Xây dựng môi trường văn hóa báo chí
Một trong những chủ đề được cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí quan tâm hiện nay là xây dựng môi trường văn hóa báo chí. Vì thế, trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024, Ban Tổ chức đã dành riêng một phiên để thảo luận về chủ đề này.
Tại diễn đàn, ý kiến các đại biểu cho rằng, một cơ quan báo chí có một môi trường văn hóa sẽ đưa ra được những triết lý để sản xuất ra những sản phẩm văn hóa của mình, hướng tới bạn đọc, tạo ra được cảm hứng cho đội ngũ để sản xuất sản phẩm văn hóa đó. Và cuối cùng nó sẽ tạo ra thương hiệu, bản sắc của chính cơ quan báo chí đó. Cái lõi văn hóa đi với những quy chuẩn ứng xử bên trong và bên ngoài của một cơ quan báo chí.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, xây dựng môi trường văn hóa báo chí là rất quan trọng. Nhiều năm nay, Hội Nhà báo đã nỗ lực xây dựng tiêu chí này để làm trong sạch môi trường báo chí.
Ngày 16/3, Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024 đã diễn ra các các phiên: Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn; Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí; Phóng sự, điều tra - Hành trình làm điều có ích; Quyền sở hữu trí tuệ tác phẩm truyền hình trong thế giới AI. Buổi chiều gồm các phiên: Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo; Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lợi, trong năm 2023, vẫn còn một số trường hợp là nhà báo, cộng tác viên các cơ quan báo và tạp chí bị khởi tố tội danh “cưỡng đoạt tài sản”.
Ngoài ra, vẫn còn không ít nhà báo, bất chấp những quy định về đạo đức nghề nghiệp, bất chấp mọi hệ lụy đưa tin, chụp hình nhiều nhân vật, sự kiện chỉ để câu view, vẫn còn hiện tượng nhiều nhà báo viết sai mà không xin lỗi, không đính chính…
Do vậy, vai trò của người đứng đầu gương mẫu là rất quan trọng để xây dựng văn hóa cho các đồng nghiệp. Việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần phải được thực hiện lâu dài, thường xuyên để đạt được những hiệu quả thực sự cho nghề báo Việt Nam.
“Sự gương mẫu, sự chuẩn mực, sự tử tế, văn hóa của người đứng đầu cơ quan báo chí và của các cấp Hội Nhà báo là đặc biệt quan trọng. Dù có ban hành bộ quy chế, hô hào nhưng nếu người đứng đầu trong cơ quan không gương mẫu, không là tấm gương cho đồng nghiệp học tập thì tất cả chỉ là lời nói suông, thậm chí rất phản cảm”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nêu ý kiến.
Bên cạnh vai trò của người đứng đầu các cơ quan báo chí, các ý kiến tại phiên thảo luận đều thống nhất cho rằng, mỗi nhà báo phải đặt lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết để soi xét vào các vấn đề, các hiện tượng, sự việc một cách trung thực, nhân văn. Cùng với đó, mỗi cơ quan báo chí cần tạo điều kiện đề những người làm báo sống với nghề, làm việc tận tâm, có trách nhiệm, để xây dựng được uy tín, thương hiệu qua các tác phẩm báo chí mà công chúng đón nhận.
Cần hành lang pháp lý cho điều tra báo chí
Trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024, phiên thảo luận với chủ đề “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích” đã diễn ra sáng 16/3. Tại phiên thảo luận, các diễn giả và khách mời đều nhận định, phóng sự điều tra là thể loại đặc biệt, được coi là trọng pháo của báo chí nhưng cũng tốn kém nhất và gây hiệu ứng lớn nhất.
Chia sẻ tại phiên, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong đã nêu ra những thách thức mang tính sống còn trong việc phát triển thể loại báo chí điều tra. Khẳng định, phóng sự điều tra là thể loại “búa bổ”, là “hòn đá tảng” trên mỗi tờ báo, nhà báo Phùng Công Sưởng cũng nhận định, hiện nay, số lượng các tác phẩm thuộc thể loại này đang khá thưa thớt, ít tác phẩm thực sự hấp dẫn và lay động.
Nhà báo Phùng Sưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những rào cản như tâm lý ngại khó, ngại khổ, ngại tiếp xúc, va đập với cuộc sống của nhiều phóng viên trẻ; nguy cơ khi tác nghiệp; chi phí bỏ ra lớn; thiếu sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, việc bạn đọc ngày một kén tác phẩm cũng khiến cho điều tra đứng trước nguy cơ lớn.
Nhà báo Phùng Sưởng cũng vạch rõ những nguy cơ pháp lý mà nhà báo điều tra hay gặp phải, bao gồm việc sử dụng những tài liệu chưa được giải mật; thông tin về những vấn đề đang trong quá trình điều tra theo quy trình tố tụng, nhưng sau khi khi kết luận thì thông tin không như báo nêu; tiếp cận thông tin từ các nguồn chưa được kiểm chứng; người cung cấp thông tin không phải là người đúng thẩm quyền; nhập vai trong quá trình tác nghiệp vượt giới hạn cho phép dẫn đến vi phạm pháp luật, thậm chí bị đe doạ và bị hành hung.
“Trong luật chưa thừa nhận nhà báo khi tác nghiệp là người thi hành công vụ. Đó cũng chính là những rủi ro cho người làm điều tra”, ông Sưởng nêu thực trạng.
Đồng quan điểm, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định, hiện nay, hệ thống pháp luật chưa đủ để bảo vệ các nhà báo. Do đó, cần phải có quy định rõ ràng hơn, đủ hiệu năng hơn; cũng như cần những người thực thi pháp luật để bảo vệ các nhà báo.
Chính vì thiếu hành lang pháp lý cho những người làm điều tra, nên các nhà báo, phóng viên khi tham gia vào thể tài này cần phải có kế hoạch được Ban Biên tập phê duyệt và lên phương án bảo đảm an toàn. Ngoài ra, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Mỗi Tổng Biên tập cần phải luôn luôn ở phía sau phóng viên, để họ cảm thấy có chỗ dựa.
“Tổng Biên tập dũng khí, thấy cái sai kiên quyết đấu tranh, thấy cái đúng kiên quyết bảo vệ thì sẽ có những phóng viên có phẩm chất như thế trong chính toà soạn của mình”, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Sôi nổi các hoạt động bên lề
Song song với các phiên thảo luận, tọa đàm về các vấn đề khác nhau của báo chí, bên ngoài các khán phòng, nhiều hoạt động sôi nổi đã diễn ra tại khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm báo chí. Tại đây, các hội nhà báo địa phương, cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí trên cả nước đã có nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu về ngành nghề, lĩnh vực của mình với đông đảo người dân, sinh viên báo chí và du khách tham quan Hội báo.
Các gian hàng đã triển lãm, trưng bày, giới thiệu các ấn phẩm báo chí, hoạt động báo chí, những câu chuyện cống hiến và hy sinh, lao động và sáng tạo của các thế hệ người làm báo.
Bên cạnh đó, tại các gian hàng, từng đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Qua đó, góp phần tăng thêm sự gắn bó giữa báo chí với công chúng, tạo không gian giao lưu, quảng bá và hợp tác cùng phát triển.
Đặc biệt, tại khu vực trưng bày “99 chuyện nghề” tổ chức tại khu vực trung tâm của Hội báo thu hút rất nhiều người đến xem, tìm hiểu và lắng nghe những câu chuyện của những người nhà báo đi trước kể lại. Tại sự kiện này, các nhà báo lãnh thành đã tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhiều hiện vật, tài liệu. Đây là những hiện vật quý đã theo các cựu nhà báo viết nên những trang sử của báo chí cách mạng Việt Nam.
Tại lễ trao tặng hiện vật, bà Ngô Quỳnh Lan – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kháng chiến Khối Nhà báo cao tuổi đã có những chia sẻ với các bạn trẻ về niềm tự hào khi là một phóng viên chiến trường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đó là những cảm xúc không thể quên khi chui xuống hầm đọc phát thanh cho Đài Tiếng nói Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Hay những lần vào nơi chiến trường khốc liệt đưa tin và ghi chép lại những câu chuyện của quân dân miền Nam trung dũng kiên cường, một lòng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Theo kế hoạch, ngày mai (17/3) Ban Tổ chức sẽ tổ chức tổng kết Hội báo toàn quốc năm 2024. Trong buổi lễ tổng kết, Ban Tổ chức sẽ trao giải bìa báo Xuân Giáp Thìn đẹp và gian trưng bày báo chí của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam.
Chiều 16/3, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức phiên bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024 - sự kiện lần đầu tiên được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Diễn đàn đã đề cập đến những vấn đề hết sức cấp bách của báo chí nước nhà. Đó là nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; báo chí dữ liệu và những chiến lược nội dung vượt trội; đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí; những thách thức với phát thanh và truyền hình...