Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long

Thanh Sang - 22:52, 06/04/2022

Ngày 6/4, tại An Giang, Ban Công tác đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh An Giang tổ chức “Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026". Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND”, Hội nghị là cơ hội để HĐND các tỉnh, thành học tập cách làm hay, kinh nghiệm quý báu của các tỉnh, thành trong khu vực để áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp đã và đang có nhiều đổi mới rõ rệt, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo quy định của pháp luật. Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND các cấp đều tham gia cấp ủy địa phương; chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND được chú trọng; nhiều tỉnh đã ban hành đề án “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”; hoạt động của HĐND ngày càng chủ động, thực chất, phát huy trí tuệ của tập thể, áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức các kỳ họp, phiên họp…

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu: Hoạt động giám sát phải được bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung giám sát bám sát với yêu cầu thực tiễn, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương. Từ thực tiễn khẳng định mỗi vị đại biểu HĐND là hạt nhân đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân của mỗi địa phương và cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý: Bên cạnh những kết quả đạt được, HĐND các tỉnh còn những hạn chế cần quan tâm, khắc phục như: Tình trạng gửi tài liệu dự thảo báo cáo chậm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban; hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức; công tác giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có việc còn chậm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức kỳ họp của HĐND nội dung phải chủ động từ sớm, từ xa, tránh “bị động, lúng túng”; điều hành kỳ họp phải linh hoạt, khoa học, hợp lý, giảm thời gian báo cáo, tăng thời gian thảo luận, tập trung vào những vấn đề mới, còn có ý kiến khác nhau, khó chưa có tiền lệ; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, phương pháp tiếp xúc cử tri cho linh hoạt, gợi mở được vấn đề để cử tri tham gia phát biểu ý kiến...

Khu vực ĐBSCL có vị trí địa kinh tế, chiến lược quan trọng; với diện tích gần 4 triệu ha, dân số 17,5 triệu người, hơn 700 km bờ biển và trên 360.000 km vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế. Vùng có vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

Thời gian qua, với vai trò là cơ quan có chức năng hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số văn bản liên quan đến hoạt động của HĐND, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát để cùng với HĐND các cấp chủ động thực hiện tốt chức năng, vai trò là cơ quan đại diện cho Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm phòng chống dịch an toàn hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.

Năm 2021 là năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ, song hoạt động của Thường trực HĐND các tỉnh, thành ĐBSCL đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều mặt. Nhất là việc đưa ra nhiều chính sách, biện pháp vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở địa phương; thực hiện tốt vai trò điều hòa hoạt động các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND; duy trì tốt các phiên họp Thường trực HĐND định kỳ hằng tháng.

Nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ đại biểu khai thác tài liệu, phát huy hiệu quả của phần mềm kỳ họp không giấy, tăng cường làm việc trực tuyến, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của HĐND trên các phương tiện truyền thông để tạo cầu nối giữa cơ quan dân cử và cử tri.