Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đăk Yo vang vọng âm thanh đại ngàn

Huỳnh Đại - 22:45, 19/04/2022

Với mong muốn bảo tồn và phát huy được giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc Ba Na. Các bạn trẻ ở làng Đăk Yo, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã ngày đêm luyện tập cồng chiêng và những điệu múa xoang, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.

Đội chiêng, xoang làng Đăk Yo biểu diễn tiết mục chào đón khách
Đội chiêng, xoang làng Đăk Yo biểu diễn tiết mục chào đón khách

Trong chuyến công tác tham dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra tại xã Hơ Moong, chúng tôi vô cùng bất ngờ được xem các bạn trẻ ở làng Đăk Yo biểu diễn cồng chiêng, đàn đá, tơ rưng, đinh pút, những điệu múa xoang.... mang đậm bản sắc của dân tộc Ba Na, chào mừng khách đến tham dự ngày hội một cách thành thạo và chuyên nghiệp.

Qua tìm hiểu, được biết hiện nay, tại làng Đăk Yo, xã Hơ Moong, cứ sáng thứ 7 hàng tuần, các bạn trẻ dân tộc Ba Na, nhánh Rơ Ngao lại tập trung luyện tập. Hầu hết các thành viên trong ban nhạc sử dụng thành thạo đinh pút, đánh được chiêng, đàn đá, tơ rưng, trống và bộ đệm.

Các bạn trẻ làng Đăk Yo biểu diễn cồng chiêng và múa xoang
Các bạn trẻ làng Đăk Yo biểu diễn cồng chiêng và múa xoang

A Chiêng, 21 tuổi ở làng Đăk Yo, một thành viên của đội cồng chiêng kể lại: Đội cồng chiêng, múa xoang được thành lập cách đây gần 3 năm. Những ngày mới thành lập đội cồng chiêng, múa xoang chúng em gặp rất nhiều khó khăn. Để tìm được người có năng khiếu về âm nhạc đã khó, thuyết phục được các bạn ấy tham gia cũng rất nan giải. Các bạn còn đi học, người lại bận bịu với nương rẫy rồi còn cả sự ngại ngần.

Thế nhưng nhờ tình yêu âm nhạc truyền thống, sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của bà con dân làng, đội cồng chiêng được thành lập với nhiều lứa tuổi khác nhau, người trẻ nhất 16 tuổi, lớn nhất 25 tuổi. Hầu hết các thành viên đều chưa từng học qua lớp đào tạo về âm nhạc. "Thế nhưng nhờ hăng say luyện tập với tất cả niềm đam mê, đến nay ban nhạc trẻ làng Đăk Yo đã biểu diễn thuần thục khoảng 100 bài hòa tấu. Trong đó, có gần 50 bản nhạc là những bài dân ca mà người Ba Na, nhánh Rơ Ngao thường sử dụng trong dịp lễ lớn của cộng đồng, như lễ mừng lúa mới, mừng giọt nước, mừng nhà rông mới…", A Chiêng cho biết.

Tham đội cồng chiêng làng Đăk Yo đều là các bạn trẻ
Tham gia đội cồng chiêng làng Đăk Yo đều là các bạn trẻ

Chia sẻ về tình yêu với nhạc cụ truyền thống và mong muốn bảo tồn văn hóa dân tộc mình, bạn A Luyến làng Đăk Yo, xã Hơ Moong cho biết: Trong đội, em được phân công đánh đàn tơ rưng và em rất thích nhạc cụ này. “Tiếng đàn tơ rưng rất hay và độc đáo nó thể hiện các nốt trầm bổng của âm nhạc. Chúng em thành lập đội và tự tập gần 2 năm nay. Bọn em tập thì hào hứng và rất vui. Trong đó, các loại đàn và nhạc cụ đánh khác nhau, đàn tơ rưng nó kêu khác, đàn đá nó kêu giống như thác núi. Vì đam mê nên chúng em theo đuổi nhạc cụ này để bảo tồn văn hóa của dân tộc mình”.

Các bạn trẻ tham gia với tinh thần tích cực, tự nguyện đang góp phần bảo tồn, phát huy được giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Những giai điệu đẹp ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình và tình yêu quê hương, đất nước thường xuyên vang lên ở làng Đăk Yo làm phong phú và đẹp thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây”.

Ông Mai Nhữ Nam Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Hiện tại, ban nhạc trẻ làng Đăk Yo nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của người dân làng gần, cũng như làng xa. Thành công của đội chính là tiền đề để các bạn trẻ làng Đăk Yo thành lập thêm đội xoang thanh thiếu niên của làng, với 14 thành viên đều là học sinh và thành viên nhỏ nhất mới chỉ 10 tuổi.

Em Y Nghệ dân tộc Ba Na, nhánh Rơ Ngao sống ở làng Đăk Yo cho biết: Em năm nay 16 tuổi, em rất yêu văn nghệ  nên tham gia đội múa xoang, vừa là để thỏa niềm đam mê, và cũng muốn các bạn trẻ làm theo để nét văn hóa của dân tộc chúng em được giữ gìn. Chúng em tập luyện cùng nhau, tạo nên một sự gắn kết ăn ý và hơn nữa đó là tinh thần đoàn kết trong mỗi điệu chiêng, xoang.

Ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy cho biết: Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống của đồng bào Ba Na. Xã cũng có một số nghệ nhân, nhưng các nghệ nhân hiện tại cũng già cả, ốm yếu rồi. Các bạn trẻ ở đây tập trung học văn hóa cồng chiêng, thì đó là một tín hiệu đáng mừng, nhằm giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.