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa được xem là “chìa khóa” để tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa được xem là “chìa khóa” để tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, theo tôi đây là một nhận định hoàn toàn chính xác.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 là cần thiết và cấp bách để giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn, kịp thời thể chế hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống; đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém và tạo cơ chế, chính sách đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra.

(Chuyên đề Khánh Hòa): Hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa trở thành thành phố hình mẫu trong phát triển bền vững 2
Khánh Hòa quyết tâm đưa Khánh Sơn và Khánh Vĩnh trở thành “các tiểu đô thị sinh thái núi rừng”.

Nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng, tạo đòn bẩy cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Bên cạnh việc phát triển tỉnh Khánh Hòa nói riêng, chính sách còn mang tính lan tỏa, hỗ trợ các địa phương trong vùng cùng phát triển; kết quả chính sách thí điểm hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá để xây dựng đưa thành cơ chế, chính sách chung cho cả nước.

PV: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh là 2 huyện nghèo, có đông đồng bào DTTS của tỉnh. Ông đánh giá như thế nào về tình hình KT-XH của 2 địa phương này hiện nay và kỳ vọng gì khi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được thụ hưởng chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/2022/QH15?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Hiện nay, điều kiện phát triển KT-XH phía Tây của tỉnh, nhất là 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh hết sức khó khăn. Bởi do nơi đây địa hình đồi núi phức tạp; địa bàn rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt, sinh sống phân tán, ít tập trung; thiên tai dịch bệnh, hạn hán, lũ lụt gây sạt lở thường xuyên xảy ra... Đồng thời đây là 2 huyện nghèo, tập trung chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống.

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển KT-XH của 2 địa phương này thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan như đã nêu trên nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế chưa đáp ứng cho nhu cầu phát triển của địa phương.

Nhằm góp phần giải quyết những khó khăn, hạn chế nêu trên, Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội đã quy định chính sách đặc thù: “Hội đồng Nhân dân Tỉnh quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi”. Chính sách đặc thù này là căn cứ pháp lý để tỉnh sử dụng ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có điều kiện tốt hơn để hỗ trợ cho 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Từ đó thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững ở 02 huyện nghèo này, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân chung của cả tỉnh. Tỉnh tập trung thực hiện mục tiêu phát triển 02 huyện miền núi trở thành “các tiểu đô thị sinh thái núi rừng”, góp phần hướng đến mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

PV: Đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí, khát vọng vươn lên của các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS, là sức mạnh nội tại để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố hình mẫu trong phát triển bền vững. Khánh Hòa khai thác phát huy sức mạnh nội tại này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng xác định, mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

(Chuyên đề Khánh Hòa): Hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa trở thành thành phố hình mẫu trong phát triển bền vững 3
Nằm sát Lâm Đồng, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được xem như “Đà Lạt thứ 2”.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí, khát vọng vươn lên của tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS, là sức mạnh nội tại để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố hình mẫu trong phát triển bền vững. Để phát huy sức mạnh nội tại này, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân gắn với việc phát huy dân chủ trong đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện dân chủ trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở tất cả các cấp, các ngành và địa phương.

Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của tỉnh phải phục vụ lợi ích của Nhân dân. Trong đó, tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại Nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.