Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2026 - 2030 tại Khánh Hòa

L.Phương - 20:00, 30/06/2023

Chiều 30/6, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2026 - 2030. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr và Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương chủ trì Hội thảo
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương chủ trì Hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện các ban, bộ, ngành và địa diện lãnh đạo tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh của 18 địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Hội thảo sự kiện tiếp nối Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 từ năm 2021 - 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025.

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr, mặc dù Chương trình MTQG 1719 mới được đưa vào thực tiễn tại địa phương từ nừa cuối năm 2022, nhưng bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn, Chương trình đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Các Đại biểu tham gia Hội thảo
Các Đại biểu tham gia Hội thảo

Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh (kết nối đường giao thông, công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh hoạt văn hóa…) tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lao động rất lớn trên địa bàn; thông qua đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm.

Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, đây là một Chương trình mới, quy mô lớn, với nhiều nội dung dự án thành phần, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và tác động sâu rộng trong thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu do nhiều nội dung mới; văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, đồng bộ; bộ máy quản lý, triển khai chương trình ở cơ sở chưa có kinh nghiệm, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đại diện Ban Dân tộc Bình Thuận phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Đại diện Ban Dân tộc Bình Thuận phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Cùng với đó, việc phân bổ vốn, lồng ghép các nguồn vốn tại địa phương và triển khai các nội dung, nhiệm vụ có những khó khăn, hạn chế nhất định, gây ảnh hưởng đến công tác lập, xây dựng kế hoạch như: Việc xác định địa bàn, đối tượng thực hiện cụ thể; công tác nắm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành, đánh giá tình hình triển khai thực hiện; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành… Vì thế, hội thảo lần này cũng là dịp để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận nêu ý kiến về những khó khăn trong cơ chế lồng ghép. Về cơ bản việc này rất tốt, vì trên cùng một địa bàn chúng ta áp dụng 3 chương trình như vậy sẽ tăng thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn sẽ nảy sinh những bất cập. Cụ thể, nếu áp dụng vào từng dự án, từng công trình sẽ gặp nhiều vấn đề liên quan đến việc thanh, quyết toán. Ví dụ một công trình mà sử dụng hai nguồn vốn khác nhau thì sẽ thanh quyết toán như thế nào?

Đại diện Ban Dân tộc Quảng Nam phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Đại diện Ban Dân tộc Quảng Nam phát biểu ý kiến tại Hội thảo

ý kiến của Ban Dân tộc Quảng Nam xoay quanh vấn đề kiện toàn bộ máy làm công tác dân tộc tại các địa phương. Theo đó, nhân lực tại các Ban Dân tộc địa phương rất mỏng nhưng phải đảm nhiệm khối lượng công việc đồ sộ. Ngoài ra, để thực hiện chương trình cần phải có sự phối hợp của các sở, ngành có liên quan, nhưng thực tế, công tác này gặp nhiều khó khăn. Các Ban Dân tộc chỉ mới làm được vai trò tổng hợp, chứ chưa thể hiện được mình là cơ quan quyết định trong việc triển khai công tác dân tộc trên địa bàn. Vì thế, cần cấu trúc lại bộ máy và giao quyền để các Ban Dân tộc chủ động phối hợp với các đơn vị khác triển khai hiệu quả chính sách dân tộc.

Tại Hội thảo, còn có nhiều nhiều ý kiến, bài học kinh nghiệm đã được các đại biểu chia sẻ, như: Công tác quán triệt, thông tin tuyên truyền, vận động; đổi mới, linh hoạt về phương pháp lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào vùng DTTS; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, đặc biệt là phát huy tối đa sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, của người dân địa phương...

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các địa phương. Những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các địa phương sẽ được cơ quan chuyên môn tổng hợp lại và trình lên lãnh đạo UBDT và các bộ, ngành liên quan để nhanh chóng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.