Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Hiệu quả từ Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS nhìn từ Gia Lai

Thùy Dung - 18:38, 16/03/2021

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2025”, chất lượng giáo dục tại vùng đồng bào DTTS của tỉnh Gia Lai đã có những bước tiến rõ rệt.


Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non, tiểu học vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai” đã mang lại những kết quả tích cực.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non, tiểu học vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai” đã mang lại những kết quả tích cực.

Năm học 2020-2021, Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) có 5 điểm trường, 25 lớp với 596 học sinh, 95% là học sinh người đồng bào DTTS. Vì vậy, việc tăng cường tiếng Việt là nhiệm vụ hàng đầu mà lãnh đạo, tập thể giáo viên nhà trường luôn chú trọng quan tâm.

Cô Đoàn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn cho biết: Nhà trường luôn xác định việc giáo dục dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, vì hơn 95% số học sinh trong trường là người DTTS. Trong những năm qua, trường không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua nhiều hình thức như tập huấn chuyên đề, thao giảng, chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm phát huy tối đa thư viện góc lớp, lồng ghép môn tiếng Việt vào tất cả các môn học.

Đặc biệt, nhà trường không ngừng sáng tạo, xây dựng cảnh quan đẹp để để thu hút các em học sinh chăm chỉ đi học. Hằng năm nhà trường cũng dành một khoản kinh phí để đầu tư truyện, sách, báo,.. và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ thêm. Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng thêm 2 thư viện ngoài trời, thư viện cầu thang, tổ chức giao lưu tiếng Việt giữa các lớp, các điểm trường. Qua 5 năm, các em học sinh đã từng bước được nâng cao vốn tiếng Việt.

“Ngoài ra, nhà trường còn tạo điều kiện cho các giáo viên đăng ký học thêm lớp tiếng Gia Rai để giao tiếp với học sinh và phụ huynh. Tỷ lệ giáo viên biết tiếng mẹ đẻ của học sinh đạt 85%, được tập huấn phương pháp dạy học phù hợp với từng vùng miền, văn hóa cộng đồng dân tộc nơi học sinh sinh sống để tăng cường tiếng Việt cho trẻ”, cô Thúy cho biết thêm.

Em Ksor H’Bươi, học sinh của Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn cho biết: “Ngoài thời gian học trên lớp, em thường xuyên tranh thủ giờ ra chơi để đến thư viện đọc sách. Thông qua việc đọc sách, em học được rất nhiều điều bổ ích. Em hi vọng nhà trường sẽ có thêm nhiều cuốn sách, truyện hay hơn nữa để chúng em có thêm nhiều kiến thức”.

Hoạt động đọc sách tại thư viện của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa)
Hoạt động đọc sách tại thư viện của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa)

Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS năm 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy để giúp học sinh được tiếp cận, tăng cường các khả năng nghe, nói, đọc, viết.

Theo đó, trên 80% cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1 của các trường vùng đồng bào DTTS được tập huấn về phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt và phương pháp dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai; 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1 các trường vùng đồng bào DTTS được tập huấn dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS theo tài liệu “Em nói tiếng Việt”. 50% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng tiếng Gia Rai. Hằng năm, học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi, theo năng lực.

Bước vào giai đoạn II (2021-2025) của Đề án, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai tiếp tục tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, tuyên truyền, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học thực hiện tốt các kế hoạch của các cấp, ngành Giáo dục đề ra. Triển khai các giải pháp tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt. Tiếp tục thực hiện điều chỉnh nội dung, chương trình dạy học phù hợp với học sinh DTTS ở tiểu học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa như ngày hội đọc sách, giao lưu tiếng Việt,…