Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiệu quả từ những mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Minh Nhật - 08:20, 11/06/2024

Những năm gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu triển khai các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch. Điều này không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, giúp người nông dân gắn bó với nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS.

Những thửa ruộng bậc thang vàng óng khi ngày mùa tới ở Tả Phìn (Lào Cai)
Những thửa ruộng bậc thang vàng óng khi ngày mùa tới ở Tả Phìn (Lào Cai)

Tả Phìn là xã vùng cao nằm ở phía Bắc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nơi sinh sống của đa số đồng bào DTTS. Cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày nhờ biết tận dụng tiềm năng, lợi thế và những sản phẩm sẵn có, một số Hợp tác xã (HTX) đã phát triển nông nghiệp kết hợp khai thác phát triển du lịch. Từ đó tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Xã Tả Phìn có 3.700 nhân khẩu, thuộc 728 hộ dân sinh sống ở 6 thôn bản. Trong đó, dân tộc Dao chiếm hơn 35%, dân tộc Mông chiếm 52,7%, còn lại là các dân tộc khác. Không chỉ được biết đến với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ như hang động có nhiều nhũ đá được hình thành từ lâu đời, những thửa ruộng bậc thang vàng óng khi ngày mùa tới, sự cổ kính của Tu viện cổ Tả Phìn với những bức tường rêu phong cũ kỹ đi cùng năm tháng... Nơi đây còn có nền văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, giá trị về kiến trúc nhà cửa, cách trang trí nhà cửa, chữ viết, trang phục, trang sức và các phong tục, lễ hội như những nghi lễ cưới, hát giao duyên, lễ cúng làng, lễ cúng giải hạn…, cùng với các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, khảm bạc, rèn đúc... và bài thuốc tắm lá của người Dao đỏ. Người dân vùng cao đôn hậu, nhiệt tình, mến khách và thật thà.

Trong 10 năm trở lại đây, xã Tả Phìn được biết đến với thế mạnh về phát triển du lịch, cùng các tri thức bản địa đã tạo ra các sản phẩm bản địa liên quan đến thảo dược, chăm sóc sức khỏe, xuất phát từ bài thuốc dân gian tắm lá gia truyền của người Dao đỏ. Đến nay, HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn có 120 thành viên, tạo việc làm cho 400 hộ liên kết cung cấp dược liệu, đa số là phụ nữ người dân tộc Dao đỏ tại địa phương, các thành viên cũng có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế từ phát huy giá trị của nghề truyền thống từ các sản phẩm thảo dược, thì phát triển du lịch cũng là một hướng đi mới của xã Tả Phìn. Xen giữa những khối đá trải khắp không gian Vườn đá Tả Phìn là những luống rau xanh mướt được gieo trồng và chăm sóc đảm bảo an toàn để phục vụ cho du khách có nhu cầu ăn, nghỉ tại đây. Nét văn hóa độc đáo, phong tục tập quán của đồng bào Mông, Dao đỏ được bảo tồn và lưu giữ 100% tại điểm du lịch Vườn đá Tả Phìn. Những món ăn dân tộc mang hương vị Tây Bắc đều vô cùng hấp dẫn. Hàng tuần, đều có đội nghệ nhân biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống của các dân tộc người Dao Đỏ, người Mông và có các hoạt động giữ gìn, bảo tồn những bộ sách cổ chữ Nôm Dao.

Khách du lịch tham quan và trải nghiệm vườn nho Hạ Đen tại huyện Cao Phong
Khách du lịch tham quan và trải nghiệm vườn nho Hạ Đen tại huyện Cao Phong

Tại huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), mô hình nho Hạ Đen kết hợp với du lịch trải nghiệm đã bước đầu khẳng định được hiệu quả.

Huyện Cao Phong đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tăng trưởng bình quân đạt 15% trở lên, đưa tỷ trọng của ngành đến năm 2025 chiếm 30%, năm 2030 chiếm 40%.

Xác định đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương đã khai thác lợi thế, phát triển các loại hình du lịch, theo định hướng gắn du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, di sản thiên nhiên, cảnh quan, môi trường sinh thái; phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với sinh thái, nông nghiệp sạch tại điểm du lịch có tiềm năng

Với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng giống nho Hạ Đen tại huyện Cao Phong” được triển khai từ tháng 5/2023, Được đầu tư trên diện tích hơn 3.000 m2 nhà lưới, giống nho Hạ Đen đã được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra dòng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Sau hơn 1 năm triển khai, cây nho Hạ Đen sinh trưởng và phát triển tốt, hiện đang bước vào vụ thu hoạch thứ 2, với năng suất được đánh giá đạt 9 tấn/ha/vụ. Đặc biệt, mô hình còn trở thành địa điểm du lịch của nhiều du khách khi muốn tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm cảm giác tự tay thu hoạch những chùm nho chín mọng để thưởng thức

Nho Hạ đen cho thu hoạch 2 vụ/năm, vụ đầu từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7; vụ 2 từ tháng 10 đến tháng 12. Tuổi thọ của cây nho Hạ Đen kéo dài khoảng 10 năm, nếu chăm sóc tốt có thể lên tới 15 năm. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2,5 tháng; trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng/ha/vụ

Tại vườn nho Hạ Đen, hiện rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến để trải nghiệm và thưởng thức, mua nho về làm quà cho gia đình. Điều này hứa hẹn đây là hướng đi mới trong việc kết hợp hiệu quả giữa sản xuất nông sản gắn với du lịch mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Chị Nguyễn Thị Nhàn (du khách từ Đồ Sơn, tỉnh Hải Phòng) cho biết: "Với mô hình này, tôi tin chắc rằng trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ thu hút được nhiều khách du lịch đến với mảnh đất này. Con người Hòa Bình rất mến khách, hòa đồng. Khí hậu trong lành, mát mẻ, phong cảnh khá đẹp và cuốn hút mọi người".

Bí thư Huyện ủy Cao Phong Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, việc phát triển các sản phẩm du lịch tại địa phương có nhiều chuyển biến, bước đầu hình thành các tour, tuyến du lịch nhằm quảng bá, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển du lịch luôn được huyện quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Mô hình trồng giống nho Hạ Đen đã đạt hiệu quả cao và có triển vọng, góp phần thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập, giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác.

Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng tại Hòa Bình đã và đang góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, khai thác các giá trị về tài nguyên của địa phương, nhất là các giá trị nội tại của hoạt động sản xuất nông nghiệp để tạo thu nhập ngoài các sản phẩm thuần túy cho người nông dân.

Ông Trần Ngọc Phúc, xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ): “Vừa nuôi cá Tầm kết hợp làm dịch vụ ăn uống phục vụ du khách đến thăm quan, gia đình tôi không phải lo đầu ra sản phẩm mà lại có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Ông Trần Ngọc Phúc, xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ): “Vừa nuôi cá Tầm kết hợp làm dịch vụ ăn uống phục vụ du khách đến thăm quan, gia đình tôi không phải lo đầu ra sản phẩm mà lại có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống”

Được đắm mình trong làn nước suối mát lành, được thưởng thức các món cá Tầm, gà đồi, rau rừng, măng nứa… ngay giữa không gian núi rừng lảnh lót tiếng chim kêu, được hít thở bầu không khí trong lành… là những trải nghiệm thú vị thu hút du khách khi đến suối Kẹm, xã La Bằng, Đại Từ (Thái Nguyên).

Chị Nguyễn Thị Thơ, một du khách đến từ thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) chia sẻ: Kết thúc năm học, tôi và một số gia đình tổ chức cho các con đến thăm quan tại suối Kẹm. Tôi nhận thấy, đây là địa điểm trải nghiệm khá thú vị, các con được tận mắt ngắm nhìn những đồi chè bát úp xanh ngắt, được tắm suối mát lành. Những hoạt động này giúp các con gần gũi với thiên nhiên, có thêm kỹ năng sống và kiến thức về sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, giá cả các loại dịch vụ hợp lý, không đắt đỏ mà chất lượng thì khá ổn.

Còn ông Trần Ngọc Phúc, một trong những hộ dân làm dịch vụ ăn uống tại đây thì chia sẻ: Nhà tôi hiện nuôi 4 bể cá tầm với thể tích khoảng 150 m3, quy mô trên 1.500 con để chế biến phục vụ du khách đến thăm quan. Các món ăn được chúng tôi chế biến từ cá Tầm gồm: Gỏi, cá chiên, cá hấp, cá nướng, cháo cá… Vào mùa Hè, hầu như ngày nào nhà tôi cũng có khách đến tắm suối và đặt cơm trung bình 10 mâm/ngày. Từ mô hình nuôi cá và làm dịch vụ ăn uống, trung bình mỗi năm, nhà tôi cũng có thu nhập trên 500 triệu đồng.

Hay như ở Thanh Hóa, vào những ngày cuối tuần, khá đông gia đình, khách du lịch, thanh niên nam, nữ, nhiếp ảnh gia đã tìm về các cánh đồng hoa tại phường Tào Xuyên, Tp. Thanh Hóa, để ngắm nhìn những vạt hoa cúc họa mi, cánh bướm, tam giác mạch, hoa cải... rực rỡ đang đua nhau khoe sắc. Trước đây, người dân phường Tào Xuyên chuyên trồng cải để bán rau ăn và lấy hạt giống. Gần 10 năm trở lại đây, bà con chuyển sang kinh doanh, thu tiền khách vào tham quan chụp ảnh. Việc chuyển hướng kinh doanh đón khách vào tham quan, chụp ảnh giúp người nông dân có thêm một khoản thu nhập tốt hơn so với trồng hoa màu. 

Ông Tào Quang Tuấn, phố 2, phường Tào Xuyên, cho biết: Mỗi người dân đến đây chụp ảnh, các hộ trồng hoa thu 40.000 đồng, không kể thời gian. Khách đến đây ngoài việc tham quan, thụ hưởng không khí trong lành, còn có thể thỏa sức chụp ảnh làm kỷ niệm. Theo tính toán của ông Tuấn, với 6 sào đất bãi, bằng việc gieo gối vụ hoa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch, trong 3 tháng cuối năm, gia đình ông thu lãi khoảng 100 - 120 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng để thu hoạch sản phẩm tiêu dùng.

Giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch công đồng
Giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch công đồng

Hiện nay, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) có hơn 100 cơ sở lưu trú, trong đó 81 cơ sở đón khách theo hình thức du lịch cộng đồng, lưu trú, nghỉ dưỡng, Homestay với hơn 200 người là dân địa phương trực tiếp quản lý và kinh doanh du lịch. Quan điểm xuyên suốt của huyện Bá Thước và những hộ làm Homestay ở đây là phấn đấu khi du khách đến sẽ được trải nghiệm các mô hình nông nghiệp đặc trưng mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái, Mường thông qua việc cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt tại những nếp nhà sàn truyền thống của người dân. Do đó, các Homestay vẫn giữ nét truyền thống được bao quanh bởi các ruộng lúa bậc thang nhưng lại được trang bị đầy đủ các tiện nghi, bảo đảm cho du khách có một chuyến du ngoạn, nghỉ ngơi an toàn, hấp dẫn.

Nhờ có chủ trương phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đúng hướng, cùng với sự năng động nhạy bén, cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp của các doanh nghiệp và hộ dân, lượng khách du lịch đến các điểm du lịch cộng đồng ở huyện Bá Thước tăng nhanh qua các năm. Năm 2017, đón 20.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 5.800 lượt; đến năm 2020 đón được hơn 50.000 lượt khách. Doanh thu từ du lịch hơn 21 tỷ đồng năm 2017, tăng lên hơn 50 tỷ đồng năm 2020.

Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng đã và đang góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, khai thác các giá trị về tài nguyên của địa phương. Việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng không chỉ có ý nghĩa tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, mà nó còn như một phương pháp hiệu quả nhằm duy trì, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mang đặc thù của mỗi địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây vầu từng được ví như “cây vàng xanh” ở các huyện miền núi Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ cây vầu trở nên khó khăn, giá thấp khiến các doanh nghiệp bao năm nay chuyên thu mua vầu của người dân, thì nay thu mua cầm chừng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân trồng vầu.