Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Văn hóa dân tộc

Hoà Bình: Nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các DTTS đạt mục tiêu Chương trình MTQG

Việt Hà - 17:23, 11/11/2022

Những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của các DTTS. Từ đó có các giải pháp bảo tồn, khai thác, phục vụ tốt ho công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch địa phương.

Lễ hội của người Mường luôn gắn với loại nhạc cụ cồng chiêng. Ảnh: Thanh Tùng
Lễ hội của người Mường luôn gắn với loại nhạc cụ cồng chiêng. Ảnh: Thanh Tùng

Phát huy giá trị của di sản, gìn giữ và trao truyền cho thế hệ sau

Đó là tâm sự chân thành của nghệ nhân Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, người có nghề mo cao nhất khu vực Mường Bi - Tân Lạc hiện nay. Ông Lựng là một trong ba nghệ nhân mo Mường của tỉnh Hoà Bình, vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tôn vinh năm 2015 do có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc (nghệ nhân nắm giữ là tập quán xã hội và tín ngưỡng mo Mường).

“Được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, tôi ý thức sâu sắc rằng, vinh dự này phải gắn liền với trách nhiệm. Trách nhiệm của nghệ nhân mo Mường chúng tôi là phải phát huy giá trị của di sản bằng cách gìn giữ và trao truyền cho thế hệ sau…”, nghệ nhân Bùi Văn Lựng chia sẻ.

Năm 2019, nghệ nhân Bùi Văn Khẩn, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc cũng được tôn vinh là “Nghệ nhân Ưu tú” nắm giữ và thực hành loại hình di sản văn hoá phi vật thể mo Mường. Cùng được tôn vinh với ông Khẩn còn có nghệ nhân Đinh Công Tỉnh, ở xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc và 3 nghệ nhân ở huyện Kim Bôi. Những nghệ nhân này đã gìn giữ và tìm mọi cách để trao truyền di sản văn hoá mo mường tới các thế hệ.

Bùi Văn Khần chia sẻ, ngày trước, thế hệ như ông được sống trong môi trường thấm đẫm các giá trị của mo Mường, nên niềm đam mê đến rất tự nhiên, gắn liền với đời sống như máu thịt. Còn bây giờ, các giá trị của văn hóa mo Mường không còn được hiện diện trong cuộc sống của dân bản như trước. Từ đó, cũng đặt ra nhiều thách thức cho quá trình trao truyền và kết nối các thế hệ.

Ở huyện Đà Bắc, dù đã trên 70 tuổi, ông Lường Đức Chôm ở xóm Bay, xã Trung Thành vẫn dành nhiều thời gian để tìm hiểu, sưu tầm nhiều văn bản của người Tày. Ngoài việc sưu tầm gần 300 cuốn sách với đủ các thể loại và được lưu trữ số, ông Chôm còn tổ chức mở 2 lớp dạy và học chữ dân tộc Tày. Từ lớp học của ông, những người được trao truyền đã tiếp nối dạy cho hàng trăm học trò đọc thông, viết thạo chữ Tày.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Chôm cho biết: Nếu chỉ bằng tiếng nói, qua truyền miệng thì sẽ không lưu giữ đầy đủ những phong tục tập quán, những câu truyện dân gian, hò vè, nghi lễ… Nhờ sách và những văn bản lưu trữ bằng chữ Tày, con cháu mới biết đời sống tinh thần của người Tày xưa.

 "Tôi đang hoàn thiện các thủ tục xin gia nhập Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và in các cuốn sách mà tôi đã tâm huyết sưu tầm cả cuộc đời. Tôi cũng tham mưu cho Phòng GD&ĐT huyện đưa chữ Tày vào dạy ở các trường phổ thông có con em dân tộc Tày đang học tập. Qua đó, mong muốn văn hóa của người Tày không bị thất truyền", ông Chôm chia sẻ.

Tâm nguyện của ông Chôm, hiện cũng là suy nghĩ của hàng trăm nghệ nhân đang nỗ lực giữ gìn, phát huy di sản văn hoá dân tộc; nối truyền “báu vật” của cha ông, tạo sức mạnh nội sinh, gắn kết anh em các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất Hoà Bình.

Cùng với mo Mường, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình cũng vô cùng tự hào với chiêng Mường. Trong Lễ Khai hạ Mường Bi, chúng tôi được xem ông Nguyễn Văn Thực, phường Chăm Mát, TP. Hoà Bình làm nghi lễ “dậy chiêng”, chuẩn bị cho những đêm hội nơi Mường Mát, Mường Lau, Mường Nghĩa.

Chỉ với đôi bàn tay trần, ông Thực xoa lên núm chiêng rồi miết nhẹ, lúc nhanh dồn dập, lúc chậm thong thả... Âm thanh từ núm chiêng phát ra rất nhẹ, rồi vang xa như vọng từ núi cao dội lại, trầm hùng. “Khi hồn chiêng đã được đánh thức, nhịp điệu ping...pồng...piêng... vang khắp bản làng sẽ mang lại cho người Mường một năm mới đầy may mắn, an lành”, ông Thực bảo.

Thầy mo thực hiện một số nghi thức trong lễ cúng của người Mường Hoà Bình.
Thầy mo thực hiện một số nghi thức trong lễ cúng của người Mường Hoà Bình.

Là một trong số ít người ở xứ Mường biết “dậy chiêng”, đánh thức hồn Mường qua 12 âm sắc chiêng, ông Thực cho biết: Chính vì quan niệm chiêng là vật linh thiêng, cũng có hồn phách như con người, nên muốn sử dụng chiêng, thì phải làm nghi thức để “Đánh thức hồn chiêng”. Trước khi vào hội, người Mường thường thực hiện nghi thức “dậy chiêng”. Có như vậy thì tiếng chiêng mới vang, ngày hội mới ý nghĩa, tiếng chiêng mới linh thiêng, trở thành hồn cốt của người Mường...

Nỗ lực bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống

Trong đợt tổng kiểm kê tài sản văn hóa mới đây, của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho thấy, toàn tỉnh hiện vẫn còn lưu giữ khoảng 10 nghìn chiếc chiêng, chủ yếu ở 4 vùng Mường cổ (Bi- Vang- Thàng- Động) và các huyện Đà Bắc, Lương Sơn, TP. Hòa Bình. Vào các dịp lễ hội, các gia đình người Mường đã tự mua chiêng để chơi. Ở nhiều bản làng, nhiều nghệ nhân cồng chiêng còn tự tổ chức các lớp dạy nghệ thuật cồng chiêng và văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, nhiều CLB văn hóa, văn nghệ dân gian được hình thành tại các vùng Mường cổ. Toàn tỉnh có hơn 100 CLB cồng chiêng, âm nhạc truyền thống và nhiều đội chiêng, phường bùa ở các khu dân cư. Những lớp học và CLB đều được hình thành từ sự đam mê, yêu thích của người dân và sự ủng hộ của chính quyền địa phương.

Đơn cử như huyện Lạc Sơn hiện có 4 CLB hát dân ca Mường, 252 đội văn nghệ cơ sở và bảo tồn được hàng nghìn chiếc chiêng. Tại huyện Kim Bôi có CLB chiêng Mường liên thế hệ tại thôn Thao Cả, xã Vĩnh Tiến, quy tụ 25 thành viên tham gia. Huyện Tân Lạc hiện có khoảng 500 chiếc cồng chiêng. Riêng tại xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc, nhà nào cũng có chiêng.

Gần đây nhất, trong chương trình nghệ thuật “Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival 2022, diễn ra tại thành phố Hòa Bình, hơn 200 nghệ nhân đã tham gia diễn tấu chiêng, mang đến một không gian huyền thoại, ấn tượng với du khách gần xa…

Để bảo tồn giá trị di sản cồng chiêng Mường,khuyến khích các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia giữ gìn, phát huy disản âm nhạc dân gian, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã triển khai Đề án “Bảo tồn chiêng Mường”. Theo đó, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ đội văn nghệ của mỗi xóm 2 triệu đồng. Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đang xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các đoàn diễu hành đường phố tái hiện một số nghi thức lễ hội, trò chơi dân gian của 6 dân tộc chính đang sinh sống tại Carnival Hòa Bình 2022.
Các đoàn diễu hành đường phố tái hiện một số nghi thức lễ hội, trò chơi dân gian của 6 dân tộc đang sinh sống tại Carnival Hòa Bình 2022.

Trong nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình đã tích cực tham mưu thực hiện các nhiệm vụ trong tiến trình xây dựng bộ hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp; Thực hiện các bước tiến tới tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 90 năm xác lập và nghiên cứu nền “Văn hóa Hòa Bình”. Tổ chức 2 lớp truyền dạy Di sản văn hóa phi vật thể gồm:Kỹ thuật dệt thổ cẩm dân tộc Mường Hòa Bình và Thường Rang, Bộ Mẹng dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình cho 95 học viên.

 Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTT&DL) tổ chức lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn chợ phiên đặc trưng của đồng bào DTTS tại huyện Mai Châu; lập 2 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy Mường và di sản Thường Rang, Bộ Mẹng dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.

Thực hiện Dự án 6 Chương trình MTQG

Thực hiện Dự án 06 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án số 08-ĐA/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025”. Triển khai các hoạt động hỗ trợ cho Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình; tăng cường các nội dung số hóa và đăng bài trên Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh.

Chiêng Mường - niềm tự hào của đồng bào Mường tỉnh Hoà Bình
Chiêng Mường - niềm tự hào của đồng bào Mường tỉnh Hoà Bình

Hiện tại, Sở VH,TT&DL đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

 Quan tâm mở các lớp tập huấn bảo tồn văn hoá, kiểm kê lập hồ sơ khoa học các di tích có giá trị. Tổ chức phổ biến, truyền dạy các di sản văn hoá; xã hội hoá nguồn lực phát triển sự nghiệp văn hoá vùng đồng bào DTTS và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc. Triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trên địa bàn…

Theo Quyết định phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ thực hiện Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. 

Cụ thể, trên 80% thôn, xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các DTTS rất ít người. Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Dự án là 626,776 tỷ đồng. 

Từ nguồn lực này, tỉnh Hoà Bình sẽ huy động thêm các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS trong tỉnh gắn với phát triển du lịch. 

Tin cùng chuyên mục
Đồng bào Bru-Vân Kiều với tiếng đàn Ta Lư

Đồng bào Bru-Vân Kiều với tiếng đàn Ta Lư

Với người Bru-Vân Kiều, các làn điệu dân ca và âm thanh của các loại nhạc cụ truyền thống, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ, hội và cả đời sống thường ngày. Đặc biệt, tiếng đàn Ta Lư đã ăn sâu vào tâm hồn nhiều thế hệ, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Bru-Vân Kiều.