Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Phát thanh viên người Chơ Ro 16 năm sưu tầm, gìn giữ ngôn ngữ cổ

Nghĩa Hiệp - 09:51, 23/02/2021

Nhiều năm là biên tập viên, biên dịch, phát thanh viên chương trình truyền hình dân tộc tại tỉnh Đồng Nai, chị Mai Thị Ngọc Dung, dân tộc Chơ Ro luôn tìm cách lưu giữ, tìm lại những từ ngữ cổ của dân tộc mình. Thông qua sóng FM, những từ ngữ chị sưu tập đã được chuyển tải đến người dân, được bạn nghe đài đón nhận và cùng nhau lưu giữ ngôn ngữ dân tộc.

Chị Mai Thị Ngọc Dung tham dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, diễn ra tại Hà Nội
Chị Mai Thị Ngọc Dung tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, diễn ra tại Hà Nội

Chị Mai Thị Ngọc Dung (sinh năm 1982, nhà ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã có 16 năm làm phóng viên, phát thanh viên tại Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, phụ trách chương trình truyền hình dân tộc Chơ Ro. Chị Dung chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu về với Đài, mình đã xin chọn làm việc ở kênh này. Ngày nay, các bạn trẻ người Chơ Ro dần mất đi ngôn ngữ, nhiều từ ngữ cổ chỉ thỉnh thoảng được nghe lại từ người già. Vì thế, mình muốn thông qua kênh này để giúp thế hệ trẻ cũng như chính mình lưu giữ ngôn ngữ dân tộc”.

Theo những chia sẻ của chị Dung, hiện tại, tiếng Chơ Ro bị lai tiếng Việt khá nhiều, trong đó có nhiều từ ngữ cổ đã bị mất đi, chỉ còn những người già trong làng biết tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa, người Chơ Ro không có chữ viết, chỉ giao tiếp bằng lời nói nên việc giữ gìn ngôn ngữ là rất khó. Suốt 16 năm qua, kể từ khi chị Dung được phân công phụ trách kênh phát thanh chương trình truyền hình dân tộc Chơ Ro. Chị đã chủ động xây dựng những chuyên mục xung quanh các vấn đề tư vấn pháp luật, tuyên truyền biển đảo, vai trò của Người có uy tín trong giữ gìn an ninh trật tự vùng DTTS, xây dựng nông thôn mới, sức khỏe,... Cứ đều đặn mỗi tháng, chị xây dựng 2 chuyên mục, mỗi chuyên mục 15 phút để phát sóng cho đồng bào. Trong mỗi chuyên mục, chị đều khéo léo lồng ghép những từ ngữ mình sưu tập được để chuyển tải tới người dân.

Những chương trình, chuyên mục do chị Dung xây dựng đều được bà con đón nhận, ủng hộ và phản hồi rất tốt. Đặc biệt khi đến với vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo, nơi có  đồng bào Chơ Ro sinh sống, ai ai cũng nhận ra giọng của chị. Bà Thị Gái ở xã Bàu Trâm, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trước đây, khi nói chuyện với các cụ, nhiều từ tôi còn không hiểu, phải nhờ giải thích mãi. Nhưng từ khi chịu khó nghe đài, nhờ có cô phát thanh viên Mai Dung (bút danh của chị Dung) mà tôi cũng như con cháu trong nhà  biết thêm chính ngôn ngữ của dân tộc mình”.

Chính sự đón nhận, ủng hộ của đồng bào Chơ Ro đã giúp chị Dung có thêm động lực để tiếp tục đi và thực hiện mong muốn của bản thân. Chị muốn sưu tầm thêm nhiều hơn nữa ngôn ngữ dân tộc Chơ Ro cho thế hệ trẻ. Chị Dung tâm sự: “Ngày nay, hầu hết mọi người dùng tiếng phổ thông để giao tiếp, các gia đình người Chơ Ro trẻ cũng không sử dụng tiếng dân tộc để nói chuyện với nhau. Vì thế, tôi luôn tranh thủ mọi thời gian có thể để tìm về các bản làng, nói chuyện cùng các cụ già và ghi chép thật nhiều, bởi tôi lo sau này các cụ mất đi thì cũng không còn ngôn ngữ Chơ Ro cho con cháu nữa”.

Tính đến nay, sau 16 năm làm việc, chị Dung đã biên tập, phát sóng hơn 3.000 chuyên mục bằng tiếng Chơ Ro, tìm lại và lưu giữ hơn 1.000 từ ngữ Chơ Ro cổ, góp phần vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc, đặc biệt là Đề án Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Những đóng góp không ngừng nghỉ của chị Mai Thị Ngọc Dung đã được người dân, chính quyền địa phương và đồng nghiệp ghi nhận. Chị là một trong những đại biểu tiêu biểu thay mặt cho 180.000 đồng bào DTTS của tỉnh Đồng Nai tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II (diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 12/2020). “Tôi thực sự rất hạnh phúc và tự hào vì những đóng góp của mình đã được ghi nhận. Bản thân là một phóng viên, tôi biết mình cần phải nỗ lực hơn nữa và sẽ tiếp tục đóng góp sức mình để giữ gìn văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Chơ Ro”, chị Dung chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Nghèo, khó... không bao giờ là lý do từ bỏ ước mơ

Nghèo, khó... không bao giờ là lý do từ bỏ ước mơ

Sinh ra ở huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An, trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ vướng vòng lao lý, bố làm thuê, nhưng Ốc Thị Quỳnh Anh không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, mặc cảm vươn lên giành được học bổng trị giá 1 tỷ đồng của trường Đại học Anh Quốc...