Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tư duy làm du lịch của người Mông ở Sin Suối Hồ

PV - 10:59, 29/07/2019

Sin Suối Hồ là bản người Mông, nằm cheo leo trên đỉnh núi thuộc địa phận xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Trước kia, người dân Sin Suối Hồ chỉ biết cặm cụi làm nông nghiệp, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng chỉ sau vài năm làm du lịch, tư duy và nhận thức của bà con đã có những thay đổi rõ rệt trong việc tận dụng lợi thế mà thiên nhiên ưu ái.

Những thiếu nữ dân tộc Mông xinh đẹp của bản Sin Suối Hồ biểu diễn văn nghệ. Những thiếu nữ dân tộc Mông xinh đẹp của bản Sin Suối Hồ biểu diễn văn nghệ.

Điểm đến hấp dẫn

Cách TP. Lai Châu khoảng 30km, bản Sin Suối Hồ nằm chênh vênh trên sườn núi. Đường vào bản thơ mộng, cả mùa nước đổ lẫn mùa lúa chín vàng bạt ngàn sắc hoa địa lan, du khách có thể thăm quan thác trái tim, hay trải nghiệm săn mây trên đỉnh núi, ghé chợ phiên vào thứ Bảy hằng tuần. Khí hậu mát mẻ quanh năm khiến hệ sinh thái ở đây rất đa dạng, giữ nguyên nét hoang sơ, Sin Suối Hồ là một bản hội tụ những điều kiện tuyệt vời để phát triển du lịch cộng đồng.

4 năm qua, bản Sin Suối Hồ đã thay da đổi thịt khi đồng bào biết làm du lịch. Có thể thấy được tinh thần đoàn kết nhập cuộc của người dân Sin Suối Hồ qua việc bà con chủ động mở đường từ bản đến các điểm danh thắng, hiến đất xây chợ và mở chợ phiên ngay tại bản.

Anh Vàng A Tủa cho biết, mỗi người dân ở Sin Suối Hồ đều cảm thấy rất vui và tự hào khi có khách miền xuôi, khách nước ngoài đến tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của người Mông. Du lịch cũng đem lại thu nhập đáng kể giúp cải thiện đời sống. Vì vậy, bà con đều đồng lòng phát triển du lịch.

Người dân trong bản tự nuôi lợn, gà, trồng rau phục vụ khách tại chỗ, tránh được những thực phẩm dùng chất bảo quản hoặc dùng chất kích thích. Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết, bản đang triển khai cho bà con hướng đến việc không sử dụng túi nylon, thay vào đó là làm ra các giỏ, ống bằng tre hay đơn giản mua bán hàng hóa tại bản được gói bằng lá chuối. Đặc biệt, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao khi tự giác không uống rượu, hút thuốc để đời sống văn minh hơn.

Điều đáng quý hơn nữa là người Sin Suối Hồ đều ý thức được rằng, một trong những điểm thu hút du khách đến đây, chính là bảo tồn được bản sắc vốn có của dân tộc Mông. Chị Sủng Thị Le bày tỏ: “Chúng tôi muốn giới thiệu cho khách du lịch hiểu thêm về bản sắc người Mông. Mỗi gia đình kinh doanh homestay đều mặc trang phục truyền thống, đều làm những món đặc sản của người Mông và sinh hoạt với tập tục riêng của mình cùng với du khách tới đây. Đây vừa là trách nhiệm bảo tồn văn hoá dân tộc, vừa là điểm độc đáo giúp chúng tôi tận dụng để làm du lịch. Có thế du khách mới yêu mến và quay trở lại với mình”.

Nhờ mở cửa đón du khách và phát triển giống hoa địa lan địa phương, mỗi hộ dân ở đây đều có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm. Có hộ vừa làm homestay vừa trồng địa lan thu về 200-300 triệu đồng/năm.

Tư duy làm du lịch của người Mông ở Sin Suối Hồ ngày càng tiến bộ. Tư duy làm du lịch của người Mông ở Sin Suối Hồ ngày càng tiến bộ.

Học tiếng Anh để làm hướng dẫn viên du lịch

Nói đến thay đổi tư duy làm du lịch của người dân bản Sin Suối Hồ, trước tiên phải nhắc đến nhưng hạt nhân trẻ, không ngại thay đổi, tự học hỏi, trau dồi hoàn thiện kỹ năng thuyết minh và đón khách.

Hảng Thị Sú, cô gái Mông sinh năm 1995 ở bản Sin Suối Hồ chia sẻ: “Gia đình em đang mở dịch vụ homestay, em biết nếu muốn thu hút khách du lịch nước ngoài thì mình cần phải học ngoại ngữ. Em đã tự học tiếng Anh trên mạng và Youtube. Lúc đầu giao tiếp còn e ngại, mắc nhiều lỗi nhưng khi nói chuyện thường xuyên với khách, em đã tự tin hơn, vốn tiếng Anh cũng được cải thiện nhiều. Bây giờ có thể dẫn khách nước ngoài và thuyết minh, giới thiệu văn hoá của người Mông bằng tiếng Anh một cách thành thạo”.

Lớp thanh niên ở Sin Suối Hồ còn chủ động học chụp ảnh, quay video clip để chia sẻ trên Facebook để quảng bá du lịch Sin Suối Hồ rộng rãi hơn. Bản cũng thành lập được một đội văn nghệ trẻ, bên cạnh việc ôn lại những bản dân ca truyền thống, các thành viên tham gia còn tiếp thu và luyện tập các bài nhạc Mông mới để trình diễn cho du khách.

Ông Hoàng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: Trong công tác tuyên truyền, chúng tôi luôn khuyến khích bà con tự học hỏi, nâng cao kiến thức. Từ các trưởng bản, trưởng thôn, các đồng chí lãnh đạo xã, cũng như thế hệ trẻ đều xác định, du lịch là một hướng đi lâu dài và bền vững nên tư duy người dân ở Sin Suối Hồ ngày càng đổi mới và bắt kịp với xu hướng của thời đại.

HỒNG PHÚC