Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Hiệu quả mô hình thư viện mới ở một trường miền núi

PV - 11:12, 07/09/2022

Xác định tầm quan trọng của việc đọc sách, những năm qua, Trường Tiểu học Tân Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tích cực triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện trong nhà trường. Qua đó, làm lan tỏa tình thần đam mê đọc sách, kích thích học sinh tăng cường tham gia các hoạt động khuyến đọc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của đơn vị.

Hệ thống thư viện tại Trường Tiểu học Tân Lập được bố trí bắt mắt, tạo hứng thú cho học sinh đến đọc sách. (Ảnh: M.L)
Hệ thống thư viện tại Trường Tiểu học Tân Lập được bố trí bắt mắt, tạo hứng thú cho học sinh đến đọc sách. (Ảnh: M.L)

“Đa dạng hình thức, phong phú nội dung, hoạt động hiệu quả”, đó là phương châm xây dựng thư viện trường học tại Trường Tiểu học Tân Lập. Ngoài mô hình thư viện truyền thống gồm tủ sách, dãy bàn ghế để học sinh đọc và đăng ký mượn sách thì nhà trường đã xây dựng thêm 2 mô hình mới, đó là “Thư viện xanh” và “Thư viện thân thiện”.

Với ý tưởng xây dựng môi trường đọc sách gắn liền với môi trường thiên nhiên, đồng thời gắn việc đọc sách với các hoạt động vui chơi, giải trí “chơi mà học”, hai mô hình thư viện mới ra đời đã thực sự thu hút học sinh. Để hiện thực hóa ý tưởng này, trường đầu tư nguồn kinh phí gần 100 triệu đồng, huy động tập thể cán bộ, giáo viên tập trung thiết kế, bài trí không gian làm thế nào để phù hợp và thuận tiện nhất cho học sinh.

Theo đó, không gian đọc sách được bố trí dọc theo khuôn viên trường. Thiết kế giàn hoa giấy kiên cố, vừa tạo bóng mát, vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thông thoáng, bên dưới giàn hoa bố trí dãy bàn ghế đá hình vòng cung. Chạy dọc theo giàn hoa giấy là các loại chậu hoa, được thay đổi theo mùa.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường còn sáng tạo nơi đặt sách bắt mắt, tạo sự tò mò, thích thú cho học sinh mỗi khi đến khu vực đọc sách. Đó là, những chiếc chai nhựa đã qua sử dụng loại 1,5 lít được tỉ mẩn cắt ghép, dán hoa bằng giấy màu treo lên ở giàn hoa giấy làm nơi đựng những cuốn sách hay. Những chiếc chai này được treo vừa đủ tầm với của học sinh. Sử dụng chai nhựa trong suốt có thể giúp học sinh đọc được tên cuốn sách, để các em thuận tiện khi lựa chọn. Mỗi khi chọn sách từ trên cây, chiếc chai xoay tròn với màu sắc rực rỡ tạo cho học sinh cảm giác rất thích thú.

Các cuốn sách đặt ở chai nhựa được cán bộ thư viện trường thay đổi thường xuyên. Em Nguyễn Tú Chi, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Tân Lập chia sẻ: “Đọc sách giúp em hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, có nhiều điều trong sách ứng dụng rất bổ ích vào thực tiễn. Do đó, em và các bạn rất thích và thường xuyên đến “Thư viện xanh” của trường. Tại đây, chúng em được đọc những quyển sách hay ngay tại sân trường, không phải mất thời gian để đăng ký mà tự mình lựa chọn những cuốn sách yêu thích. Hơn nữa, đọc sách ở ngoài sân trường tạo cho chúng em có không gian thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên”.

Từ hiệu quả của việc xây dựng mô hình thư viện mới, năm 2022, Trường Tiểu học Tân Lập tiếp tục xây dựng và ra mắt mô hình “Thư viện thân thiện”. Với nguồn kinh phí trên 70 triệu đồng, nhà trường đã cải tạo lại thư viện truyền thống, bố trí thêm không gian phòng đọc, sơn sửa, thiết kế vẽ tranh trang trí tường; mua sắm bàn ghế, giá sách, các bộ đồ chơi dân gian, nệm lót sàn…

Khi đến đây, học sinh không chỉ mượn sách, đọc sách mà còn có thể cùng nhau tham gia các hoạt động giải trí bổ ích khác như: Vẽ tranh, kể chuyện, chơi trò chơi dân gian, cờ vua, cờ cá ngựa… tạo sự hứng thú, giúp học sinh chơi mà học, học mà chơi. Để tạo sự gắn kết giữa giáo viên và học sinh, đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động của thư viện, Trường Tiểu học Tân Lập cũng giao trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên chủ động tuyên truyền, vận động, định hướng và trực tiếp hướng dẫn học sinh khi tham gia các hoạt động tại thư viện. Thường xuyên có sắp xếp sách một cách hợp lý theo thể loại cũng như độ tuổi học sinh.

Vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ ngày công để trồng, chăm sóc hệ thống hoa và cây xanh tại khuôn viên thư viện; vẽ tranh trang trí tường của thư viện. Ngoài ra, nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa để đầu tư phát triển thư viện, đặc biệt là tăng cường nguồn sách. Quan tâm, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động khuyến đọc.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại thư viện như: Thi kể chuyện theo sách, giới thiệu sách theo chủ đề; giao lưu các trò chơi dân gian; khen thưởng, biểu dương học sinh có thành tích trong việc tích cực tham gia các hoạt động khuyến đọc… Nhờ thế, học sinh đến thư viện ngày càng đông và thường xuyên hơn.

Hiện nay, hệ thống thư viện Trường Tiểu học Tân Lập có trên 8.000 đầu sách, bao gồm các thể loại sách giáo khoa, sách thiếu nhi, sách tham khảo, sách nghiệp vụ… Có trên 80% học sinh tham gia đọc và mượn sách thường xuyên.

Hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Hằng năm, có trên 98% học sinh của trường hoàn thành chương trình lớp học. Thí sinh tham gia các cuộc thi đều đạt kết quả tốt như: Giải Nhất cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” huyện Hướng Hóa năm 2022; giải Nhì toàn đoàn giao lưu tiếng Anh, tiếng Việt huyện năm học 2021 - 2022; giải Nhì và giải Khuyến khích Giải thưởng Mỹ thuật cấp huyện năm 2022; các cuộc thi qua mạng như: Tiếng Anh, an toàn giao thông… đều đạt kết quả tốt.

Liên tục 2 năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021 trường đều vinh dự được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Quảng Trị. Năm học 2020 - 2021 được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập Phạm Văn Thiện cho biết: “Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, nhà trường tiếp tục triển khai các giải pháp sát thực để nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện. Mục tiêu chính là tìm cách tốt nhất để thu hút học sinh, nâng cao ý thức đọc sách, hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày cho học sinh. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao số lượng đầu sách và đa dạng chủng loại sách, phục vụ tích cực nhu cầu tìm hiểu, học tập của học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên”.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.