Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiệu quả tín dụng chính sách ở Bạc Liêu

Mai Hương - Minh Uyên - 09:15, 19/06/2024

Năm 2024, toàn tỉnh Bạc Liêu có 100% số xã của Bạc Liêu đạt chuẩn nông thôn mới, 67 ấp được công nhận là ấp nông thôn mới kiểu mẫu; kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 3.886 hộ (chiếm 1,7%). Có được thành tựu đó là nhờ một phần sự hỗ trợ tích cực từ chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai có hiệu quả tại địa phương.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trao đổi với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu vào tháng 3 vừa qua
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trao đổi với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu vào tháng 3 vừa qua

Tập trung các nguồn vốn giúp dân xóa nghèo

Qua đồng vốn vay từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) đã giúp gia đình chị Huỳnh Thúy Kiều ở phường 1, thị xã Giá Rai có nguồn lực để đầu tư thêm máy móc phát triển nghề làm bánh mì truyền thống. 

Chị Kiều cho biết: “Trước đây, do thiếu vốn đầu tư nên một số công đoạn sản xuất phải làm thủ công, vừa mất thời gian mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Nay nhờ có đồng vốn vay từ NHCSXH, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm trang thiết bị nên hiệu suất kinh doanh phát triển hơn, mỗi ngày có thể cho ra lò 2.000 - 3.000 ổ bánh mì. Từ việc mở rộng quy mô sản xuất không chỉ tăng lợi nhuận mà còn tạo được việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương”.

Hay như kinh tế gia đình từng thuộc diện khó khăn, nhưng nhờ sử dụng hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, đến nay kinh tế gia đình chị Đặng Thị Ven (ấp Năm Căn, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) ngày càng khởi sắc. “Gia đình tôi chủ yếu làm ruộng và trồng rẫy, dù cật lực lao động nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Đến năm 2021, nhờ 40 triệu đồng vay ưu đãi từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Lợi nên tôi có điều kiện đầu tư cải tạo đất rẫy và chăn nuôi bò. Từ 2 con bò giống ban đầu, hiện đàn bò đã phát triển lên 12 con. Hiện kinh tế gia đình tôi đã không còn khó khăn như trước”, chị Ven chia sẻ.

Cán bộ Ngân hàng CSXH Bạc Liêu kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn của hộ vay.
Cán bộ NHCSXH Bạc Liêu kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn của hộ vay

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bạc Liêu, ông Trần Quang Sơn, cho biết: Kết quả của việc lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm của địa phương đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của nguồn vốn tín dụng chính sách trên toàn địa bàn. Điển hình là Sở Tài chính đã tham mưu để UBND tỉnh hàng năm ưu tiên bổ sung ngân sách cho NHCSXH thực hiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, trong đó có những đối tượng chính sách đặc thù của địa phương.

UBND các huyện, thành phố, thị xã hằng năm đều trích vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH. Tính đến ngày 30/4/2024 số vốn ngân sách từ UBND tỉnh cùng 7 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đã chuyển sang NHCSXH là 222 tỷ đồng, tăng 209 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40, góp lực nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 3.133 tỷ đồng, tạo đà cho NHCSXH Bạc Liêu đạt tỷ lệ tăng 144%, hỗ trợ kịp thời gần 570 nghìn lượt hộ vay vốn với tổng số tiền trên 8.695 tỷ đồng.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho nhiều lao động được tiếp cận nguồn vốn, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình và ổn định cuộc sống
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho nhiều lao động được tiếp cận nguồn vốn, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình và ổn định cuộc sống

Nâng cao chất lượng nguồn vốn

Cùng với việc tâp trung huy động các nguồn lực là sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức chính trị xã hội với NHCSXH trong suốt quá trình quản lý, sử dụng và nâng cao chất lượng vốn tín dụng chính sách được chặt chẽ, nhịp nhàng hơn kể từ khi thực hiện Chỉ thị.

Đơn cử như ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, với chức năng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh, đã phối hợp với các cơ quan hữu quan, tiến hành điều tra, rà soát, bổ sung, thống kê chính xác danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện cho NHCSXH giải ngân nhanh chóng, công bằng, dân chủ.

Song song với việc đổi mới quy trình, thủ tục cấp tín dụng trực tiếp, thuận tiện, thu nợ, thu lãi tại nhà, NHCSXH đẩy mạnh phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, với chất lượng tốt, đồng thời chú trọng khâu củng cố, sắp xếp mạng lưới Tổ tiết kiệm vay vốn theo hướng liền canh, liền cư, đảm bảo 3 tiêu chí: đủ số thành viên, đủ vốn hoạt động, đủ tổ trưởng có trình độ quản lý kinh tế, quản lý tín dụng…

Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh, ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh
Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh, ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh

Với cách làm đó, nguồn vốn tín dụng chính sách ở tỉnh Bạc Liêu đã tăng trưởng nhanh, số nợ quá hạn, lãi tồn đọng mới giảm và trong tầm kiểm soát. Và hơn thế, số người nghèo và các đối tượng chính sách đã có cơ hội tiếp cận đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW  ở tỉnh Bạc Liêu, đồng vốn của NHCSXH đã đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vay vốn để người dân đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như: Mô hình Nuôi tôm càng xanh tại huyện Phước Long; Mô hình trồng màu (hẹ bông, quế giống...), trồng lúa luân canh hoa màu tại huyện Hòa Bình; mô hình “Lúa-Tôm” tại thị xã Giá Rai; mô hình nuôi cá chạch lấu, nuôi cua biển huyện Đông Hải; mô hình nuôi vịt trên ruộng lúa kết hợp thả cá đồng, nuôi cá lóc mùng tại huyện Hồng Dân; mô hình lúa 3 vụ, mô hình cánh đồng lớn tại huyện Vĩnh Lợi; mô hình trồng màu của đồng bảo dân tộc Khmer tại thành phố Bạc Liêu; mô hình nuôi lươn tuần hoàn, nuôi lươn không bùn, nuôi cua đinh…;

Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống ở tỉnh Bạc Liêu, tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ và Nhân dân về tín dụng chính sách. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực tự vươn lên trong sản xuất để tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Góp phần thực hiện phong trào sử dụng nông thôn mới; gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.