Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nâng cao giá trị thương hiệu gà đồi Phú Bình

Vĩnh Sơn - 17:52, 13/11/2023

Cuối tháng 11 này, lần đầu tiên UBND huyện Phú Bình (Thái Nguyên) sẽ phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. Đây là một trong những nỗ lực nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm và nâng cao giá trị thương hiệu “Gà đồi Phú Bình”.

Trang trại gà của Hợp tác xã Gà đồi hữu cơ Tân Phú (Ảnh: HTX Tân Phú)
Trang trại gà của Hợp tác xã Gà đồi hữu cơ Tân Phú (Ảnh: HTX Tân Phú)

Phú Bình là huyện phát triển mô hình chăn nuôi gà thả đồi sớm nhất tỉnh Thái Nguyên, bắt đầu xuất hiện từ năm 2010. Nhãn hiệu “Gà đồi Phú Bình” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo Quyết định số 67777/QĐ-SHTT ngày 11/11/2014. Đến nay, huyện Phú Bình có trên 13.000 hộ chăn nuôi gà theo hình thức thả đồi, tập trung nhiều ở các xã miền núi Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành, Tân Hòa, Bàn Đạt….Với tổng đàn là hơn 4 triệu con, đã tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động, đem lại tổng doanh thu mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Với những giống gà thường được bà con yêu thích chăn nuôi là gà ta lò, lai mía, gà ri, gà ri lai.

Ba năm trở lại đây, nhờ chuyển từ chăn nuôi gà thả đồi theo phương pháp truyền thống sang quy trình VietGAP, theo hướng an toàn sinh học, chất lượng và giá trị sản phẩm gà đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn, ở xã Tân Khánh được nâng lên đáng kể. Ông Đoàn chia sẻ: Thời gian gần đây, toàn bộ giống gà nhập vào của tôi đều đồng nhất về giống, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Thức ăn cho gà là ngô kết hợp với cám. Việc tiêm phòng cho gà được tuân thủ theo đúng quy trình. Nhờ vậy, con gà ít bị bệnh, chất lượng thịt gà thơm ngon hơn, đảm bảo an toàn thực phẩm. Giá xuất bán gà đạt trung bình từ 60 đến gần 90 nghìn đồng/kg, cao hơn 20% so với trước đây".

Không dừng ở việc nâng cao chất lượng gà thịt, trên địa bàn huyện Phú Bình đã có một số cơ sở chăn nuôi, hợp tác xã phát triển sản phẩm chế biến sâu từ thịt gà. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã Gà đồi Hữu cơ Tân Phú, cho biết: Nhận thấy nhu cầu mua các sản phẩm chế biến sẵn của khách hàng ngày càng cao, chúng tôi đã học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình, cơ sở chế biến sâu thịt gà ở nơi khác để thành lập cơ sở chế biến sâu từ thịt gà. Hiện nay, Hợp tác xã gà đồi hữu cơ Tân Phú đã chế biến sâu được 7 sản phẩm từ thịt gà, trong đó có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là khô gà lá chanh và gà đồi Tân Phú. Các sản phẩm chế biến sâu nhận được nhiều đơn hàng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, với giá bán dao động từ 80.000- 300.000/đồng/sản phẩm.

Xác định gà đồi là 1 trong 8 sản phẩm chủ lực của địa phương, từ năm 2021 đến nay, huyện Phú Bình đã chú trọng xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Hàng năm, từ các nguồn vốn lồng ghép, huyện đã phân bổ kinh phí để hỗ trợ các mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, đặc biệt là phát triển các sản phẩm chế biến sâu.

Huyện cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi tự phối chế thức ăn từ nguyên liệu sẵn có của địa phương để hạ giá thành sản phẩm đầu vào; Xây dựng các mô hình theo chuỗi từ chăn nuôi gà đồi đến tiêu thụ sản phẩm an toàn… Đồng thời UBND huyện Phú Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích thành lập các HTX, Tổ hợp tác sản xuất để hình thành các đầu mối liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối tiêu thụ sản phẩm.

Thành viên HTX gà đồi Đồng Thịnh, xã Tân Khánh (Phú Bình) chăm sóc đàn gà.
Thành viên HTX gà đồi Đồng Thịnh, xã Tân Khánh (Phú Bình) chăm sóc đàn gà.

Cùng với đó, huyện triển khai thực hiện dự án xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh với tổng kinh phí 11 tỷ đồng; dự án phát triển gà đồi tại 2 xã Tân Kim, Tân Khánh với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã có 8 cơ sở chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn VietGAP, 3 sản phẩm thịt gà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Trong đó, dự án phát triển thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” được triển khai tại 4 xã: Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành và Tân Hòa với 25 trang trại tham gia. 

Các cơ sở tham gia dự án được chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu: Chọn giống, thức ăn, thuốc thú y, công nghệ vi sinh…. Huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tư vấn, chuyển giao công nghệ mới trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu mùi hôi, hạn chế chất thải ra môi trường; đào tạo và nâng cao năng lực cho người chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền để người dân chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, áp dụng công nghệ mới… Từ đó, tạo thành điểm sáng trong chăn nuôi và nhân rộng mô hình trên toàn huyện nhằm phát triển kinh tế cộng đồng.

Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển chăn nuôi với quy mô tập trung; liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh quảng bá, kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm. Huyện phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thịt gà hơi đạt 21 nghìn tấn; giá trị sản phẩm gà đạt gần 1,6 nghìn tỷ đồng/năm.

Thời điểm hiện tại, UBND huyện Phú Bình đang tích cực phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) chuẩn bị tổ chức Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023. Theo kế hoạch, Chương trình được tổ chức từ ngày 24 đến 26-11 tại huyện Phú Bình.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.