Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiệu quả công tác giảm nghèo ở Hùng Lợi

Mai Hương - 07:03, 01/11/2024

Hùng Lợi là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), với tổng số 1.730 hộ dân, 7.839 nhân khẩu. Kinh tế - xã hội của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ đồng bào Mông chiếm trên 50% dân số, đời sống người dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn.

Thầy giáo của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện đang truyền dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho người dân tộc Mông trên địa bàn xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn
Thầy giáo của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện đang truyền dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho người dân tộc Mông trên địa bàn xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để làm tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn xã. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, vì vậy, thời gian qua, cả hệ thống chính trị xã Hùng Lợi đã vào cuộc quyết liệt, để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Tập trung chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát huy nội lực vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm dần, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Để làm tốt công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Hùng Lợi đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo. Trước tiên là tập trung làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo, nhằm nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo hằng năm được thực hiện theo đúng quy định, trên cơ sở rà soát hộ nghèo xã đã tổng hợp và phân loại các nhóm đối tượng nghèo, để có biện pháp, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hợp lý. 

Đồng thời, tăng cường thực hiện đồng bộ các chính sách về vay vốn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhất là nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng dư nợ ngân hàng của xã đến nay là 91,454 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội 53,854 tỷ đồng. Đây chính là nguồn vốn giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã vay vốn, để giải quyết việc làm, đầu tư sản xuất, chăn nuôi...

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Hùng Lợi hướng dẫn các hộ người DTTS nghèo tìm hiểu về nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Hùng Lợi hướng dẫn các hộ người DTTS nghèo tìm hiểu về nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội

Chị Giàng Thị Thu, người dân tộc Mông tại thôn Nà Tang trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2019 được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng. Cộng với số vốn tích góp và kinh nhiệm may, thêu sẵn có, chị đã đầu tư mua máy may, máy ép ly vải và máy thêu về mở xưởng may trang phục dân tộc tại gia đình. Sau khi hoạt động có hiệu quả, đến đầu năm 2023 chị tiếp tục đầu tư thêm 1 máy. Mỗi năm, xưởng của chị có thể làm và xuất bán ra thị trường từ 4.000 đến 5.000 sản phẩm, chủ yếu là váy áo và các phụ kiện của người dân tộc Mông, tạo việc làm cho 11 lao động với mức thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Chị Thu chia sẻ, nhờ nguốn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội và sự giúp đỡ của cán bộ xã đã giúp gia đình chị thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn.

Bên cạnh đó, xã còn tập trung cho công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đây là một trong những biện pháp giảm nghèo bền vững và hiệu quả. Hằng năm, UBND xã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề ở các thôn và nhu cầu lao động trên thị trường, để mở những lớp dạy nghề phù hợp gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành, nghề trên địa bàn. Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể ở xã luôn tích cực vận động, hỗ trợ đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề.

Trong 2 năm 2023 và 2024, xã Hùng Lợi đã phối hợp mở được 04 lớp dạy nghề cho 140 học viên tham gia, 8 lớp tập huấn với trên 1.000 lượt người dân tham gia. Từ những kiến thức được trang bị tại các lớp dạy nghề, tập huấn cùng với các nguồn vốn vay, nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai hiệu quả, tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được người dân áp dụng vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. 

Công tác xuất khẩu lao động được ưu tiên quan tâm, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho con em vay vốn, để đi xuất khẩu lao động. Hiện trên địa bàn xã có 27 người đi xuất khẩu lao động, có thu nhập cao làm thay đổi cuộc sống. Ngoài ra, Hùng Lợi cũng là địa phương được triển khai nhiều dự án hỗ trợ sản xuất, như: Dự án nuôi ong, Dự án chăn nuôi Ngựa sinh sản, Dự án chăn nuôi vịt suối, Dự án chuỗi liên kết nuôi trâu đã giúp cho hàng trăm hộ gia đình tìm ra hướng đi, phát triển kinh tế, dần thoát nghèo.

Chị Giàng Thị Thu, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn mở xưởng may thêu trang phục dân tộc phát triển kinh tế cho gia đình
Chị Giàng Thị Thu, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn mở xưởng may thêu trang phục dân tộc phát triển kinh tế cho gia đình

Thôn Quân (Hùng Lợi) có 98 hộ gia đình. 100% hộ là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cuối năm 2023, theo rà soát, thôn có 64 hộ nghèo, do đó, công tác giảm nghèo được coi là nhiệm vụ trọng tâm được thôn đề ra. Ông Lầu Văn Tài, Trưởng thôn Quân, chia sẻ: Cán bộ thôn cùng với các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế rừng, đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, bởi đây là thế mạnh của địa phương, từ đó, các hộ sẽ có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Đến nay, mỗi hộ trong thôn đều có từ 2-3ha rừng; tổng đàn trâu bò trên 200 con. Nhiều hộ phát triển kinh tế khá như hộ ông Lầu Văn Dậu có 20ha rừng, 2 ô tô chở gỗ, 1 máy xúc; hộ ông Hoàng Văn Mại A với hơn 10 ha rừng và hàng chục con trâu bò. Cuối năm 2023, thôn xóa được 12 hộ nghèo.

Về các hoạt động an sinh xã hội, sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; tặng quà, hỗ trợ người nghèo, học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn xã Hùng Lợi luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ người nghèo về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm… Hằng năm, Uỷ ban MTTQ VN xã đã chỉ đạo Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” xã vận động xây dựng nguồn Quỹ có hiệu quả, bình quân mỗi năm vận động được từ 20 - 30 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Uỷ ban MTTQ VN xã đã chăm lo tốt hơn đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; nhân các dịp lễ, Tết, khai giảng năm học mới các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh nghèo đều được trao những món quà thiết thực ý nghĩa.

Riêng trong năm 2023 và 2024, xã đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn xã, để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở xuống cấp. Đã có 110 căn nhà được xây dựng, kinh phí hỗ trợ trên 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền xã còn tập trung chỉ đạo làm tốt công tác chính sách xã hội; kịp thời rà soát, xét duyệt hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; cấp phát đầy đủ, kịp thời các khoản trợ cấp cho cho các đối tượng theo đúng quy định. Năm 2024, qua rà soát sơ bộ, xã đã giảm được 190 hộ nghèo. Cụ thể giảm từ 1.010 hộ xuống còn 820 hộ, tỷ lệ giảm từ 58,4% xuống 47,8%.

Ông Bàn Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi cho biết, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhưng Hùng Lợi vẫn còn là một xã nghèo, khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân; nhân rộng các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao; tận dụng hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo sinh kế giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững./.

Tin cùng chuyên mục
Nông nghiệp công nghệ cao giúp đồng bào DTTS thay đổi thói quen sản xuất

Nông nghiệp công nghệ cao giúp đồng bào DTTS thay đổi thói quen sản xuất

Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và phát triển nông nghiệp bền vững đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người dân huyện biên giới Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Đặc biệt, từ những mô hình nông nghiệp tiên tiến, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện dần thay đổi thói quen sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống.