Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Học sinh Lai Châu, Kon Tum bắt đầu trở lại trường sau Tết

PV - 10:31, 22/02/2021

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19, ngày 22/2, trên 150.000 học sinh các cấp ở 346 đơn vị trường học trong toàn tỉnh Lai Châu đi học trở lại.

Học sinh Trường Tiểu học xã Tá Pạ, huyện Mường Tè (Lai Châu) được giáo viên đo thân nhiệt. Ảnh tư liệu: Việt Hoàng/TTXVN
Học sinh Trường Tiểu học xã Tá Pạ, huyện Mường Tè (Lai Châu) được giáo viên đo thân nhiệt. Ảnh tư liệu: Việt Hoàng/TTXVN

Các em học sinh đến trường được đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBTTH) Lản Nhì Thàng, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu), ngay từ 6 giờ 45 phút ngày 22/2, nhiều học sinh đã được bố mẹ đưa đến trường. Đón học sinh đi học trở lại, trường đã bố trí 6 điểm đo thân nhiệt và rửa tay bằng nước sát khuẩn. Học sinh trước khi vào lớp học phải xếp hàng giãn cách, không tụ tập đi cùng nhau.

Năm học 2020 - 2021, toàn Trường PTDTBTTH Lản Nhì Thàng có 427 học sinh với 23 lớp học, trong đó có 153 học sinh bán trú. Thầy giáo Lò Văn Vương, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh đi học trở lại, ngay sau khi nhận được văn bản của Phòng Giáo dục huyện Phong Thổ, Nhà trường đã huy động 37 cán bộ, giáo viên trong trường đến khử trùng phun thuốc khử khuẩn tại khuôn viên trường, phòng lớp học, nhà ở bán trú của trường.

Do điều kiện cơ sở vật chất không đủ để thực hiện giãn cách giữa các phòng ngủ cho học sinh bán trú, nhà trường bố trí thêm phòng ở thư viện và phòng lớp học cho học sinh ngủ tạm thời. Mặt khác, nhà trường yêu cầu các thầy, cô giáo khi đứng lớp cần sát sao, quan sát, nếu học sinh nào có dấu hiệu sốt, ho, khó thở sẽ kịp thời đưa đến phòng y tế để cách ly và gửi mẫu đi xét nghiệm.

Học sinh Trường Thu Lũm Tuyên truyền giáo dục môi trường.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Thu Lũm trong buổi ngoại khóa tuyên truyền giáo dục môi trường.

Trường PTDTBT THCS Thu Lũm, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè năm học 2020 - 2021 có 227 học sinh, trong đó có 175 học sinh ở bán trú. Để  bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi đón học sinh trở lại, thầy giáo Nguyễn Văn Duy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho hay, nhà trường đã bố trí các bàn đo thân nhiệt, đặt nước rửa tay khử khuẩn ở cổng ra vào của trường. Học sinh khi đến trường tự giác xếp hàng chờ đo thân nhiệt và rửa tay.

Trong giờ học, nhà trường yêu cầu học sinh đeo khẩu trang theo quy định về phòng, chống dịch. Ngày đầu tiên đến lớp, nhà trường yêu cầu các thầy cô giáo dành thời gian dặn dò học sinh về công tác phòng, chống dịch để các em hiểu rõ và thực hiện đúng.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu-Đinh Trung Tuấn, để thực hiện tốt hai nhiệm vụ vừa tổ chức dạy học vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn các trường học. Các nhà trường chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường chuẩn bi ̣tốt các điều kiện cho công tác giảng dạy, công tác phòng chống dịch, nuôi dưỡng học sinh nội trú, bán trú... trước khi các em trở lại trường học.

Các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học tăng cường các thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học, khu ở bán trú như: Thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, xà phòng, khẩu trang; duy trì thực hiện rửa tay, vệ sinh trường, lớp, khu ở bán trú, nhà ăn bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng, sẵn sàng đón học sinh đến trường.

* Ngày 22/2, trên 120.000 học sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum bắt đầu đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19. Để bảo đảm an toàn khi học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Các trường học phải tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp học, khu ký túc xá; phối hợp với cơ quan y tế phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn toàn trường trước khi học sinh đi học trở lại. Ngoài ra, thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt cho học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên trước khi vào trường và thường xuyên phối hợp với phụ huynh trong việc chăm sóc, quản lý sức khỏe của học sinh. Khi phát hiện trường hợp sốt trên 37 độ hoặc có biểu hiện ho, khó thở, mệt mỏi phải cho học sinh nghỉ học và báo cáo cơ quan y tế địa phương để tiến hành xử lý theo quy định.

Các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ phòng cách ly tạm thời để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra những tình huống bất ngờ; bố trí dung dịch sát khuẩn hoặc khu vực rửa tay bằng xà phòng phù hợp để học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên thực hiện vệ sinh tay khi cần thiết.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum Đinh Thị Lan đề nghị, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh khi đến trường phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế trước khi vào lớp. Những trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đã nghỉ Tết Nguyên đán có đi, đến hoặc trở về từ các địa bàn có dịch thực hiện khai báo y tế trung thực và cách ly y tế theo quy định.

Các cơ sở giáo dục rà soát và đánh giá kết quả dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh tạm dừng tới trường. Từ đó, hướng dẫn giáo viên có kế hoạch dạy học đúng vào trọng tâm, trọng điểm để bổ sung những kiến thức cần thiết cho học sinh, đặc biệt là những em không có điều kiện theo học trực tuyến.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum thành lập đoàn kiểm tra về công tác chuẩn bị các điều kiện nhằm đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.