Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Họa sĩ xứ Tuyên và những tác phẩm vươn tầm quốc tế

Giang Lam - 23:27, 10/03/2024

Chàng họa sỹ người Tuyên Quang Nguyễn Thế Hùng được giới hội họa trong nước đánh giá cao với tài năng và sự nghiêm túc cần mẫn trong hoạt động hội họa. Tranh của anh được trưng bày ở nhiều nước trên thế giới và luôn được những người sưu tầm tranh lựa chọn. Nói về con đường nghệ thuật của mình, anh chia sẻ: “Vẽ tranh với tôi như một điều hiển nhiên, tôi thưởng thức và tận hưởng cảm xúc hạnh phúc được làm việc mình thích mỗi ngày”.

Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng đam mê vẽ tranh sơn mài trên toan.
Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng đam mê vẽ tranh sơn mài trên toan.

Tìm về với dòng tranh truyền thống

Sinh năm 1981 tại phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang, tuổi thơ Thế Hùng hòa mình với thiên nhiên thế nên trong nhiều bức tranh của anh thấm đẫm sắc màu cây cỏ hoa lá. Năm 15 tuổi, anh thi đỗ vào Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc tại Thái Nguyên. Sau đó ghi danh tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam với những bước chuyển mình trên con đường nghệ thuật hội họa chuyên nghiệp.

Những năm tháng sinh viên, họa sĩ Nguyễn Thế Hùng được tiếp cận nghệ thuật đương đại đầu thế kỷ 21 thông qua các dự án nghệ thuật trong nước và quốc tế. Anh tham gia vào những dự án nghệ thuật với những tác phẩm sắp đặt và trình diễn. Thế nhưng sau những thăng trầm, chàng họa sỹ trẻ tìm “bến đỗ” với dòng tranh truyền thống như giấy dó, sơn son thếp vàng, sơn mài, mực nho… để sáng tạo nên những tác phẩm ấn tượng với những chuyến “xuất ngoại” tạo tiếng vang.

Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: “Con đường mình đi nghe có vẻ dễ dàng nhưng không đơn giản. Đó là một cuộc vật lộn và đi vòng, từ việc lắng nghe xem bản thân thật sự muốn gì, làm gì cho đến chọn chất liệu thực hành. Đã có lúc mình lạc lối, bị cuốn theo những thứ hấp dẫn, mới mẻ hơn như nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. Phải mất một thời gian, anh mới nhận ra, hội họa trên nền các chất liệu truyền thống mới chính là tình yêu bấy lâu nay anh kiếm tìm”.

“Con đường mình đi nghe có vẻ dễ dàng nhưng không đơn giản. Đó là một cuộc vật lộn và đi vòng, từ việc lắng nghe xem bản thân thật sự muốn gì, làm gì cho đến chọn chất liệu thực hành. Đã có lúc mình lạc lối, bị cuốn theo những thứ hấp dẫn, mới mẻ hơn như nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. Phải mất một thời gian, anh mới nhận ra, hội họa trên nền các chất liệu truyền thống mới chính là tình yêu bấy lâu nay anh kiếm tìm”.

Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng

Anh mày mò, tích lũy thêm kiến thức để có thể bắt nhịp trở lại. Thế Hùng lúc này hệt cậu bé ngày ấu thơ, ngoan ngoãn và mê say trước tấm giấy vẽ trong Cung văn hóa tỉnh Tuyên Quang. Sự khác biệt nằm ở chỗ, nếu cậu bé ngày ấy mê các bài tập ngoài trời, được cùng thầy và các bạn đi đây đó thì với Hùng giờ đây, việc cầm cọ như hơi thở hằng ngày.

Với sự cần mẫn và sức sáng tạo nghệ thuật một cách đầy ngưỡng mộ, chàng trai ấy đã ghi danh mình với nhiều tác phẩm vươn tầm quốc tế. Anh đam mê tìm kiếm, luôn háo hức trước mọi thử nghiệm. Anh cho biết: “Những cái mới luôn luôn lôi kéo tôi. Vì thế kỹ thuật tạo hình, tạo chất của tôi rất đa dạng, phong phú”.

Tranh của Nguyễn Thế Hùng đã xuất hiện tại nhiều hội chợ nghệ thuật, nằm trong các bộ sưu tập tại Việt Nam, Mỹ, Australia, Thụy Điển, Anh, New Zealand, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan… Đặc biệt, tranh của anh đến New York (Mỹ) góp mặt vào một triển lãm cá nhân, độc lập do chính phòng tranh Salomon giám tuyển và trưng bày.

Đẳng cấp tranh sơn mài trên toan

Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng say mê sáng tạo và thử nghiệm thành công ở nhiều dòng tranh truyền thống như việc pha trộn acrylic và vàng lá trên giấy dó bồi lên toan, chất liệu tổng hợp, màu nước trên giấy dó…

Những tác phẩm hội họa tại triển lãm “Xin hãy nhẹ tay”, “Thầm thì Tôi ở đây” của họ
Những tác phẩm hội họa tại triển lãm “Xin hãy nhẹ tay”, “Thầm thì Tôi ở đây”

Trong đó, sơn mài trên toan là một kỹ thuật lạ, hiếm họa sĩ thực hành. Anh Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: “Cách đây gần chục năm, tôi thử nghiệm một chất liệu mới với cá nhân mình: Sơn mài trên toan. Tôi tìm đến nó như tìm đến một vùng đất khác về chất liệu và vật liệu, nên Vùng đất khác cũng chính là tên gọi bức tranh đầu tiên cho loạt tranh này”.

Yêu thích và làm việc với chất liệu sơn mài từ lâu, anh luôn băn khoăn về việc tranh sơn mài của Việt Nam khi vận chuyển sang nước ngoài thường gặp khó khăn về đóng gói và bảo quản. Được sự gợi ý của những tiền bối đi trước, anh đã mạnh dạn thể nghiệm chất liệu sơn mài trên toan, với đầy đủ các bước, công đoạn của tranh sơn mài truyền thống. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, phải làm đi làm lại mới khống chế và xử lý thành thạo. Về sau, càng làm càng say mê.

Những tác phẩm của Nguyễn Thế Hùng được giới hội họa nhận định là có nhiều lớp lang, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng; thông qua sự kết hợp khéo léo về kỹ thuật, chất liệu và hình khối, mỗi bức tranh trở thành một miền tưởng tượng. Ở đó, những xung đột, các giá trị trường tồn, tư duy truyền thống và góc nhìn hiện đại đều được khai thác một cách nhuần nhuyễn.

Qua các triển lãm cá nhân như Những bông hoa nhỏ, Vùng nhiều mây, Và hoa đã mưa xuống, Miền lạc du… Nguyễn Thế Hùng luôn cho thấy sự ham thích tìm tòi này. Đến với các tác phẩm Vùng đất khác 1, Vùng đất khác 2…công chúng yêu nghệ thuật nhận thấy họa sĩ đã sử dụng các chất liệu truyền thống độc đáo và linh hoạt, sáng tạo kết hợp các chất liệu với nhau theo những cách thức mới mẻ. Tất cả tạo nên một “trường phái” riêng có của Thế Hùng. Anh kể về tuổi thơ của mình trên núi, sự tương quan của anh với thiên nhiên thông qua việc trồng, nuôi dưỡng cây cối, sự quan tâm của anh đối với việc hòa nghệ thuật và cuộc sống làm một.

Họa sĩ trẻ thừa nhận mình làm việc cần mẫn, chăm chỉ như người nông dân chăm bẵm mùa màng bằng tâm thế của một đứa trẻ, luôn háo hức khám phá những điều mới mẻ, đầy hấp dẫn xung quanh. Nhiều năm qua, ngôn ngữ nghệ thuật và bút pháp của Thế Hùng bước vào độ chín. Tác phẩm của anh xuất hiện trong rất nhiều bộ sưu tập lớn trong nước và quốc tế, được giới thiệu rộng rãi tại các hội chợ nghệ thuật thường niên của châu Á. Trong đó anh có hàng chục triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm tại Mỹ, Đức, Singapo, Đài Loan, Indonexia…

Ở triển lãm cá nhân tại Mỹ với tên gọi Another Land (Vùng đất khác), họa sĩ Nguyễn Thế Hùng tự khẳng định bản thân ở một trung tâm nghệ thuật lớn như New York với 24 tác phẩm được sáng tác bằng chất liệu sơn mài trên toan. Đến nỗi nhiều nhà sưu tập lớn trên thế giới đến với phòng tranh Salomon Arts Gallery đã phải kinh ngạc và trầm trồ trước những tác phẩm đầy thú vị này.

Mới đây tại Hà Nội, triển lãm cá nhân “Xin hãy nhẹ tay”, “Thầm thì”, “Tôi ở đây” đã tạo tiếng vang lớn. 25 bức tranh sơn mài trên toan giới thiệu đến công chúng tại triển lãm được vẽ trong vòng 2 năm qua tập trung vào giới nữ. Đó là những người phụ nữ chủ động và đầy tự tin với sắc đẹp và tuổi trẻ, luôn thấy mình đâu đó trung tâm trong thế giới công nghệ, thế giới thời trang.

Mới đây tại Hà Nội, triển lãm cá nhân “Xin hãy nhẹ tay”, “Thầm thì”, “Tôi ở đây” đã tạo tiếng vang lớn. 25 bức tranh sơn mài trên toan giới thiệu đến công chúng tại triển lãm được vẽ trong vòng 2 năm qua tập trung vào giới nữ. Đó là những người phụ nữ chủ động và đầy tự tin với sắc đẹp và tuổi trẻ, luôn thấy mình đâu đó trung tâm trong thế giới công nghệ, thế giới thời trang.

Tại triển lãm, giám tuyển nghệ thuật Dương Thu Hằng chia sẻ, phải nói rằng, đây là một người nghệ sĩ rất nghiêm túc với tất cả những câu chuyện nghệ thuật của mình. Những bức tranh của hoạ sĩ Nguyễn Thế Hùng vừa vị nghệ thuật, vừa thấm đẫm vị nhân sinh. Mỗi tác phẩm là một thế giới nhỏ có sự xuất hiện của các nhân vật khác nhau và thầm thì những câu chuyện riêng. Đứng giữa triển lãm - thế giới lớn bao chứa những câu chuyện và hình bóng ấy, người xem được chu du trong không gian siêu thực giữa cái cũ và cái mới.

Danh họa Picasso từng nói: “Xét đến tận cùng, cái đáy của bức tranh là tình yêu”. Và với Nguyễn Thế Hùng thì tư tưởng đó thực sự thấm nhuần làm nên hồn cốt trong sáng tác của anh. Anh từng bảo, hội họa giống như nhiều nghệ thuật khác, phải là tiếng nói cất lên từ trái tim biết rung động. Khi họa sỹ rung động là đang sống thực với bản thân mình. Và mỗi bức tranh của anh là sự chân thành anh muốn gửi đến cuộc đời này.

Tin cùng chuyên mục
Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Chiều ngày 16/11, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai mạc Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long 2024. Hơn 13 nghìn vận động viên (VĐV), trong đó có hơn 1 nghìn 3 trăm VĐV quốc tế đến từ 55 quốc gia đã sẵn sàng tham gia giải chạy vào ngày 03/11/2024. Đây là mùa giải thứ 10 kể từ khi Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long được tổ chức tại Việt Nam.