Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Hoa ban-tình ca Điện Biên”

PV - 18:13, 20/03/2018

Từ lâu, hoa ban được xem là biểu trưng cho cả vùng đất Tây Bắc và tỉnh Điện Biên được coi là xứ sở của hoa ban. Vì thế, Lễ hội hoa ban là một trong những Lễ hội lớn được tỉnh Điện Biên tổ chức thường niên từ năm 2014 đến nay. Qua 4 kỳ tổ chức, Lễ hội hoa ban đã thực sự trở thành “Thương hiệu du lịch” của tỉnh Điện Biên.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Lễ Khai mạc. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Lễ Khai mạc.

 

Lễ hội hoa ban năm 2018 của tỉnh Điện Biên diễn ra tại TP. Điện Biên từ ngày 17-19/3 thu hút đông đảo bà con các dân tộc trong tỉnh và du khách đến thăm quan, thưởng lãm và thưởng thức màn trình diễn nghệ thuật đặc biệt ấn tượng trong đêm Khai mạc với chủ đề “Hoa ban-Tình ca Điện Biên”. Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: “Mùa hoa ban nở”, “Hương sắc Điện Biên”, “Điện Biên vẫy gọi” với sự tham gia của gần 250 nam nữ diễn viên, nghệ nhân…, đã tái hiện lịch sử mảnh đất và con người Điện Biên; văn hóa của đồng bào các dân tộc, không gian mùa Xuân Tây Bắc-Điện Biên đầy thơ mộng với những nếp nhà sàn, cọn nước, hoa ban nở trắng rừng, cánh đồng Mường Thanh trải rộng ngút tầm mắt… là lời mời gọi du khách bốn phương về với mảnh đất lịch sử này.

Màn trình diễn nghệ thuật đêm Khai mạc. Màn trình diễn nghệ thuật đêm Khai mạc.

 

Bên cạnh đó là các hoạt động thi đấu thể thao và trò chơi dân gian sôi nổi như: ném còn, tù lu, cà kheo…, mang đến cho khán giả nhiều trận thi đấu kịch tính, hấp dẫn. Môn thi giã bánh dày cũng được tổ chức với sự tham gia của 6 đội đến từ huyện Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ. Chung cuộc, đội huyện Điện Biên Đông giành giải Nhất; đội huyện Tủa Chùa giành giải Nhì; TP. Điện Biên Phủ và huyện Tuần Giáo đồng giải Ba.

Các vận động viên tham gia môn thi xe đạp thồ tại Lễ hội Hoa ban. Các vận động viên tham gia môn thi xe đạp thồ tại Lễ hội Hoa ban.

 

Song song với các hoạt động thể thao, tại khu vực Quảng trường 7/5, hàng ngàn người dân TP. Điện Biên và khách du lịch đã đến thăm quan 77 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch đến từ 48 đơn vị. Ngoài các sản phẩm truyền thống đã có thương hiệu của địa phương, năm nay nhiều đơn vị trong tỉnh mang đến Lễ hội một số sản phẩm mới, nhận được sự quan tâm rất lớn của du khách, như: Cá hồi Tênh Phông, đông trùng hạ thảo; tinh dầu…

Đồng bào Mông ở xã Na Sang, huyện Mường Chà giới thiệu đặc sản dứa của địa phương tại Hội chợ, triển lãm. Đồng bào Mông ở xã Na Sang, huyện Mường Chà giới thiệu đặc sản dứa của địa phương tại Hội chợ, triển lãm.

 

Đồng bào dân tộc Thái TP. Điện Biên tham quan, mua hàng tại Hội chợ triển lãm. Đồng bào dân tộc Thái TP. Điện Biên tham quan, mua hàng tại Hội chợ triển lãm.

 

Lễ hội Hoa Ban năm nay hướng tới tôn vinh và phát huy các di sản văn hóa dân tộc của tỉnh Điện Biên, đồng thời quảng bá hình ảnh hoa ban trở thành biểu trưng cho mảnh đất và con người Điện Biên nói riêng và miền Tây Bắc nói chung.

Tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Hoa ban có vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng, đằm thắm không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn tượng trưng cho lòng hiếu thảo, biết ơn, biểu tượng của sức sống mãnh liệt, vươn lên. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống, tiềm năng, lợi thế, thành tựu đã đạt được, với sự đồng tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị, và sự ủng hộ của nhân dân Tây Bắc nói chung, và tỉnh Điện Biên nói riêng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn, là điểm đến lý tưởng của du khách 4 phương trong nước và quốc tế, xứng đáng với mảnh đất của xứ sở hoa ban tươi đẹp”.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.