Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS

Sỹ Hào - 09:27, 20/03/2023

Ngày 15/3 vừa qua là ngày kết thúc việc lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau thời gian triển khai khẩn trương, nghiêm túc, Ban Soạn thảo đã nhận được nhiều góp ý tâm huyết, chất lượng về những nội dung trọng điểm của dự thảo Luật; trong đó có những kiến nghị xác đáng nhằm tháo gỡ những vướng mắc về đất đai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS thì cần điều chỉnh chính sách “tạo điều kiện” như dự thảo Luật thành chính sách “ưu tiên”. (Ảnh minh họa)
Để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS thì cần điều chỉnh chính sách “tạo điều kiện” như dự thảo Luật thành chính sách “ưu tiên”. (Ảnh minh họa)

Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo luật; đồng thời cũng có nhiều ý kiến nêu lên các nút thắt, bất cập trong chính sách đất đai hiện hành, đồng thời cũng đưa ra nhiều đề xuất giá trị. Trong đó, Ban Soạn thảo nhận được những đề xuất tâm huyết nhằm tháo gỡ những vướng mắc về đất đai hiện nay ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Liên quan đến việc thu hồi đất phải bảo đảm đời sống của người bị thu hồi đất tốt hơn hoặc ít nhất là bằng trước khi bị thu hồi đất, tại Khoản 2 - Điều 89 của dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi phải xây dựng khu tái định cư (TĐC); đồng thời, quy định về các điều kiện để xây dựng các khu TĐC như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của vùng miền.

Các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật cho rằng, để không thiệt thòi cho người dân, thì quy định cần có bổ sung cụ thể hơn. Theo đó, trước khi ra quyết định thu hồi đất thì công tác TĐC phải được thiết lập trước; hạ tầng, kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm phải bảo đảm theo tiêu chuẩn xây dựng, được nghiệm thu bảo đảm theo quy định, được Nhân dân chấp thuận... thì mới ký quyết định cấp TĐC.

Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong cộng đồng DTTS quy định tại Điều 42, có ý kiến đóng góp cho rằng, cần quy định cho phép cộng đồng dân cư sử dụng đất được góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhưng cần có sự trợ giúp pháp lý của cơ quan chuyên môn thẩm định phương án góp vốn. Quy định này là để tránh tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào để chiếm dụng quyền sử dụng đất…

Đặc biệt, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 4 điều khoản quy định riêng cho vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, các chính sách đối với đồng bào DTTS trong các điều luật chưa thể hiện được nguyên tắc “…có đất để sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sinh kế” cho đồng bào (Điều 17). Do đó, về chính sách “tạo điều kiện” như dự thảo Luật, cần sửa thành “ưu tiên” theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Cần quy định rõ các chính sách ưu tiên áp dụng đối với đồng bào DTTS; đồng thời thể hiện rõ các chính sách này ở các điều khoản khác trong dự thảo Luật, nêu rõ đối tượng DTTS, không để chung với nhóm đối tượng khác…

Những ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS. Bởi thực tế, sau khi có Luật Đất đai năm 2013, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí nhiều chương trình nguồn lực đã thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào. Tuy nhiên, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng Nghị quyết và các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, trong đó có đồng bào DTTS.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến trưa 13/3 đã có gần 8.000 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến Nhân dân (https://luatdatdai.monre.gov.vn). Bên cạnh góp ý trực tuyến, trong suốt hơn 2 tháng qua, từ khu dân cư, phường, xã, thị trấn đến cấp quận, huyện, tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức các hội nghị tiếp thu, góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).