Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Họp báo Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022

Văn Hoa - 18:14, 11/11/2022

Sáng 11/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Họp báo Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022 và “Liên hoan trình diễn trang phục các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022”.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung thông tin tại buổi Họp báo
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung thông tin tại buổi Họp báo

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Đoàn Văn Việt; Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung; Quyền Trưởng Ban Quản lý làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung đồng chủ trì buổi Họp báo.

Theo thông tin tại buổi Họp báo, Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần “ Đại đoàn kết các dân tộc Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022 và “Liên hoan trình diễn trang phục các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022” sẽ diễn ra lúc 20h00 ngày 18/11/2022, tại Sân khấu Nổi, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam).

Đây là hoạt động mang tính điểm nhấn cho các hoạt động hướng tới Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống - Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thiết thực chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11); là dịp để thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.

Quang cảnh buổi Họp báo
Quang cảnh buổi Họp báo

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra ngày 18/11/2022 (thứ Sáu) tại Không gian các làng dân tộc I, II, III với nhiều nội dung hấp dẫn. Điểm nhấn văn hóa là sắc màu văn hóa của các cộng đồng dân tộc hoạt động tại Làng, thể hiện sự hội tụ, sức mạnh khối Đại đoàn kết, kết tinh trong giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và khai mạc các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”.

Dự kiến hơn 200 đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày và được huy động về tham gia Tuần “Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” và khoảng hơn 100 đồng bào các dân tộc là đại diện các gia đình, Người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, trí thức, con em của 15 đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng: Dân tộc Dao (TP. Hà Nội), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Tày (Thái Nguyên), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Khơ Mú (Điện Biên) dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Ba Na, Gia Rai (Gia Lai), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Raglay (Ninh Thuận), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Khmer (Sóc Trăng).

 Sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đậm sắc màu dân tộc tại Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022
Sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đậm sắc màu dân tộc tại Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022

Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022 với chủ đề “Sắc màu trang phục truyền thống các DTTS khu vực phía Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, diễn ra từ ngày 18 - 20/11/2022 (3 ngày). Trong khuôn khổ Chương trình sẽ có nhiều hoạt động như: Hội nghị Gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS khu vực phía Bắc; hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; trình diễn trang phục dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và trình diễn thêu, dệt thủ công trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc; triển lãm trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc; tổ chức tái hiện không gian Chợ phiên khu vực miền núi phía Bắc.

Liên hoan là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị trang phục và văn hóa truyền thống các DTTS Việt Nam tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch; khơi dậy khát vọng, niềm tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng vùng đồng bào DTTS được giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.