Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hiện thực hóa ước mơ làm du lịch trên đỉnh núi

Nghĩa Hiệp - 11:20, 09/06/2020

Tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) nơi tập trung sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Mông, con trâu, mảnh ruộng, đồi ngô là những “cần câu cơm” quan trọng đối với người dân. Nhưng đối với Giàng A Phỏng, việc bán đi chính chiếc “cần câu” duy nhất của gia đình để làm du lịch, đã giúp anh mở ra hướng đi mới cho quê hương Bản Mù.

Anh Giàng A Phỏng (giữa) vẽ ý tưởng lên bàn đá để xây dựng điểm du lịch tại Bản Mù
Anh Giàng A Phỏng (giữa) vẽ ý tưởng lên bàn đá để xây dựng điểm du lịch tại Bản Mù

Xã Bản Mù nằm cách trung tâm huyện Trạm Tấu chừng 13km. Những năm gần đây, khi du lịch cộng đồng tại huyện Trạm Tấu phát triển, xã Bản Mù mới dần được du khách biết đến. Nhắc đến Bản Mù, du khách thường nói tới hình ảnh “biển lúa trong mây”, ruộng bậc thang bát ngát, được ví như “reo lúa đỉnh trời”.

Có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, có bề dày văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, nhưng du khách đến với Bản Mù vẫn chỉ là những du khách đến vãn cảnh, do không có điểm lưu trú cho du khách.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, anh Giàng A Phỏng ấp ủ ý tưởng xây dựng điểm lưu trú, làm du lịch trên chính mảnh đất quê hương mình. Anh Phỏng nhớ lại: “Tôi biết muốn làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cũng rất khó khăn. Trong một lần nói chuyện với Trưởng thôn Giàng A Vàng, ông Vàng cho tôi xem cách thầy giáo Cường làm du lịch ở Trạm Tấu, được đăng trên Báo Dân tộc và Phát triển, tôi liền học theo ngay”.

Có ý tưởng và hướng đi, nên anh Giàng A Phỏng đã quyết định bán đi con trâu đang là chiếc “cần câu cơm” duy nhất trong nhà để hiện thực hóa ý tưởng.

“Do hầu hết vật dụng có sẵn trong tự nhiên, nên tôi muốn xây dựng điểm du lịch đúng bản sắc người Mông, để du khách được trải nghiệm văn hóa dân tộc tôi”, anh Phỏng chia sẻ.

Mọi thứ từ bàn, ghế, mái che, bờ rào cho đến chỗ ở…, đều được anh Phỏng lên ý tưởng tạo hình bằng cách vẽ mẫu lên các phiến đá, gỗ làm bờ rào, bàn ghế, phòng nghỉ, đá xây dựng thì được anh “nhặt” từ rừng về ghép lại với nhau. Nhà sàn nghỉ ngơi cho du khách được anh cải tạo từ chính ngôi nhà của mình. Cùng với đó, là suối nước nóng được lấy từ nguồn nước tự nhiên, tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương. 

Sau gần 1 năm tự mày mò, xây dựng, điểm du lịch của anh Phỏng đã bắt đầu đón khách thăm quan lưu trú. Anh Phùng Ngọc Long ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ định đến Bản Mù, ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín rồi quay trở lại Trạm Tấu nghỉ ngơi. Nhưng khi đến đây, tôi quyết định ở lại, trải nghiệm thử một đêm thưởng thức văn hóa của đồng bào dân tộc Mông tại Tây Bắc. Du khách lựa chọn du lịch cộng đồng là lựa chọn sự trải nghiệm về văn hóa, với sự mộc mạc đúng “chất” vùng cao là cách làm du lịch không bao giờ cũ đối với chúng tôi”.

Dám nghĩ, dám làm để thực hiện ước mơ và thay đổi, hy vọng trong thời gian tới đây, xã Bản Mù sẽ thu hút được nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm. Đồng thời, tạo thêm việc làm cho đồng bào DTTS tại Bản Mù; mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho vùng đất giàu cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Bắc.

Tin cùng chuyên mục
Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Dù ra mắt vào cuối năm 2023, song tính đến thời điểm hiện tại, sức hút của tour du lịch "Làng cá gỗ - sau ánh hào quang" vẫn chưa hề suy giảm. Về làng Quỳnh Đôi, du khách không chỉ có dịp ghé thăm vùng đất khoa bảng nức tiếng của xứ Nghệ mà còn được lắng nghe giai thoại về con cá gỗ, thấm thía câu chuyện của những người khai ấp lập làng, gian nan đưa thầy về dạy học để duy trì nghiệp đèn sách nơi đây.