Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiệu quả từ mô hình trồng cam, bưởi hữu cơ theo chuỗi giá trị của đồng bào DTTS

Lê Dung - 08:42, 19/11/2023

Trong những ngày đầu Đông se lạnh của tháng 11, bà con đồng bào DTTS ở thôn Xẻ Cũ (xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) lại phấn khởi nói với nhau “mùa vàng bội thu lại đến rồi”. Đó là mùa cam, bưởi bội thu của bà con ở HTX sản xuất nông nghiệp và thương mại du lịch Thanh Hải tại địa phương. HTX này không chỉ là nơi để tạo cơ hội cho bà con đồng bào DTTS phát triển kinh tế mà còn là nơi để du khách khám phá vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa của vùng đất miền núi phía Bắc.

Những người nông dân hân hoan bên vườn bưởi chín vàng
Những người nông dân hân hoan bên vườn bưởi chín vàng

Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang với 8 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Tày, Nùng, Sán Chay (nhóm Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí), Dao, Hoa…Một số thôn có 100% số hộ là người DTTS, đồng bào luôn có ý thức nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng và đã gặt hái được những thành quả đáng nể.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp và thương mại du lịch Thanh Hải (HTX Thanh Hải) chia sẻ, nhận thấy mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một hướng đi thiết thực. Đặc biệt, trong bối cảnh Chương trình MTQG 1719 đang được triển khai trên vùng đồng bào DTTS và miền núi cả nước, trong đó có huyện Lục Ngạn, đã góp phần thúc đẩy sự khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS & MN. Người dân vùng DTTS miền núi có trợ lực, cơ hội để vươn lên thoát nghèo, thực hiện ước mong làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Năm 2021, HTX Thanh Hải ra đời với 13 thành viên, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực trồng cây ăn quả cam, bưởi trên diện tích khoảng 40ha. Quy trình thu mua, tiêu thụ cam, bưởi của HTX là thu hoạch và tập kết tại một điểm, sau đó doanh nghiệp đến mang đi tiêu thụ, bà con không phải trực tiếp thồ những sọt quả nặng trĩu đến điểm thu mua. “Đầu ra” này góp phần làm giảm bớt nỗi lo “ế hàng” của người dân mỗi vụ thu hoạch. Năm 2023, sản lượng của HTX ước đạt trên 500 tấn cam, bưởi. Năm nay, mặc dù mới chớm đầu vụ nhưng HTX đã nhận được hàng chục đơn hàng từ thương lái các tỉnh, thành phố, siêu thị… với sản lượng tiêu thụ dự kiến lên đến hàng vài chục tấn.

Ông Hữu (áo kẻ) chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi da xanh
Ông Hữu (áo kẻ) chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi da xanh

Gia đình ông Hữu là thành viên HTX Thanh Hải có trang trại rộng gần 10 ha, trồng các loại cây: bưởi da xanh, bưởi ngọt, bưởi đào đường, cam lòng vàng, cam ngọt… Hiện tại, đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, khách đã liên hệ trả giá 40.000 đồng/kg bưởi da xanh tại vườn, nhưng cùng với các thành viên trong HTX, gia đình ông chờ một thời gian nữa mới chốt giá bán. Trong năm 2022, gia đình ông thu hoạch vườn cam, bưởi được 300 tấn quả, doanh thu 5,3 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 3,5 tỷ đồng. 

Ông Hữu chia sẻ, những năm trước bà con quanh đây chủ yếu là trồng vải thiều. Vải thiều là quả đặc sản của huyện Lục Ngạn nhưng thời điểm thu hoạch ngắn quá, khi thu hoạch hay bị các thương lái trừ lùi cân, ép giá, phụ thuộc quá nhiều vào thương lái Trung Quốc, nên tôi quyết định chuyển sang trồng cam, bưởi vì thời gian thu hoạch sẽ kéo dài hơn. Năm 2006, gia đình tôi bắt đầu phá bỏ cây vải thiều chuyển sang trồng các loại cây bưởi, cam.

Trong khi tất cả các vườn đồi xung quanh đều trồng vải thiều thì việc gia đình ông chuyển hướng sang trồng cam, bưởi là một điều không dễ dàng. Ông bắt đầu đi tới các trang trại lớn từ Hòa Bình đến các tỉnh Bến tre để giao lưu, tìm hiểu học hỏi kỹ thuật trồng cây có múi. Sau nhiều lần đi thăm các trang trại, cuối cùng ông quyết định đặt mua giống bưởi da xanh từ Bến Tre ra để trồng theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó ông còn trồng thêm bưởi ngọt, bưởi đào, cam lòng vàng, cam ngọt.

Được hỏi về cách chăm sóc cây, ông Hữu chia sẻ: tất cả các loại cây trong trang trại của ông được chăm bón hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học như: phân trâu, cá ngâm vi sinh, đỗ tương lên men vi sinh… Để phòng trừ sâu bệnh, ông rắc vôi bột, phun chế phẩm vôi với đồng để phòng bệnh hại cho cây, như thế vừa an toàn thực phẩm, vừa bảo vệ sức khoẻ cho chính người chăm sóc.

Toàn cảnh trang trại bưởi cam
Toàn cảnh trang trại bưởi cam

Tận dụng lợi thế các vườn cây ăn quả đẹp, giao thông thuận lợi, HTX Thanh Hải đã liên kết với các nhà vườn trong xã tổ chức các tour, tuyến du lịch và đã đón lượng lớn khách tới tham quan, trải nghiệm. Riêng năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng HTX vẫn đón khoảng 100 đoàn với hơn 2 nghìn lượt khách tham quan. Đầu tháng 7 năm 2023, HTX Thanh Hải được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang công nhận là điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn. Tiếng lành đồn xa, mới chớm đầu vụ thu hoạch cam bưởi nhưng HTX đã đón lượng khách du lịch đến thăm quan trải nghiệm rất đông, đặc biệt vào các ngày nghỉ cuối tuần.

Ông Hữu cho biết thêm: Ngoài quả vải thiều là thương hiệu của địa phương còn có các loại cam bưởi đang là xu thế của vùng. Nhiều năm nay, cây cam bưởi không những là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của người dân Lục Ngạn, đặc biệt là người DTTS. Nhiều ngôi nhà khang trang được dựng lên và nhiều bài toán lao động cho bà con dần được tháo gỡ. Sau vài năm hoạt động, HTX đã thực hiện tốt công tác quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến các khách hàng trong và ngoài nước thông qua các chương trình du lịch “Lục Ngạn- Điểm hẹn mùa quả chín” của huyện Lục Ngạn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đi thăm quan, học tập các mô hình HTX khác. Đồng thời cử cán bộ đi tập huấn tại các buổi tập huấn của Liên minh HTX, tham gia các buổi tọa đàm trong và ngoài tỉnh. Thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá, đẩy nhanh các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử như: lazada, shope, tiktok…, Bán hàng qua các kênh như: điện thoại, facebook, zalo...

 Khách du lịch checkin tại vườn bưởi
Khách du lịch checkin tại vườn bưởi

Mùa thu hoạch năm 2023, sản lượng của HTX Thanh Hải ước đạt trên 500 tấn cam, bưởi. Doanh thu khoảng hơn chục tỷ đồng. Doanh thu năm nay cao hơn năm ngoái. Mô hình canh tác cây có múi của HTX đã tạo công ăn việc làm tại chỗ cho thành viên, nông dân và con em của thành viên, nông dân trên địa bàn thôn từ 8 - 14 lao động, thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/người/tháng.

Xây dựng một mô hình hướng tới tăng cường kết nối cung- cầu, tạo thành chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đồng thời, cung ứng sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng ra thị trường, đó là mục tiêu mà các thành viên trong HTX nông nghiệp Thanh Hải đang nỗ lực góp phần giữ vững.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.