Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025

Lê Phương - 13:05, 30/06/2023

Sáng 30/6, tại Tp. Nha Trang (Khánh Hòa), Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội và tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) giai đoạn 2021 - 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Dự và chỉ đạo tại Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh. Cùng dự còn có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo 17 địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Chương trình MTQG 1719 Hà Việt Quân đã thông qua Báo cáo tóm tắt 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2023 khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, kết quả thực hiện giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021 - 2023 thực hiện Chương trình đến thời điểm 31/5/2023 của 17 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 1.397.759 triệu đồng, đạt 10.62%; gồm vốn đầu tư phát triển là 1.117.474 triệu đồng (tương đương 15.82%), vốn sự nghiệp là 280.285 triệu đồng (tương đương 4.59%). Một số tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2023 cao so với bình quân của khu vực và bình quân của cả nước (18.28%) là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi…

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Mặc dù Chương trình MTQG 1719 mới được đưa vào triển khai tại thực tiễn địa phương từ nửa cuối năm 2022, tuy nhiên bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, mà một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của 17 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên bình quân đạt 3.81% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao), trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên - Huế (11.04%), Quảng Nam (7%), Khánh Hòa (6%), Quảng Ngãi (5.37%), Đăk Nông (5%)...

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu về: Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, THCS, THPT đến trường; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi... sẽ vừa là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định, việc phê duyệt và triển khai Chương trình MTQG 1719 là một quyết sách đánh dấu mốc lịch sử của Đảng và Nhà nước ta, lần đầu tiên có một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021 - 2025), Chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước là gần 115.000 tỷ đồng (bao gồm cả vốn tín dụng), chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện 10 dự án có tính phổ quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Theo Bộ trưởng,Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, các nội dung của Chương trình mang tính chất tổng thể, bao phủ nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào DTTS như đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề... đồng thời cũng hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển bền vững đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi như phát triển nguồn nhân lực, bình đẳng giới, thông tin tuyên truyền, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ…

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định phát biểu ý kiến tại hội nghị
Ông Nguyễn Tuấn Thanh- Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Tại Hội nghị có nhiều ý kiến của các bộ, ngành và địa phương nhận định, đây là thời cơ tốt để đánh thức vùng DTTS và miền núi, đưa vùng này tiến kịp với miền xuôi. Tuy nhiên, khi triển khai còn vấp phải nhiều khó khăn vướng mắc. 

Tiêu biểu như ý kiến của ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định. Ông Thanh cho rằng: Đây là một chương trình lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trước đây, cũng có nhiều chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi thực sự hiệu quả đã làm cho vùng này có nhiều khởi sắc nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Chương trình MTQG 1719 thực sự là động lực thúc đẩy vùng đồng bào DTTS và miền núi nhưng đây là chương trình mới, địa bàn rộng liên quan đến nhiều cấp ngành nên tại tỉnh Bình Định thời gian qua, công tác triển khai còn lúng túng do có nhiều quy định, văn bản chưa rõ ràng. 

“Tôi đề nghị UBDT và các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, rà soát các văn bản hướng dẫn các địa phương đầu tư tập trung, không dàn trải. Phải có cơ chế lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phải làm “ra ngô, ra khoai” thì vùng đồng bào DTTS mới phát triển được", ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Võ Phiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến tại hộ nghị
Ông Võ Phiên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Trong khi đó ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay: Từ khi Chương trình MTQG 1719 được Quốc hội phê duyệt và đi vào triển khai, tỉnh Quảng Ngãi đã rất quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan nhanh chóng triển khai. Tuy nhiên, đây là chương trình quá đặc thù nên kết quả đến thời điểm hiện tại chưa cao, giải ngân nguồn vốn mới được 7 - 8%. Tỉnh chỉ đạo các địa phương trong quá trình triển khai nếu gặp vướng mắc thì đề xuất tháo gỡ ngay, không chần chừ kéo dài thời gian. Nếu tỉnh không tháo gỡ được thì tiếp tục kiến nghị lên Trung ương. 

Hiện nay, tỉnh đang vướng giải ngân về nguồn vốn sự nghiệp, giải ngân theo hàng năm nhưng có những dự án chưa triển khai kip. Đặc biệt là hỗ trợ cây trồng, vật nuôi phải mất thời gian rất dài. Từ lúc tuyên truyền cho bà con đến khi triển khai các mô hình rồi nhân rộng thì kéo dài đến 2 - 3 năm, thậm chí 10 năm, trong khi nguồn vốn sự nghiệp chỉ giao 1 năm. Tôi đề xuất nguồn vốn sự nghiệp nên giao theo giai đoạn hay vòng đời của dự án thì sẽ hiệu quả và dễ triển khai hơn.

Đại diện lãnh đạo huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị cần có chính sách đặc thù dành riêng cho DTTS rất ít người. Cụ thể tại địa phương có dân tộc Chứt là thành phần dân tộc rất ít người đang đối diện với nhiều khó khăn về kinh tế, về đời sống tinh thần. Đặc biệt là tình trạng hôn nhân cận huyết thống đang rất phổ biến. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Nếu không có biện pháp hỗ trợ đặc biệt thì dân tộc này có nguy cơ biến mất.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Mục tiêu của Hội nghị lần này là nhằm rà soát, đánh giá kịp thời tiến độ, kết quả triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án của Chương trình tại các địa phương, cùng chia sẻ, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như tổ chức, thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Hội nghị hôm nay cũng là diễn đàn để các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung lắng nghe ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các cấp chính quyền địa phương, kể cả những ý kiến từ cộng đồng về công tác tổ chức chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình.

Thực tế triển khai thực hiện tại các địa phương trong thời gian vừa qua, các Chương trình MTQG nói chung, đặc biệt là Chương trình MTQG mới như Chương trình MTQG 1719 đòi hỏi phải xây dựng, ban hành một số lượng rất lớn các văn bản hướng dẫn. Ban Chỉ đạo Trung ương và UBDT, các bộ, cơ quan Trung ương đã tập trung cao độ, phối hợp với các địa phương trong công tác rà soát, cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và đặc biệt là hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện. 

“Vì thế, tôi sẽ ghi nhận tất cả những ý kiến của các địa phương về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để cùng các bộ, ngành thống nhất và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để triên khai Chương trình một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất”, Bộ trưởng,Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định.