Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Họa sỹ Lương Ánh Hiện: Tỏa sáng từ những vùng im lặng

Giang Lam - 07:07, 10/08/2022

Trong cách mà nữ họa sỹ người Tày Lương Ánh Hiện nói về hội họa, vừa khiêm tốn, thận trọng, vừa ăm ắp nỗi niềm của người đã không ngừng trăn trở về một thứ nghệ thuật đã trót “ám” vào đời mình như định mệnh. Và suốt năm tháng tựa vào “định mệnh” như một sức mạnh niềm tin để vươn lên, thăng hoa trong đời sống nghệ thuật. Dẫu có những lúc nữ họa sỹ lặng lẽ độc hành trong cảm xúc đặc biệt của cõi sắc màu linh thiêng, huyền bí.

Chân dung nữ hoạ sĩ đa tài Lương Ánh Hiện
Chân dung nữ hoạ sĩ đa tài Lương Ánh Hiện

Du mục qua thi ca để đến bến đỗ hội họa

Ở giữa đám đông, Lương Ánh Hiện khi nào cũng chìm khuất, ẩn mình. Chị kiệm lời, nói thật ít nhưng khi gặp người hiểu mình, chị bỗng chốc trở nên khác hẳn, sinh động, hoạt bát và không có ý định giấu giếm cảm xúc và sẻ chia những ý tưởng lúc nào cũng chực bùng cháy trong con người mình.

Lương Ánh Hiện được sinh ra tại một bản làng người Tày thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Ngay từ bé, chị đã bộc lộ thiên hướng cảm thụ tác phẩm nghệ thuật. Tất thảy những bài thơ chị đọc luôn trào dâng cảm xúc đặc biệt để rồi ngay lập tức mường tượng ra từng mảnh ghép hình ảnh rồi dần dần hình thành nên bức tranh đầy sắc màu gợi hình, gợi cảm trong tâm tưởng.

Suốt hơn 10 năm quen chị, chị thường nhắc đến chữ “duyên”. Và chị cảm nhận rõ tận cùng khi chị đặt chân đến với Tuyên Quang để sống hết mình, trọn vẹn với mảnh đất này. Chị kể rằng, không hiểu sao suốt những năm học tiểu học rồi đến mãi sau này 3 câu thơ trong bài “Ta đi tới” của Tố Hữu cứ bám víu, quẩn quanh rồi duyên nợ vào cuộc đời mình. “Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát/ Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca...”. Đọc những câu thơ không gian bao la bát ngát của làng quê miền núi nơi có rừng cọ, đồi chè, cánh đồng, dòng sông Lô, bến nước Bình Ca như phủ ngập trong tâm thức cô gái nhỏ năm ấy.

Tất thảy cứ ám ảnh, giăng mắc để rồi những năm tháng trở thành sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và sau khi ra trường, chị có cơ hội phát triển nghệ thuật rất nhiều thế nhưng nữ họa sỹ trẻ vẫn chọn bến đỗ lập nghiệp ở xứ Tuyên. Nhiều người bảo đó là kết quả của tình yêu, hôn nhân với anh chàng họa sỹ Tuyên Quang nhưng chị bảo rằng chọn lựa gắn bó với xứ Tuyên còn nhiều điều ý nghĩa lắm. Đó là vùng quê đã mang đến nguồn cảm hứng mãnh liệt ngay từ thơ bé. Chị dấn thân vào con đường hội họa và những bức tranh qua thi ca cứ ám ảnh, thôi thúc chị học tập, nghiên cứu. Để rồi quãng thời gian sinh viên chị say mê vẽ, rèn mình qua những bức tranh phong cảnh từ cảm xúc thời niên thiếu. Chị thừa nhận rằng, chị là người đã được thi ca dẫn lối, du mục bao năm tháng để rồi tìm được bến đỗ bình yên với hội họa.

Đến với Tuyên Quang - mảnh đất xứ người này đã rèn luyện tôi đúc chị trở thành người phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ, chắp cánh cho chị hướng đến thăng hoa nghệ thuật bằng đam mê tận cùng. Dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá, chị luôn tự chọn một con đường nghệ thuật riêng, có lúc dịu dàng nên thơ và có lúc thật táo bạo cá tính. Tất thảy đã hòa trộn tạo nên một Lương Ánh Hiện thật thú vị.

Tác phẩm "Màu thời gian" của hoạ sĩ Lương Ánh Hiện
Tác phẩm "Màu thời gian" của hoạ sĩ Lương Ánh Hiện

Hành trình trở về của bản ngã

Tranh của nữ họa sỹ Ánh Hiện đa dạng về thể loại nhưng sở trường vẫn là những chất liệu truyền thống như: Giấy dó, lụa với các chủ đề gần gũi, quen thuộc về phong cảnh thiên nhiên, quê hương đất nước, đời sống sinh hoạt của đồng bào miền núi. Bố cục chặt chẽ cũng như cách phối màu linh hoạt đã tạo nên một Lương Ánh Hiện mới lạ. Đứng trước những tác phẩm như: “Em bé dân tộc”, “Buổi chiều”, “Khuổi Biooc”, “Mùa đông”, “phố”... người xem dễ dàng hòa mình vào không gian yên bình, thoáng đãng và giàu chất thơ.

Khi nói về nữ họa sỹ này giới hội họa xứ Tuyên thường nói vui, đó là cô gái khéo léo biết cách tạo mối lương duyên hội họa. Bởi những năm gần đây chị chọn chất liệu mềm mại của lụa để “se duyên” với đề tài về thiên nhiên và nét dịu dàng của người phụ nữ. Với cách thể hiện khác biệt, dịu dàng nhưng cũng thật táo bạo để tạo nên một Lương Ánh Hiện có tên tuổi trong làng mỹ thuật qua các cuộc triển lãm khu vực cũng như triển lãm nhóm, cá nhân.

Vào cuối năm 2020, Lương Ánh Hiện tạo được tiếng vang khi tham gia cuộc triển lãm nhóm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm được mang tên “Gặp gỡ tháng Chạp”.

Lương Hiện là họa sỹ nữ duy nhất góp mặt trong cuộc triển lãm này. Chị tạo bất ngờ với các tác phẩm tranh lụa nude, thể hiện những khao khát đầy nữ tính nhưng cũng táo bạo của người con gái. Nữ họa sỹ bày tỏ, các tác phẩm nude của mình chính là một cách để tôn vinh và ghi lại nét đẹp của những người thiếu nữ với vẻ đẹp như hoa, cùng thân hình mềm mại, uyển chuyển như lụa. Chị gọi những bức tranh của mình là “vườn địa đàng của phái đẹp”.

Tranh của nữ họa sỹ nhận được nhiều đánh giá, nhận xét tích cực từ đồng nghiệp và các nhà phê bình trong buổi triển lãm. Họa sỹ Dương Xuân Quyền, hội viên Phân hội Mỹ thuật Tuyên Quang cảm nhận được hơi thở nhẹ trong tranh nude của Lương Ánh Hiện. Nghe cả cái mỏng manh, điệu đàng, diệu vợi...; nghe cả những mộng mị, hồi hộp thanh nữ đàn bà... và còn hơn thế”. Cùng chung nhận xét này, họa sỹ Nguyễn Trương Quý cho rằng: “Mỗi tác phẩm của Lương Hiện là một câu chuyện tâm sự không lời của cô gái trong tác phẩm đó”.

Bức tranh "Mùa xuân của thiếu nữ Dao Tiền" được giới chuyên gia và nhà thưởng lãm đánh giá cao
Bức tranh "Mùa xuân của thiếu nữ Dao Tiền" được giới chuyên gia và nhà thưởng lãm đánh giá cao

Và quả thực, công chúng yêu nghệ thuật khá bất ngờ khi Lương Hiện thừa nhận, tất thảy đó là những bức tranh tự họa chính mình, khuôn mặt và thân thể của mình, niềm khao khát của mình để lưu giữ cả một vùng ký ức về giai đoạn đẹp của người phụ nữ. Chị là vậy thẳng thắn, thật thà trong cách sống và sáng tác để từng bước trở về bản ngã một cách tự nhiên nhất, đến gần với công chúng nhất. Nhiều người quý mến chị vì điều đó!

Mười bức tranh với cách đặt tên cũng hết sức đơn giản nhẹ nhàng: “Chiều bên dòng Lô”, “Nghe dòng sông hát”, “Bông hồng đỏ”, “Chiếc ghế xanh”, “Chùm nhót chín”... Tranh của chị như một hơi thở nhẹ, không gợi đến dục vọng mà tựa như một luồng gió lặng lờ đẩy trôi con thiên nga kia nhưng ai biết dưới mặt nước đôi chân nó đạp cả trăm lần mỗi phút.

Lương Ánh Hiện được biết với hình tượng người họa sỹ cần cù, chăm chỉ. Trong xưởng vẽ riêng trên Trục đường Ngô Quyền (TP Tuyên Quang) không gian ngày càng nhỏ dần bởi sự đầy đặn, khỏa lấp của các tác phẩm sáng tác ngày một nhiều thêm. Ngày ngày chị miệt mài sáng tác, dành trọn vẹn tâm huyết cho hội họa. Chị đã ghi dấu ấn của mình trên bản đồ mỹ thuật khu vực, khi năm 2015, chị vinh dự đạt giải C và năm 2019, chị đạt giải Nhì (không có giải nhất) tại Triển lãm khu vực Tây Bắc - Việt Bắc, do hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Nhiều tranh của chị đã đến được các nhà sưu tầm trong nước, Quốc tế. Chị bảo, khi nhận được những tấm hình chụp lại bức tranh được khách hàng, nhà sưu tập treo ở vị trí trang trọng chị hân hoan, vui vẻ như có thêm động lực để say mê sáng tạo nghệ thuật đến tận cùng.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.