Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hiệu quả từ chương trình cấp phát cồng chiêng: Khơi lại niềm tự hào và quý trọng văn hóa dân tộc (Bài 2)

Lê Phương - 20:25, 28/07/2022

Những năm qua, Chương trình trao tặng cồng chiêng cho các thôn làng đồng bào DTTS ở Bình Định đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ có được cồng chiêng, những người có tâm huyết với văn hóa truyền thống đã tích cực vận động và truyền dạy cho bà con, đặc biệt là những người trẻ tuổi về giá trị độc đáo của nghệ thuật cồng chiêng; về niềm tự hào và quý trọng văn hóa truyền thống.

Từ ngày có cồng chiêng, người dân ở các làng đồng bào DTTS trong tỉnh hăng say tập luyện
Từ ngày có cồng chiêng, người dân ở các làng đồng bào DTTS trong tỉnh hăng say tập luyện

Niềm vui rộn khắp thôn làng

Tại huyện Vĩnh Thạnh, địa phương được xem là nơi gìn giữ văn hóa cồng chiêng khá tốt, số lượng bộ cồng chiêng cũng còn rất ít. “Lúc trước Vĩnh Thạnh thiếu nhiều cồng chiêng lắm, phần vì hư hỏng mà không có nghệ nhân biết chỉnh sửa, phần vì trộm cắp, sang nhượng..., cho nên cũng khó để vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa. Vì thế, chương trình trao tặng cồng chiêng đã mang lại niềm vui cho khắp các thôn làng”, ông Yang Danh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho hay.

Được nhận bộ nhạc cụ cồng chiêng, người dân các buôn làng ai nấy đều vui tươi, rạng rỡ. Anh Đinh Cường, làng K4, xã Vĩnh Sơn chia sẻ: “Trước đây làng mình cũng có, nhưng sau nhiều năm cồng chiêng dần hư hỏng. Từ khi được nhận thêm bộ cồng chiêng mới, thanh niên chúng tôi có cơ hội đánh cồng chiêng nhiều hơn. Tôi cũng thấy nên cố gắng luyện tập hơn nữa".

Tiếng cồng chiêng luôn rộn rã ở khắp các thôn làng
Tiếng cồng chiêng luôn rộn rã ở khắp các thôn làng

Chia sẻ về điều này, nghệ nhân Đinh Kim, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, một người tâm huyết với văn hóa cồng chiêng, bộc bạch: “Đa số bọn con trai, con gái của làng tôi đã thích đánh cồng chiêng và múa xoang. Chúng nó ham lắm, nhất là những buổi biểu diễn cho mọi người xem. Nhưng mà muốn duy trì thì phải có cồng chiêng mới luyện tập thường xuyên được.

“Cồng chiêng không chỉ là một loại hình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc mà còn đóng góp nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống của bà con. Thông qua các lễ hội văn hóa, các buổi sinh hoạt cồng chiêng, chúng ta có thể bảo tồn những giá trị văn hóa với bản sắc riêng của mỗi dân tộc, truyền đạt tốt hơn cho thế hệ trẻ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đời sống tinh thần được nâng cao sẽ giúp bà con ổn định cuộc sống, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương”.

Ông Đinh Văn LungTrưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định

Còn tại huyện An Lão, những năm qua nhịp điệu của cồng chiêng đã âm vang rộn ràng hơn bao giờ hết. Các bộ cồng chiêng đã được hỗ trợ cho các thôn, làng, giúp bà con có thêm điều kiện để sinh hoạt tập thể, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Em Chu Chủ Ái, người H’rê, huyện An Lão chia sẻ: Mỗi làng có một bộ cồng chiêng thì chúng em có điều kiện tiếp cận để học và đánh cồng chiêng hơn. Em tin rằng, trong thời gian không xa, thông qua việc gây dựng lại nhịp điệu cồng chiêng, thanh niên chúng em cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng tại các bản, làng.

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định khẳng định: Trong thời gian qua, việc ban hành chính sách hỗ trợ cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS và các trường học cũng mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS.

Quyết tâm gìn giữ

Những bộ cồng chiêng ấy không chỉ đem lại niềm hân hoan cho bà con, mà còn khiến những người quan tâm tới di sản cồng chiêng thêm hy vọng những “âm thanh giao kết với thần linh” sẽ mãi vang vọng khắp núi rừng và thắp lên tình yêu cồng chiêng trong cộng đồng.

Ông Đinh Giang Mía (55 tuổi) là một trong những người hướng dẫn của đội cồng chiêng xã Đăk Mang, huyện Hoài Ân cho biết: Tôi học cồng chiêng từ năm mười tám đôi mươi, qua người bác ruột của mình. Qua những lần mang cồng chiêng đi biểu diễn cùng đội văn nghệ của huyện, tham gia nhiều lễ hội trong tỉnh, ông lại được học hỏi nâng cao kỹ năng nhiều hơn. Với niềm đam mê từ thời trẻ, chăm chỉ luyện tập, ông thành thạo nhiều nhịp điệu cồng chiêng và luôn đau đáu mong trao truyền lại cho các thế hệ sau.

“Tôi mong rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc giúp bà con gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, thông qua việc trao tặng cồng chiêng sẽ làm cho lớp trẻ thêm đam mê nhạc cụ của dân tộc mình”, ông Mía nói.

Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng
Biểu diễn cồng chiêng trong ngày lễ hội

Một trong những người đầu tiên thành lập, gắn bó lâu năm với đội cồng chiêng của xã Đăk Mang là ông Đinh Văn Kha. Ông Kha chia sẻ: Đã có một thời gian, tiếng cồng chiêng tưởng như sẽ mai một, khi những người biết chơi ngày càng già đi, trong khi lớp trẻ không có thời gian để học hỏi. Trải qua năm tháng, những bộ cồng, chiêng trong thôn cũng hư hỏng, thất lạc dần. Nhưng những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp Đảng, Nhà nước, nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy nét văn hóa dân gian này được triển khai. Nhờ vậy, trong các dịp mừng Đảng, mừng Xuân, những ngày lễ..., tiếng cồng chiêng rộn ràng khắp thôn làng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh luôn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ đồng bào DTTS học hỏi và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Cứ 2 năm một lần, UBND tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS miền núi để các huyện miền núi luân phiên đăng cai. Đây là một dịp ý nghĩa để các câu lạc bộ cồng chiêng được tham gia biểu diễn, thi đấu. Ngày hội cũng tạo ra sân chơi cho các thanh niên người DTTS giao lưu, học hỏi và thêm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.