Dự Hội nghị, về phía Trung ương có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng; đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam và đại diện Bộ Tư lệnh BĐBP; các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong triển khai Chương trình.
Về phía tỉnh Thanh Hóa, có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các đơn vị thực hiện đồng hành.
Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam trình bày Báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương”. Theo đó, 3 năm qua, cán bộ chiến sỹ BĐBP và hội viên phụ nữ các cấp đã đồng sức, đồng lòng, góp công, góp của, huy động sự chung tay, đồng hành của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương hướng về hội viên phụ nữ ở 110 xã đặc biệt khó khăn thuộc 26 tỉnh thành phố biên giới, hải đảo với nguồn kinh phí huy động được trên 150 tỷ đồng. Tại 110 xã, đã hỗ trợ gần 1.000 công trình dân sinh, gần 700 mái ấm tình thương, trao tặng trên 8.000 suất quà và học bổng cho học sinh, nữ sinh dân tộc thiểu số nghèo vượt khó. Các đồn biên phòng nhận nuôi 355 cháu, đỡ đầu 2.529 cháu là con của các gia đình phụ nữ nghèo trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Biên phòng”.
Thực hiện Chương trình, đơn vị đồng hành đã tổ chức gần 7.000 buổi tuyên truyền về các hiệp định, quy chế khu vực biên giới, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thì địch, giúp chị em phụ nữ nâng cao cảnh giác, có ý thức cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia. Theo đó, các đơn vị BĐBP đã bắt giữ và xử lý 141 vụ/96 đối tượng mua bán phụ nữ trẻ em; giải cứu 215 phụ nữ, trẻ em, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vục biên giới...
Tại Hội nghị, Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động và ký kết kế hoạch thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, hai bên phấn đấu hằng năm mỗi cơ sở tổ chức ít nhất 2 hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con; tham gia phòng, chống giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc hiện nay liên quan đến phụ nữ thường xảy ra địa bàn biên giới, nhất là tội phạm buôn bán người.... Đến năm 2025 ít nhất mỗi xã biên giới, hải đảo có 1 mô hình sinh kế bền vững từ các nguồn hỗ trợ, tiếp sức của các tổ chức, doanh nghiệp. Đến năm 2025, thông qua Quỹ “Tiếp bước em đến trường” để nhận đỡ đầu, trao học bổng cho 1.000 em học sinh khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương”. Giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thủ tướng đề nghị BĐBP và các cấp Hội phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và đồng bào chấp hành nghiêm Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, hiệp định, quy chế biên giới, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương...
Các địa phương quan tâm ưu tiên nguồn lực để Hội LHPN và BĐBP có điều kiện tham gia thực hiện Chương trình. Các xã thuộc Chương trình Đồng hành biên cương đều nằm trong địa bàn được thụ hưởng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm chăm lo, giải quyết có hiệu quả các vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng biên giới, như: đói nghèo, thiếu việc làm, chất lượng nguồn nhân lực nữ, chăm sóc y tế, bạo lực gia đình, mua bán người, tảo hôn, hôn nhân cận huyết…
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành và vận động nguồn lực xã hội để Chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” không chỉ là sự phối hợp giữ Hội LHPN Việt Nam và BĐBP mà có sự tổng hợp sức mạnh của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, sự chung tay của nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tin tưởng với sự cam kết đồng hành của Hội LHPN và BĐBP, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước, với ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, sắt son, cần cù, sáng tạo, phụ nữ các dân tộc cùng với quân và dân các tỉnh biên giới sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới sáng tạo và đạt thành tích mới trong giai đoạn tới.
Dịp này, 109 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương giai đoạn 2018-2020" đã vinh dự nhận Bằng khen của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội LHPN Việt Nam.