Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiện thực hóa khát vọng vươn tầm nông sản Việt: Kinh tế tập thể - “hơi thở” của chuỗi giá trị hàng hóa (Bài 1)

Thúy Hồng - 07:00, 26/05/2024

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản phẩm nông sản. Phát triển chuỗi giá trị hàng hóa theo mô hình liên kết Hợp tác xã (HTX) đã góp phần nâng tầm giá trị nông sản. Đây cũng là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa nông sản Việt Nam vươn ra biển lớn.

Trong liên kết chuỗi giá trị, HTX nông nghiệp vừa đóng vai trò thúc đẩy liên kết ngang giữa các hộ nông dân
Trong liên kết chuỗi giá trị, HTX nông nghiệp đóng vai trò thúc đẩy liên kết ngang giữa các hộ nông dân

Trong liên kết chuỗi giá trị, HTX nông nghiệp vừa đóng vai trò thúc đẩy liên kết ngang giữa các hộ nông dân, thông qua các hành động tập thể để tổ chức sản xuất, vừa thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể (KTTT), HTX là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững.

Tăng thu nhập từ liên kết sản xuất

Mai Sơn là huyện trọng điểm triển khai các chủ trương của tỉnh Sơn La về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị. 

Trên địa bàn huyện Mai Sơn có 177 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đã thể hiện được vai trò liên kết phát triển sản xuất, góp phần tạo ra nguồn hàng hóa lớn, chất lượng nâng cao thu nhập cho người dân và HTX.

Chị Bùi Thị Hòa, bản Cao Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, cho biết: Năm 2019, sau khi được học tập kinh nghiệm trồng và chăm sóc thanh long từ HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng của huyện Mai Sơn, chị đã mạnh dạn chuyển đổi 5.000m đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng thanh long. “Nhờ liên kết với HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng chúng tôi được HTX trao đổi, hướng dẫn kinh nghiệm chăm sóc cây thanh long và đưa ra thị trường được thuận lợi nên cho thu nhập cao và ổn định hơn”.

HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, được thành lập năm 2016 chỉ với 10 thành viên liên kết trồng cây ăn quả và 5,5 ha thanh long ruột đỏ. Đến nay, HTX đã phát triển lên 200 thành viên, và có 1.500 ha điện tích cây ăn quả các loại; trong đó có hơn 200 ha thanh long ruột đỏ được trồng tập trung ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu và Mộc Châu, với sản lượng thanh long 3.000 tấn.

Hiện nay, HTX Ngọc Hoàng đang liên kết với các công ty xuất nhập khẩu uy tín trong nước để giới thiệu sản phẩm đến các thị trường quốc tế. Trong năm 2023, HTX đã liên kết tiêu thụ trên 40 chuyến thanh long ruột đỏ sang thị trường các nước châu Âu với trên 700 tấn, nâng cao giá trị của quả thanh long.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng cho biết: HTX liên kết, hỗ trợ người nông dân từ kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn Việt Gap. Chúng tôi cũng ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân yên tâm sản xuất.

Tại tỉnh Cao Bằng việc phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã đưa sản xuất nông nghiệp của huyện chuyển biến tích cực
Tại tỉnh Cao Bằng việc phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã đưa sản xuất nông nghiệp của huyện chuyển biến tích cực

Tại Cao Bằng việc phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã đưa sản xuất nông nghiệp của huyện chuyển biến tích cực. Hiện nay, các mặt hàng nông sản đang phát triển theo hướng liên kết sản xuất như: gừng, ớt, sả, các loại cây đậu đỗ đạt giá trị kinh tế từ 100 - 270 triệu đồng/ha/năm.

Cụ thể như HTX nông sản Tân Việt Á, huyện Nguyên Bình được thành lập năm 2017, chuyên sản suất miến dong 100% từ bột dong riềng trồng ở địa phương. HTX liên kết với các hộ dân 2 xã: Phan Thanh, Yên Lạc (Nguyên Bình) để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bột dong ổn định cho người dân.

Chia sẻ về việc liên kết phát triển sản xuất với các hộ dân, Giám đốc HTX nông sản Tân Việt Á Trần Đức Hiếu cho hay, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, năm 2020 HTX nông sản Tân Việt Á xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản. Trung bình HTX bán ra hơn 20 tấn miến dong/năm, doanh thu khoảng 500 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động thời vụ ở địa phương.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn, tỉnh Cao Bằng, đã thẩm định 26 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó, có 3 chuỗi liên kết cấp tỉnh, với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ từ các Chương trình MTQG trên 4 tỷ 429 triệu đồng, 23 chuỗi liên kết cấp huyện với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 23 tỷ đồng. Hiện nay, có 9 kế hoạch được phê duyệt và đang triển khai thực hiện.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thái Hà, thì mô hình liên kết chuỗi giá trị tạo điều kiện cho nông dân phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao theo hướng hàng hóa, bước đầu tạo thương hiệu được khách hàng đặt mua, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.

Phát triển bền vững chuỗi giá trị qua liên kết HTX

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay, cả nước có hơn 31.700 HTX, trong đó có hơn 20.000 HTX nông nghiệp với gần 3,8 triệu hội viên là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên. Nhiều loại hình HTX liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.

Câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của KTTT, HTX là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững.

HTX liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững
HTX liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các HTX. Và ngược lại, KTTT, HTX cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Chia sẻ về vai trò của HTX đối với mô hình liên kết phát triển sản xuất, bà Lê Thị Lưu, Phó Giám đốc HTX Miến dong Tài Hoan Bắc Kạn cho rằng: HTX hoạt động với phương châm tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX cung cấp dịch vụ giống, vật tư phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm tăng thêm lợi ích cho thành viên. Mô hình kinh tế HTX là một mắt xích quan trọng, yếu tố tiên quyết trong mối liên kết giữa các thành phần tham gia, nhằm phát triển bền vững và lâu dài của chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.

Trong giai đoạn 2018-2023, Liên minh HTX Việt Nam huy động, tập trung các nguồn lực xây dựng 4.000 HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, 500 mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả; 240 mô hình HTX sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường tại các vùng nghèo và vùng đặc biệt khó khăn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…

Viêc liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các hợp tác xã sẽ giúp tăng giá trị nông sản
Viêc liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các HTX sẽ giúp tăng giá trị nông sản

Bà Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng Ban Chính sách và phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam) cho rằng, trong khu vực KTTT, HTX, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đã có xu hướng chung, là liên kết theo ngành để đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó, chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng nông sản và chuyển sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.