Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp Thăng hoa với sắc màu Đà Lạt

PV - 15:59, 05/11/2018

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp là người con của dân tộc Tày xứ Lạng (Lạng Sơn). Ông đã lãng du qua nhiều vùng đất từ Việt Bắc, Tây Bắc đến Tây Nguyên để tìm nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật hội họa. TP. Đà Lạt-xứ sở của ngàn hoa đã đủ sức giữ chân ông mấy chục năm nay để tạo nên nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật hội họa thăng hoa qua hàng trăm bức họa phiêu bồng, biến ảo.

Vi Quốc Hiệp Họa sĩ Vi Quốc Hiệp (bên phải).

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp là người con của dân tộc Tày xứ Lạng (Lạng Sơn). Ông đã lãng du qua nhiều vùng đất từ Việt Bắc, Tây Bắc đến Tây Nguyên để tìm nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật hội họa. TP. Đà Lạt-xứ sở của ngàn hoa đã đủ sức giữ chân ông mấy chục năm nay để tạo nên nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật hội họa thăng hoa qua hàng trăm bức họa phiêu bồng, biến ảo.

Tôi biết tên tuổi của họa sĩ Vi Quốc Hiệp từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng lần này lên Đà Lạt mới có dịp ngồi lai rai trò chuyện với ông. Ông chân tình, cởi mở thú nhận, mình vốn có máu xê dịch, đam mê những vùng đất lạ có thiên nhiên đẹp, kỳ vĩ, thơ mộng nên ngay từ khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1971, đã khăn gói lên tận miền Cao nguyên đá Hà Giang để sống và vẽ.

Những năm tháng ấy, bước chân ông đã phiêu bồng qua nhiều vùng núi non, làng bản của miền Cao nguyên đá, rồi sang Tây Bắc, Việt Bắc để vẽ không biết bao nhiêu bức tranh phong cảnh, con người, cuộc sống các DTTS miền núi. Trong đó, có họa phẩm sơn dầu “Nữ dân quân Tày-Đồng Văn” (1971) nhận được giải thưởng cao của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Nhưng sự nghiệp hội họa của nghệ sĩ Vi Quốc Hiệp thực sự tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng yêu hội họa, chính là từ khi ông định cư tại thành phố ngàn hoa Đà Lạt năm 1978. Vi Quốc Hiệp chia sẻ, ngay từ ngày đầu tiên đặt chân lên Đà Lạt, ông đã bị hớp hồn, mê hoặc bởi những ngôi biệt thự cổ được xây dựng bởi kiến trúc Pháp từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Những ngôi biệt thự nhuốm màu thời gian, ẩn mình trong không gian những vườn hoa, những rừng thông thấp thoáng trong sương sớm, trong nắng chiều vàng vô cùng quyến rũ.

Đà Lạt trong đôi mắt người họa sĩ tài hoa Vi Quốc Hiệp đẹp, bởi sự đầy biến hóa từ bố cục của không gian cảnh quan, với những đồi dốc, những thung lũng và những ngôi biệt thự mỗi lần thu sang, đông tàn, xuân tới. Cái đẹp ấy cùng với sự chuyển dịch của thời khắc bốn mùa trong một ngày của Đà Lạt mộng mơ đã mê hoặc ông, thôi thúc ông cầm cọ để thăng hoa.

Tròn 40 năm là công dân TP. Đà Lạt, trong gia tài hội họa đồ sộ của ông có khoảng gần 500 bức tranh thể hiện về biệt thự cổ, với nhiều cung bậc cảm xúc sáng tạo rất riêng, độc đáo và sinh động. Đó là những bức tranh được vẽ như thể để lưu giữ cái hồn cốt của một Đà Lạt huyền ảo như: “Biệt thự cổ Đà Lạt trong sương”, “Biệt thự cổ Đà Lạt chiều thu”, “Biệt thự cổ Đà Lạt mùa hoa thạch thảo”, “Biệt thự cổ Đà Lạt đồi hoa dại”…

Nhiều người thưởng lãm tranh vẽ về biệt thự cổ của ông nhận xét, mỗi tác phẩm hay nói đúng hơn là mỗi ngôi biệt thự trong tranh ông có cung bậc cảm xúc, bố cục, sắc màu riêng nên mang một vẻ đẹp khác nhau, không hề đơn điệu. Mỗi bức tranh biệt thự cổ Đà Lạt cổ của ông là một bài thơ, mà cái hay cái đẹp trong thơ thì tùy vào sự cảm nhận và cung bậc cảm xúc của mỗi người.

Ở mảng đề tài khác, ông cũng có những cá tính sáng tạo rất riêng, với nhiều bức tranh đoạt giải cao và được trưng bày tại nhiều bảo tàng mỹ thuật trong nước và quốc tế như: “Già làng Tây Nguyên”, “Lời thượng nguồn”, “Giữ gìn bản sắc”…

Vi Quốc Hiệp thuộc típ nghệ sĩ đa tài, đủ cả thơ ca, nhạc, họa và cả ba lĩnh vực này ông đều có những rung cảm và cá tính sáng tạo có dấu ấn rất riêng. Với hàng trăm bài thơ ông viết trong nhiều thập niên qua, cũng chứng tỏ nội lực, bút lực thơ ông rất sung sức. Ngoài thơ, ông còn viết nhạc. Có những ca khúc mang đậm chất dân ca của các vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên, trong đó, có ca khúc “Chợ tình Khau Vai” phổ thơ Trần Hòa Bình, mang âm hưởng dân ca Mông trữ tình, đằm thắm được nhiều người yêu thích.

LƯƠNG ĐỊNH