Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tuyên Quang: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

Bích Hằng - Giang Lam - 07:54, 15/11/2023

Nội dung 1, Tiểu dự án 2, Dự án 3 "Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đang được tỉnh Tuyên Quang chú trọng thực hiện. Trọng tâm của nội dung này nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì và mở rộng liên kết sản xuất để nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS, tạo động lực phát triển toàn diện khu vực đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Người dân trồng bưởi của xã Quý Quân sẽ được tham gia Dự án phát triển sản xuất bưởi liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Yên Sơn.
Người dân trồng bưởi của xã Quý Quân sẽ được tham gia Dự án phát triển sản xuất bưởi liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Yên Sơn.

Xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị trong đồng bào DTTS góp phần thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông - lâm- thủy sản hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 7/7/2023 Quy định mức hỗ trợ thực hiện Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, Dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 282/QĐ-UBND ngày 27/7/2023 về phê duyệt các danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị theo Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Theo đó, danh mục định hướng các dự án do UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt là 7 dự án (2 dự án lĩnh vực chăn nuôi; 5 dự án lĩnh vực trồng trọt); đối với cấp huyện có 67 dự án thuộc danh mục định hướng. Địa điểm tổ chức thực hiện, ây trồng, vật nuôi đều dựa trên khảo sát mong muốn, nguyện vọng của đồng bào DTTS về khát khao làm giàu từ hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương; các sản phẩm hiện có và sản phẩm tiềm năng của vùng đồng bào DTTS gắn với bản sắc văn hóa dân tộc và vùng miền. Đồng thời dựa trên khảo sát của toàn bộ các loại hình kinh tế hiện có, đánh giá hiện trạng về hiệu quả kinh tế và mức độ liên kết trong sản xuất.

Huyện Na Hang đăng ký 10 dự án, trong đó 4 dự án chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị theo từng cụm xã: gà, lợn, dê bò; 6 dự án về trồng trọt liên kết theo chuỗi giá trị gồm: trồng nấm, trồng chè Shan tuyết, hồng không hạt, lúa nếp, rau và ngô thương phẩm.

Lãnh đạo UBND huyện Na Hang giới thiệu, quảng bá cho các doanh nghiệp về sản phẩm chè Shan tuyết nằm trong vùng liên kết chuỗi giá trị theo Chương trình MTQG 1719.
Lãnh đạo UBND huyện Na Hang giới thiệu, quảng bá cho các doanh nghiệp về sản phẩm chè Shan tuyết nằm trong vùng liên kết chuỗi giá trị theo Chương trình MTQG 1719.

Ông Chẩu Văn Bích, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để tận dụng nguồn lực hỗ trợ, đầu tư, Phòng tiến hành thông báo đến các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn có nhu cầu đăng ký, xây dựng dự án, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Triển khai thực hiện nghiêm các bước trong xây dựng chuỗi giá trị. Trong đó, chú trọng tuyển chọn đơn vị chủ trì liên kết, đề xuất các dự án, kế hoạch; tiến hành họp và định hướng các đơn vị về chủ trương, chính sách của dự án; lựa vùng, họp dân. Doanh nghiệp, HTX xây dựng báo cáo khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; thành lập tổ hợp tác, đo đếm thực tế, thiết kế và tập huấn cho nhóm hộ thực hiện; nghiệm thu từng công đoạn theo đề nghị của chủ trì dự án… Hiện nay, Phòng đã trình UBND huyện thẩm định dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nấm tại địa bàn các xã Sơn Phú, Thanh Tương, thị trấn Na Hang. Còn lại, các dự án khác đang được xây dựng kế hoạch đề nghị hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

Huyện Chiêm Hóa đăng ký danh mục định hướng gồm 12 dự án liên kết chuỗi giá trị gồm: 4 dự án chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, lợn; 8 dự án về trồng trọt và tiêu thụ sản phẩm: Ớt, dưa chuột, chanh leo, gấc, cà chua, ngô ngọt và đậu đen xanh lòng. Trong đó, xã Kim Bình tham gia vào các dự án nhiều nhất với 6 dự án. Dự án phát triển sản xuất đậu đen, gắn với sản xuất và chế biến trà đậu đen xanh lòng liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn xã Kim Bình đang nhận được sự quan tâm của nhân dân, đồng bào DTTS của xã. Dự án có tính khả thi, thành công cao bởi thực tế sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa được HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát đứng chân trên địa bàn xã liên kết trồng, chăm sóc và kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm được chế biến theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Chị Phạm Thị Hồng, đại diện HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát bày tỏ, mỗi năm, HTX liên kết và tiêu thụ trên 55 tấn đậu đen xanh lòng cho đồng bào DTTS các xã Tri Phú, Bình Nhân, Kim Bình... Trong thời gian tới, được tham gia trở thành đối tác của dự án, tôi mong rằng với sự quan tâm, đầu tư của nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng bào DTTS trên địa bàn xã sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đỗ đen để có thêm thu nhập. HTX cùng đồng hành với đồng bào DTTS để làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, xây dựng cuộc sống no ấm hơn.

Tính đến thời điểm này, đa phần các dự án theo danh mục định hướng cấp tỉnh, cấp huyện đang trong giai đoạn đầu triển khai, thực hiện. Đó là xây dựng kế hoạch đề nghị hỗ trợ phát triển sản xuất. Qua đó, xác định rõ năng lực của đơn vị chủ trì liên kết; phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ; dự toán chi tiết theo năm kế hoạch; các chỉ số đầu ra chính gắn với các mốc thời gian thực hiện dự án...

Để giải quyết bài toán xây dựng chuỗi giá trị trong vùng đồng bào DTTS, nhằm kết nối sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các HTX lĩnh vực nông, lâm nghiệp; thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh Tuyên Quang chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; làm tốt công tác quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở vùng đồng bào DTTS, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.