Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Hiệu quả giảm nghèo ở Phú Lương

Thiên An - 05:56, 12/12/2023

Năm 2023, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo. Kết quả này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân, mà còn tạo nền tảng để Phú Lương phát triển bền vững.

Nhiều hộ nghèo tại huyện Phú Lương được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội và hỗ trợ tư liệu sản xuất
Nhiều hộ nghèo tại huyện Phú Lương được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi

Nhiều giải pháp giảm tỉ lệ hộ nghèo

Phú Lương là một huyện miền núi trong đó có 01 xã và 8 xóm đặc biệt khó khăn, toàn huyện có trên 50% dân số là đồng bào DTTS. Năm 2022, huyện còn 1.475 hộ nghèo và 1.222 hộ cận nghèo. Bước vào năm 2023, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 3,83% xuống còn 3,33%.

Với đặc điểm đa số dân cư là nông dân, Phú Lương đã chú trọng thực hiện những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người nông dân, như cung cấp giống cây, kỹ thuật canh tác hiện đại và hỗ trợ vốn để nâng cao năng suất,  giúp nông dân tăng thu nhập và giảm bớt sự phụ thuộc vào một mô hình nông nghiệp truyền thống.

Quanh năm làm lụng vất vả nhưng cái nghèo vẫn đeo bám gia đình chị Nhạn ở xóm Trung, xã Yên Đổ. Chị Nhạn cho biết: "Cái khó bó cái khôn", nguyên nhân chính là không có vốn phát triển sản xuất. May mắn cho gia đình chị được UBND xã Yên Đổ xem xét và phối hợp với các ngành hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ tư liệu sản xuất như: Máy cắt cỏ, tập huấn khoa học kỹ thuật và tham quan các mô hình kinh tế. 

Từ nguồn vốn được hỗ trợ, gia đình chị Nhạn đã đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gà, lợn kết hợp trồng cây ăn quả. Năm 2022, gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo và xây dựng được ngôi nhà kiên cố, ổn định cuộc sống.

Được biết, trong những năm qua, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Từ 253 hộ nghèo chiếm tỉ lệ 13,99% năm 2020, đến nay xã chỉ còn 79 hộ với 4,7%.

Hiện nay, các mô hình “dân vận khéo” gắn với hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật đã và đang được áp dụng rất hiệu quả trên địa bàn huyện Phú Lương. Những mô hình này giúp người dân địa phương chủ động tăng gia sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Gia đình bà Ma Thị Các, là hộ nghèo thuộc xã Hợp Thành. Đầu năm 2023, gia đình bà được hỗ trợ 1 con trâu giống và hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, gia đình đã mua thêm bò giống và trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Có thể nói, đây là nguồn hỗ trợ quý giá để gia đình phấn đấu thoát khỏi danh sách hộ nghèo trong năm nay.

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện Phú Lương đã hỗ trợ xây dựng được 125 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện Phú Lương đã hỗ trợ xây dựng được 125 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo

Giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp

Vào thời điểm đầu năm 2023, huyện Phú Lương có 120.000 hộ, trong đó có 1.023 hộ nghèo và 999 hộ cận nghèo; nhiều hộ nghèo sinh sống trong những ngôi nhà tạm, dột nát, không đảm bảo an toàn. Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, giúp các hộ nghèo "an cư lạc nghiệp", Ủy ban MTTQ huyện Phú Lương đã tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. 

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng và bàn giao được 125 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo. Riêng xã Yên Trạch có 58 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới.

Tổng kinh phí hỗ trợ là trên 10 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ Quỹ Vì người nghèo huyện là trên 4 tỷ đồng; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ khoảng 6 tỷ đồng; ngoài ra còn có đối ứng của các gia đình, người dân địa phương hỗ trợ công. Trong số 125 nhà Đại đoàn kết, có 15 ngôi nhà được hỗ trợ theo hình thức "chìa khoá trao tay" (hỗ trợ 100% kinh phí xây nhà).

Đa dạng hóa các mô hình sinh kế 

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Hiện nay, toàn huyện còn 1.053 hộ nghèo. Với số hộ nghèo còn khá cao, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hộ nghèo, tìm những giải pháp cụ thể, từ việc nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả của những hộ thoát nghèo ngay trong xã để các hộ nghèo học hỏi, áp dụng như mô hình cấy lúa năng suất cao, mô hình chăn nuôi…

Đa dạng hóa các mô hình sinh kế theo nhu cầu xã hội, trình độ người lao động trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, phù hợp với mục tiêu hướng tới của Chương trình giảm nghèo bền vững. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp quan tâm tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao khoa học, công nghệ thâm canh, trợ giúp vốn sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi cho bà con có nhu cầu cùng những hỗ trợ khác theo quy định.

Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, liên kết sản xuất giải quyết đầu vào và đầu ra sản phẩm, nông dân hưởng lợi, góp phần giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới thành công.

Tại các địa phương, hàng năm cũng giao chỉ tiêu cho các hội, đoàn thể, có kế hoạch cụ thể giúp đỡ các gia đình thoát nghèo; hỗ trợ phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức về KHKT, vay vốn; tạo điều kiện cho lao động nông thôn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và làm việc tại các công ty trên địa bàn.

Quá trình thực hiện các đơn vị lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ vay ưu đãi để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.

Những giải pháp thiết thực đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và đưa huyện Phú Lương trên con đường phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.