Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hội tụ sắc màu văn hóa

Kẻ Sĩ - 10:34, 25/10/2019

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Yên Bái lần thứ III năm 2019 đã khép lại nhưng dư âm của Đại hội vẫn còn đọng trong lòng đồng bào các DTTS. Trong đó, những hoạt động văn hóa đặc sắc diễn ra trong dịp Đại hội sẽ là nguồn cổ vũ để đồng bào nơi đây thêm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tự tin trên con đường phát triển và hội nhập.

Già làng Giàng A Su ngẫu hứng thổi khèn Mông.
Già làng Giàng A Su ngẫu hứng thổi khèn Mông.

Chiếc khèn của tình đoàn kết

Nhìn thấy chiếc khèn Mông được trưng bày ở gian triển lãm của huyện Trạm Tấu trong những ngày diễn ra Đại hội DTTS tỉnh Yên Bái lần thứ III, ông Giàng A Su không kìm nén được cảm xúc. Người đàn ông Mông ở cái tuổi 76 này như sống lại những tháng ngày tuổi trẻ sục sôi. Cầm chiến khèn Mông lên, ông đã thổi và múa gần 2 tiếng đồng hồ. Càng múa, tiếng khèn càng bay bổng, bước đi càng thêm điêu luyện khiến say đắm lòng người.

Là một trong những khán giả của ông Su, chị Cứ Thị Vang, đại biểu đến từ xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu tự hào cho biết, già làng Giàng A Su là một trong những nghệ nhân nổi tiếng ở Trạm Tấu. Già Su trước đây nguyên là Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu nhưng thật gần gũi với người dân. Năm nay, không chỉ già Su mà tất cả đồng bào Mông huyện Trạm Tấu đều vui chung khi già được Chủ tịch nước trao tặng là Nghệ nhân Ưu tú. Tiếng khèn mà già thổi hôm nay khiến chúng tôi cảm thấy rất tự hào về dân tộc mình, tiếng khèn càng khiến chúng tôi ý thức trách nhiệm với văn hóa của cộng đồng.

Không chỉ là biểu tượng cho văn hóa đồng bào dân tộc Mông, chiếc khèn còn trở thành biểu tượng tình đoàn kết các DTTS ở Yên Bái. Già làng Vi Văn Sáng, 75 tuổi, dân tộc Khơ-mú, ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn cũng vui mừng cầm chiếc khèn lên và thổi. Già Sáng cho biết, già rất vui vì được tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Yên Bái lần thứ III. Đây cũng là dịp để đồng bào các DTTS cùng nắm tay nhau thể hiện tình đoàn kết dân tộc. Do đó, chiếc khèn cũng thể hiện tinh thần đoàn kết chung đó.

Hội tụ văn hóa

Không chỉ say đắm trong không gian văn hóa tiếng khèn Mông, đi một vòng quanh các gian triển lãm của đồng bào các DTTS tỉnh Yên Bái, chúng tôi còn thấy tràn ngập sắc màu văn hóa và sản vật dân tộc.

Tới tham gian trưng bày của huyện Trấn Yên, các đại biểu vô cùng thích thú với trang phục các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao… được trưng bày. Cùng với đó là các sản phẩm độc đáo như: miến dao, chè bát tiên, măng tre bát độ…

Bên cạnh gian trưng bày của huyện Trấn Yên, gian trưng bày của huyện Văn Chấn cũng không kém phần đặc sắc. Chị Đặng Thị Yến, dân tộc Thái, cán bộ Trung tâm truyền thông huyện Văn Chấn tự hào cho biết, đây là những sản phẩm được lựa chọn công phu và kỹ lưỡng từ chính vùng đồng bào DTTS. Để có các sản phẩm trưng bày tại Triển lãm Đại hội Đại biểu DTTS tỉnh Yên Bái, cán bộ huyện Văn Chấn đã phải chuẩn bị từ 3 tháng trước, mọi người tỏa về các vùng đồng bào DTTS “săn lùng” các sản vật như: gạo Séng Cù, chè Suối Giàng, đá quý…Những sản phẩm này chính là tấm lòng trân quý mà đồng bào DTTS trong huyện gửi tới Đại hội.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Trưởng Ban tổ chức Đại hội cho biết, để không khí Đại hội thêm phần ý nghĩa, Ban Chỉ đạo đã tổ chức, trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc sản truyền thống vùng DTTS. Theo đó, các huyện đã tổ chức 8 gian hàng, trưng bày trên 120 sản phẩm, gồm: 86 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc sản truyền thống vùng DTTS (hầu hết là các sản phẩm đang được đề nghị cấp chứng nhận sản phẩm OCOP); trên 16 sản phẩm là sản vật về văn hóa, xã hội đặc trưng các dân tộc; trên 6 loại trang phục đặc trưng của đồng bào DTTS đặc trưng.

Ông Nguyễn Văn Khánh cho biết thêm, các gian trưng bày này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các đại biểu tới tham dự Đại hội. Qua đó, giúp cho đồng bào thêm tự hào, tự tin, tự trọng về văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, giúp họ có thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.