Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Học Bác "nêu gương" để đồng bào Chơ Ro làm theo

Lê Vũ - 16:08, 04/03/2021

Theo lời giới thiệu của huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi đến ấp Vinh Thanh, thị trấn Ngãi Giao, tìm gặp ông Đào Văn Giã, dân tộc Chơ Ro. Ông là một tấm gương điển hình của địa phương trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông Đào Văn Giã vừa cho cá ăn vừa giới thiệu về mô hình VAC của mình
Ông Đào Văn Giã vừa cho cá ăn vừa giới thiệu về mô hình VAC của mình

Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với ông, là sự chân chất, mộc mạc của một nông dân. Ông rất cởi mở  khi trò chuyện với khách. Theo lời ông chia sẻ, là Người có uy tín, Bí thư Chi bộ ấp Vinh Thanh, nên ông có nhiều cơ hội được tham dự các hội nghị, các buổi sinh hoạt, học tập, triển khai Nghị quyết của cấp trên, vì vậy ông nắm bắt được nhiều thông tin để về ấp thông tin, chia sẻ lại với bà con.

Đặc biệt, từ chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” , ông đã trực tiếp tìm tài liệu, nghiên cứu rất kỹ những nội dung, tư tưởng, phong cách, lời dạy và việc làm của Bác từ những điều nhỏ nhất, để triển khai tới các đảng viên. Ông cũng đã hiểu ra rằng, ai cũng có thể học và làm theo Bác để trở thành công dân tốt.

Đây chính là lý do mà, nhiều năm qua, người dân ở ấp Vinh Thanh, đã quen thuộc với hình ảnh ông Giã trên chiếc xe đạp cũ, rong ruổi khắp nơi trong ấp để vận động bà con chịu khó lao động sản xuất thoát nghèo; xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường; nắm bắt tư tưởng, tâm tư của bà con để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ khi các hộ gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống…

“Bản thân tôi đã học Bác về vấn đề là cán bộ phải ‘nêu gương”. Do đó, mọi việc làm, công việc trong đời sống thường ngày, việc cộng đồng, hay bất cứ một phong trào hoạt động nào của địa phương, tôi đều tiên phong làm trước. Đặc biệt là chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế vươn lên. Cuộc sống của mình có khá thì mới có thể giúp đỡ được người khác và có tuyên truyền, vận động gì thì bà con mới nghe theo chứ…”, ông Giã chia sẻ.

Với suy nghĩ đó, ông Giã đã trở thành một hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Với diện tích đất nông nghiệp trên 2ha của gia đình, ông Giã đã nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để tổ chức mô hình vườn – ao – chuồng (VAC) để phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể ông đã đầu tư nuôi dê, nuôi bò, thả cá và trồng tiêu, trồng bắp. Mỗi năm, từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi này đã mang về lợi nhuận cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng.

Từ kết quả trong mô hình kinh tế của gia đình, ông Giã đã tuyên truyền, vận động bà con trong ấp làm theo. Để có nguồn vốn đầu tư, ông kết nối, hướng dẫn bà con vay vốn ưu đãi từ các chương trình giảm nghèo, chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để làm ăn; phối hợp với chính quyền, các ban ngành chuyên môn, tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Riêng cá nhân ông còn chủ động hỗ trợ dê, bò giống cho nhiều hộ nghèo, đồng thời hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cho từng hộ… nhờ vậy đời sống của các hộ đồng bào DTTS trong ấp dần ổn định, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như, gia đình bà Lý Thị Hường là một trong những hộ nghèo, được ông Giã hướng dẫn làm thủ tục vay vốn từ chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Huyện để chăn nuôi heo và dê. Cùng với sự giúp đỡ, động viên tận tình của ông về việc cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm nuôi, gia đình bà Hường từ hộ nghèo nhiều năm liền đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, ông Giã luôn là người nêu gương, đi đầu đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội của địa phương, để bà con noi theo. Ông còn vận động bà con hiến đất làm đường, ủng hộ quỹ khuyến học, tích cực tham gia hòa giải mâu thuẫn gia đình tại thôn, ấp… Đơn cử như việc ông vận động 120 hộ dân hiến đất, góp công sức và kinh phí để sửa lại con đường đi vào ấp Vinh Thanh dài hơn 1km, hầu như ai cũng ủng hộ nhiệt tình.

Để truyên truyền hiệu quả về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách ưu đãi dành cho đồng bào DTTS, trong các cuộc họp dân cư của ấp, ông Giã đã khéo léo lồng ghép vào các việc làm cụ thể, giúp cho bà con dễ hiểu, dễ nhớ.

Với những đóng góp của ông, ấp Vinh Thanh từ một ấp chủ yếu là đồng bào DTTS có nhiều hộ nghèo đến nay đã phát triển vượt bậc: Toàn bộ đường giao thông chính trong ấp đã được nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp; tất cả hộ dân đều có điện lưới quốc gia và nước sạch sinh hoạt; 100% hộ đồng bào trong ấp đều được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễm phí… thu nhập bình quân đầu người tăng 40% so với năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc giảm bình quân 4.12% mỗi năm. Cuối năm 2020 thì ấp Vinh Thanh hầu như không còn hộ thuộc diện nghèo.

Từ năm 2015 đến 2020 ông Giã đã nhiều lần được khen thưởng của UBND huyện Châu Đức, 2 lần được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và đặc biệt là cuối năm 2020 vừa qua ông là một trong 147 cá nhân vinh dự được tuyên dương khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2015 – 2020.


Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.