Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hoạch định chính sách từ số liệu thống kê chính xác

Khánh Thư - 09:02, 12/03/2024

Năm 2024, Tổng cục Thống kê sẽ chủ trì, phối hợp triển khai hai cuộc điều tra thống kê quan trọng, gồm: Điều tra thu thập thông tin về kinh tế - xã hội của 53 DTTS; Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ. Việc bảo đảm sự chính xác của số liệu thống kê là cơ sở quan trọng để hoạch định chính sách trong thời gian tới.

Hoạch định chính sách từ số liệu thống kê chính xác
Kết quả điều tra năm 2024 sẽ góp phần đánh giá tác động của các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi từ năm 2021 đến nay. (Ảnh minh họa)

Cơ sơ để hoạch định chính sách

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thống kê là một ngành khoa học, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến dữ liệu như thu thập, phân tích, giải thích, biểu diễn, tổ chức dữ liệu; được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực khoa học khác nhau từ khoa học xã hội đến kinh tế, sinh học, y học, thời tiết hay nông nghiệp… Số liệu thống kê chính xác giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước định hướng, ban hành các chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) của đất nước.

Trong lĩnh vực công tác dân tộc, năm 2015 là năm đầu tiên Tổng cục Thống kê phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc tiến hành điều tra thu thập thông tin KT - XH của 53 DTTS trên phạm vi cả nước. Đến năm 2019, cuộc điều tra thu thập thông tin KT - XH của 53 DTTS lần thứ hai được tổ chức, được cải tiến về phương pháp, hình thức thu thập thông tin so với lần thứ nhất.

Theo Quyết định số 628/QĐ-TCTK ngày 14/7/2023 của Tổng cục Thống kê, từ 0 giờ ngày 1/7/2024, cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT - XH 53 DTTS năm 2024 được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời điểm lập bảng kê từ 0 giờ ngày 01/6/2024. Thời gian điều tra thực hiện bắt đầu từ ngày 01/7 - 15/8/2024.

Những số liệu thống kê (dân số, thu nhập, điều kiện nhà ở, tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục,… của 53 DTTS) từ hai cuộc điều tra là cơ sở quan trọng để xây dựng, ban hành, triển khai hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, với quan điểm, tầm nhìn mới so với giai đoạn trước đó. Nổi bật nhất là việc Chính phủ thiết kế xây dựng, Quốc hội khóa XIV thông qua Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Đây cũng là nguồn thông tin, số liệu quan trọng giúp Chính phủ điều hành, hoạch định chính sách phát triển KT - XH vùng DTTS, đặc biệt là các chính sách liên quan trực tiếp đến người DTTS. Tính đến hết năm 2023, có 188 chính sách thực hiện tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc (là các chương trình, chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS và miền núi hoặc các chương trình, chính sách áp dụng chung cho cả nước nhưng có nội dung ưu tiên hỗ trợ đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS và miền núi).

Rà soát kỹ lưỡng

Theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, việc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT - XH của 53 DTTS sẽ được tiến hành 5 năm một lần, vào các năm có số cuối là 4 và 9. Như vậy, năm 2024, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các địa phương tiến hành tổng điều tra lần thứ ba.

Việc tiến hành điều tra, thu thập thông tin thực trạng KT – XH 53 DTTS tại thời điểm này là rất cần thiết. Kết quả điều tra sẽ phản ánh khá toàn diện tác động của các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi từ năm 2021 đến nay, trong tâm là Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Hoạch định chính sách từ số liệu thống kê chính xác 1
Nội dung cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT - XH 53 DTTS năm 2024 thực hiện điều tra đối với hộ và đối với UBND xã. (Nguồn: TCTK)

Đây sẽ là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách cho giai đoạn 2026 – 2030 trên lộ trình thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG. Số liệu điều tra, thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS năm 2024 cùng với kết quả tổng kết giai đoạn I của Chương trình MTQG 1719 cũng là dữ liệu quan trọng đóng góp xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 – 2030 tới đây.

Một điểm đáng lưu ý là, ngoài hộ gia đình DTTS thì UBND cấp xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 sẽ là địa bàn, đối tượng điều tra, thu thập thông tin (năm 2019 chỉ thực hiện thu thập thông tin đến cấp huyện). Theo đó, cuộc điều tra sẽ được triển khai tại 3.434 xã trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ngoài ra còn có các xã không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng DTTS tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Hà Tĩnh).

Như vậy, địa bàn điều tra, thu thập thông tin thực trạng KT – XH 53 DTTS năm 2024 sẽ thu hẹp hơn so với 5 năm trước. Tại thời điểm năm 2019, địa bàn điều tra được tiến hành tại 4.647 xã, theo Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều này cũng đồng nghĩa, trong cuộc điều tra tới đây, một bộ phận không nhỏ hộ gia đình các DTTS sinh sống tại các địa bàn không thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 sẽ nằm ngoại phạm vi, đối tượng điều tra. Tuy nhiên, kết quả điều tra, thu thập thông tin sẽ ký hơn khi tập trung vào địa bàn “lõi nghèo” là các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT - XH của 53 DTTS năm 2024 là cuộc điều tra toàn bộ kết hợp điều tra chọn mẫu, sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp.

Cùng với điều tra, thu thập thông tin thực trạng KT – XH 53 DTTS lần thứ ba, từ ngày 1/4, Tổng cục Thống kê sẽ thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Việc điều tra giữa kỳ nhằm mục đích thu thập thông tin về dân số và nhà ở, làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH thời kỳ 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển KT - XH thời kỳ 2026 - 2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.



Tin cùng chuyên mục