Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

"Thư viện rác thải" của nữ thủ thư ở Indonesia

Duy Ly (theo Reuters) - 16:38, 22/12/2021

Tại đảo Java, Indonesia có một nữ thủ thư hằng ngày miệt mài chạy xe chở sách đi quanh thành phố, để đổi lấy những túi rác từ những đứa trẻ. Đây là cách mà cô cho rằng nó hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích trẻ em đọc sách nhiều hơn.

 Người sáng lập “Thư viện rác thải” - Raden Roro Hendarti, 48 tuổi, sắp xếp sách trên một chiếc xe 3 bánh tại thư viện ở làng Muntang, Purbalingga, tỉnh Trung Java, Indonesia
Người sáng lập “Thư viện rác thải” - Raden Roro Hendarti, 48 tuổi, sắp xếp sách trên một chiếc xe 3 bánh tại thư viện ở làng Muntang, Purbalingga, tỉnh Trung Java, Indonesia

Mỗi ngày, Raden Roro Hendarti, 48 tuổi đều đặn lái chiếc xe 3 bánh, xếp đầy những cuốn sách rong ruổi khắp làng Muntang của mình. Hình ảnh này đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân nơi đây, đặc biệt là những đứa trẻ. Cô cho biết, mục đích công việc cô làm, là để thúc đẩy hoạt động đọc sách, cũng như giúp những đứa trẻ này nhận thức sớm về việc bảo vệ môi trường.

Những đứa trẻ nhỏ với vẻ mặt háo hức đứng chờ cô từ lâu, vì chúng đã nắm được lịch trình. Ngay khi cô xuất hiện, chúng vội vã vây quanh “thư viện” của cô, ngắm nghía các quyển sách, trao đổi sôi nổi và cầm những túi rác lần lượt chờ đến lượt được đổi sách. Những túi rác chứa đầy những loại rác thải như chai, lọ, cốc nhựa, túi, giấy… đa số chúng có thể tái chế được.

Raden Roro Hendarti lái xe 3 bánh đưa thư viện di động đến các trường học, khu dân cư ở làng Muntang
Raden Roro Hendarti lái xe 3 bánh đưa thư viện di động đến các trường học, khu dân cư ở làng Muntang

Sau mỗi chuyến đi, chiếc xe 3 bánh của Raden nhanh chóng được lấp đầy bởi những túi rác, đổi lại là số sách cô mang đến cũng “bị” mượn hết. Raden rất vui, vì kết quả thu được là việc, lũ trẻ dành ít thời gian hơn cho các trò chơi trực tuyến và dành nhiều thời gian cho sách hơn.

“Chúng ta hãy xây dựng văn hóa đọc sách từ khi còn nhỏ, để giảm thiểu tác động tiêu cực của của thế giới trực tuyến. Đồng thời, nên quan tâm đến vấn đề rác thải và môi trường, để góp phần chống lại biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một phức tạp trên trái đất này”, Raden nói.

Cô cũng cho biết, mỗi tuần cô thu thập được khoảng 100 kg chất thải, sau đó các đồng nghiệp của cô giúp phân loại và gửi đi tái chế hoặc bán. Kho sách của Raden có khoảng 6.000 cuốn sách, chủ yếu là sách cho mượn trong quá trình “đổi rác lấy sách” của mình. Cô đang dự định mở rộng mô hình của mình sang các khu vực lân cận, để thúc đẩy phong trào này đến sâu rộng hơn trong cộng đồng

Một phụ huynh bế cậu con trai của mình đi lựa sách sau khi đã thu gom rác đến đổi tại “Thư viện rác thải”
Một phụ huynh bế cậu con trai của mình đi lựa sách sau khi đã thu gom rác đến đổi tại “Thư viện rác thải”

Kevin Alamsyah, cậu bé 11 tuổi ham đọc sách, để có thể được mượn nhiều sách hơn, cậu đã tích cực tìm kiếm, thu gom rác thải trong ngôi làng của mình và kêu gọi mọi người cùng bảo vệ môi trường. “Khi có quá nhiều rác, môi trường của chúng ta sẽ trở nên ô nhiễm và gây hại cho sức khỏe. Đó là lý do cháu tìm đến thư viện di động của cô Raden”, Kevin nói.

Jiah Palupi, phụ trách chính của thư viện cộng đồng làng Muntang cho biết, công việc của Raden, đã góp phần rất lớn trong nỗ lực chống lại chứng nghiện chơi game trực tuyến trong giới trẻ, và thúc đẩy văn hóa đọc sách trong cộng đồng.

Tỷ lệ biết chữ của thanh thiếu niên trên 15 tuổi ở Indonesia là khoảng 96%. Tuy nhiên, trong một báo cáo vào tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng, đại dịch COVID-19 sẽ khiến hơn 80% thanh thiếu niên ở độ tuổi này không thể đọc thông viết thạo theo tiêu chuẩn của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế)./.

Tin cùng chuyên mục
Những kỷ vật lặng lẽ gọi tên!

Những kỷ vật lặng lẽ gọi tên!

Cứ mỗi lần đứng trước những kỷ vật, di vật gắn liền với người lính nơi trận mạc, lòng tôi lại trào dâng bao cảm xúc. Và tôi gọi đó là những kỷ vật lặng lẽ gọi tên!