Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Hội thảo “Góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”

Hạnh Nguyên - 19:55, 04/04/2023

Ngày 4/4, tại TP. Cần Thơ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Hội thảo.

Các thành viên điều hành Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Các thành viên điều hành Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cùng tham dự và điều hành hội thảo có ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ và các Ủy viên Thường trực, ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc (HĐDT) của Quốc hội; các đại biểu là chuyên gia, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên môi trường và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành có đông đồng bào DTTS ( Trà Vinh, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Lào Cai, Gia Lai, Bắc Cạn...).

Đại diện Ủy Ban dân tộc (UBDT) có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và Lê Sơn Hải tham dự.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐDT Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN theo mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

HĐDT đã nhận thức đây là dự án luật hết sức quan trọng, có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS và miền núi, Thường trực HĐDT tổ chức nhiều hoạt động ý kiến Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, chính quyền các địa phương làm căn cứ xây dựng báo cáo tham gia thẩm tra Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của đồng DTTS. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 11 tham luận và thảo luận trực tiếp…

Thứ trưởng Lê Sơn Hải tham gia ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai ( Sửa đổi) tại buổi Hội thảo
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải tham gia ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội thảo

Các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến đến công tác thu hồi đất, vật nuôi, cây trồng, xác định giá đất, bảng giá đất, tạo quỹ đất, chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc quy định bồi thường vật nuôi chưa bao quát được tất cả vật nuôi, do vậy không có cơ sở pháp lý để bồi thường cho người dân. Chưa có quy định mật độ cây trồng trong bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, luật cần bổ sung quy định chi tiết về nguyên tắc bồi thường cây trồng, vật nuôi.

Về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS, cần cụ thể hóa vấn đề nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc, quan tâm triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS vào trong luật. Bổ sung quy định cho phép cộng đồng dân cư sử dụng đất, trong đó có đồng bào DTTS được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cần quy định cụ thể về hình thức, phương án góp vốn để ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của từng thành viên trong cộng đồng DTTS, đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng ở địa phương trong hoạt động trợ giúp pháp lý về lĩnh vực đất đai đối với đồng bào DTTS nhằm tránh tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết để chiếm dụng quyền sử dụng đất, thâu tóm đất đai, nhất là đất sản xuất của đồng bào DTTS.

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải cho biết, Việt Nam có 53 DTTS với khoảng trên 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Quy mô dân số của các DTTS không đồng đều, hầu hết các DTTS sinh sống ở miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ, Tây Nam Bộ; dân số còn lại sinh sống rải rác ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Một số dân tộc như: Khmer, Chăm, Hoa sinh sống tập trung ở vùng đồng bằng và thành thị; mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú, thống nhất của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Toàn cảnh buổi Hội thảo
Toàn cảnh buổi Hội thảo

Với tình hình dân tộc và phân bố dân cư như hiện nay, Thứ trưởng Lê Sơn Hải đề nghị, ngoài việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đất đai gắn với công tác dân tộc, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét, bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thành 1 mục riêng quy định về “Đất đai đối với đồng bào DTTS” nhằm bảo vệ quyền lợi và chỉ rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của đồng bào DTTS đối với vấn đề đất đai; thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS.

Trong đó nên quy định cụ thể: Về quyền bình đẳng được tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS; đất đai đối với đồng bào DTTS rất ít người; nghĩa vụ, trách nhiệm của đồng bào DTTS đối với đất đai và Nhà nước; trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS; trách nhiệm về tài chính của Nhà nước trong thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS; các hành vi bị nghiêm cấm...

Các đại biểu tập trung Thảo Luận, chia sẻ tình hình thực tế của mỗi địa phương
Các đại biểu tập trung thảo Luận, chia sẻ tình hình thực tế của mỗi địa phương

“Trước mắt cần triển khai thực hiện thành công các nội dung có liên quan đến vấn đề đất đai trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có những ý kiến đóng góp rất tâm huyết dựa trên tình hình thực tế của địa phương. Phát biểu đóng góp cho Hội thảo, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, Dự thảo đã có những điểm mới tích cực, đặc biệt các nội dung về đất tôn giáo, cá nhân là DTTS... được quy định cụ thể, sẽ tạo thuận lợi cho các tổ chức, công dân, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình thực hiện thủ tục đất đai cho người sử dụng đất; tạo hành lang pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương.

Bên lề Hội hội thảo, các đại biểu trao đổi với Thượng toạ Lý Minh Đức là đại biểu Quốc hội về tình hình thực hiện CSDT tại địa phương
Bên lề Hội thảo, các đại biểu trao đổi với Thượng tọa Lý Minh Đức là đại biểu Quốc hội về tình hình thực hiện CSDT tại địa phương

Về lâu dài, Chủ tịch TP. Cần Thơ đề nghị “bổ sung vào khoản 1, Điều 112 nội dung “Dự án thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất để tạo quỹ đất” (áp dụng theo Điều 128). Cụ thể, khi Nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá thực hiện dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở thì để lại 12% cho người dân, còn lại 88% cho Nhà nước, bao gồm cả đất công cộng.

Như vậy, Nhà nước sẽ không bỏ vốn thực hiện dự án mà vẫn có đất sạch để đấu giá mang lại ngân sách cho Nhà nước, người dân cũng có lợi ích từ 12% đất chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở mà không phải nộp tiền sử dụng đất, còn nhà đầu tư có đất sạch thông qua đấu giá (không mất thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư). Việc này, thực tế đã được nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản áp dụng...

Các đại biểu thảo luận bên lề hội thảo
Các đại biểu thảo luận bên lề Hội thảo

Là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer cao nhất nước, ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nêu ý kiến, trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS (Điều 17 của Dự thảo Luật) - tại khoản 4, Điều 17 có nêu: … căn cứ tại Khoản 3, Điều này, UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS. Đề nghị làm rõ hơn, nếu trường hợp tỉnh không còn quỹ đất hoặc quỹ đất không phù hợp để cấp cho đồng bào DTTS, trong khi ngân sách gặp khó khăn, đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ để có nguồn kinh phí tạo lập quỹ đất.

Về quy định Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách khung về hỗ trợ đất đai và giao UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS đã bảo đảm tính khả thi phù hợp với thực tiễn...

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐDT Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, sau thời gian làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội thảo đã hoàn thành tốt các nội dung đề ra, đồng thời ghi nhận những đóng góp tại hội thảo, các ý kiến đều rất giá trị, chất lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm, thể hiện sự quan tâm thực chất, trách nhiệm của các đồng chí đối với đối với dự án luật quan trọng có ý nghĩa, tác động lớn tới đồng bào DTTS.

Chủ tịch HĐDT đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Tiểu ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của HĐDT nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại Hội thảo. Trên cơ sở các kết quả đã thực hiện, khẩn trương hoàn thiện nội dung tham gia thẩm tra dự án Luật gửi đến Ủy ban Kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề còn vướng mắc lớn đến chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS để xem xét, cho ý kiến.