Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Hiệu quả hoạt động y tế cơ sở ở Mù Cang Chải (Yên Bái): Góp phần thay đổi nhận thức người dân

Hoài Dương - 20:51, 10/08/2020

Huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) là nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm trước đây, mỗi khi ốm đau, đồng bào chỉ biết cậy nhờ thầy mo, hay dùng lá rừng để chữa trị. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, mà tỷ lệ người dân khi ốm đau đến các cơ sở y tế đã chiếm từ 70 - 80%. Đây cũng là cơ sở quan trọng để y tế cơ sở đẩy lùi các hủ tục.

Cán bộ y tế cơ sở khám chữa bệnh cho bà con tại Trạm Y tế xã La Pán Tẩn
Cán bộ y tế cơ sở khám chữa bệnh cho bà con tại Trạm Y tế xã La Pán Tẩn

Đến thăm bản Háng Phù Loa, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, Trưởng bản Giàng A Trú cho biết, trước đây, cứ ốm đau là người dân trong bản lại mổ lợn, gà mời thầy cúng về làm lễ hoặc tự chữa bệnh bằng lá cây rừng. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, đều đặn hằng tháng luôn có cán bộ y tế đến tận bản tuyên truyền, vận động bà con khi ốm đau nên đến trạm y tế hoặc bệnh viện để khám, chữa bệnh, vì vậy, nhận thức của bà con về khám, chữa bệnh đã thay đổi rất nhiều.

Chị Thào Thị Dở, bản Háng Phù Loa kể: “Trước đây, do thiếu hiểu biết, chị em chúng tôi chỉ sinh đẻ tại nhà, đã có những trường hợp gặp nguy hiểm khi sinh. Nhưng bây giờ, được cán bộ, y, bác sĩ đến tuyên truyền, phân tích những rủi ro khi sinh con tại nhà nên chị em đều đến bệnh viện để sinh đẻ. Sản phụ đều được các y, bác sĩ thăm khám, chăm sóc tận tình, chu đáo, chị em đều an tâm”.

Chia sẻ về hành trình làm thay đổi nhận thức của bà con, ông Sùng A Củ, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Lao Chải tâm sự: Khó khăn lớn nhất trong công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở là những hủ tục tồn tại lâu đời trong đời sống của bà con. Hằng ngày, chúng tôi phải trực tiếp đến từng nhà thăm, khám cho người già, trẻ nhỏ, người đau ốm tại các bản của xã. Mỗi lần đến với bà con, chúng tôi có cơ hội để trò chuyện với người dân, tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức khi ốm đau thì đến các cơ sở y tế thay vì ở nhà cúng bái và hướng dẫn người dân cách phòng, chống các loại dịch bệnh tại cơ sở.

Trước những thay đổi tích cực của người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ông Cứ A Hồng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải phấn khởi cho hay: “Những năm trước đây, tỷ lệ người dân đến trạm y tế hay bệnh viện để khám, chữa bệnh, hoặc sinh đẻ rất ít. Nhưng giờ đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, mà tỷ lệ người dân khi ốm đau đến các cơ sở y tế đã chiếm từ 70 - 80%. Hằng năm, tỷ lệ cha mẹ đưa con dưới 1 tuổi đến cơ sở y tế tiêm chủng đầy đủ 8 loại văc xin đạt từ 98 - 98,5%, tỷ lệ tiêm văc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu tại Trung tâm y tế huyện đạt trên 90%.

Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã đầu tư nâng cấp trang thiết bị, đội ngũ các y, bác sĩ của Trung tâm được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ đó, các y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện đã có thể mổ cấp cứu các trường hợp khó, qua đó góp phần giảm áp lực cho tuyến trên, người dân không phải đi lại vất vả, tốn kém.

“Mặc dù công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Trạm Y tế xã làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đây cũng là cơ sở quan trọng để y tế cơ sở đẩy lùi các hủ tục như cúng bái và tiến tới chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách toàn diện, hiệu quả nhất…”, ông Sùng A Củ, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Lao Chải cho biết. 

Tin cùng chuyên mục
Hiểm họa từ rác thải điện tử

Hiểm họa từ rác thải điện tử

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến những tiện ích vượt bậc cho đời sống và sinh hoạt của con người, đồng thời cũng kéo theo hệ lụy về rác thải điện tử. Rác thải điện tử đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người, có nguy cơ cao gây ra những hậu quả khôn lường nếu không có các giải pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý rác thải điện tử.