Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

HTX Na Sang II với thổ cẩm dân tộc Lào

PV - 14:45, 14/01/2019

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa tháng 01 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Lào đến từ bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã giới thiệu những tinh hoa nghề dệt thổ cẩm truyền thống-niềm tự hào của người phụ nữ dân tộc Lào đến với công chúng.

thổ cẩm Dệt vải là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Lào.

Dân tộc Lào ở tỉnh Điện Biên có nghề dệt truyền thống từ lâu đời. Vải dệt được làm ra nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình, các sản phẩm được làm từ vải dệt như: trang phục, vỏ đệm, vỏ gối, vỏ chăn, túi đeo, khăn... Nghề dệt gắn bó mật thiết trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Lào.

Chị Lò Thị Thu, bản Na Sang II chia sẻ: “Hình ảnh người mẹ ngồi bên khung dệt in sâu trong tâm thức của tôi từ những ngày còn nhỏ. Khi lên 12 tuổi, tôi đã tự dệt được những chiếc váy, chiếc túi cho mình. Là phụ nữ dân tộc Lào, ai cũng phải biết dệt thì mới lấy được chồng. Vào ngày cưới, người phụ nữ phải tặng cho bố mẹ chồng, anh chị em chồng những món quà tự mình làm như: váy, chăn, đệm… Cứ thế, nghề dệt của dân tộc Lào được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Lào chứa đựng sắc thái văn hóa riêng. Vì vậy, việc bảo tồn và truyền dạy một số công đoạn trong nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào như: trồng bông, xe sợi, nhuộm màu… là rất quan trọng để tạo ra được một sản phẩm đẹp mắt, chất lượng tốt, thuận lợi khi sử dụng, có giá trị cao.

Được biết, năm 2004 tổ chức JICA của Nhật Bản xây dựng Dự án Hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Na Sang II. Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Na Sang II cũng được thành lập với 30 thành viên. Vào khoảng thời gian này, sản phẩm thổ cẩm có nhiều nơi thu mua, đặt hàng, mang lại hy vọng cho làng nghề được phục hồi. Tuy nhiên, năm 2010, Dự án Hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm của JICA kết thúc. Do không biết cách tìm kiếm thị trường, mẫu mã làm ra không phù hợp, sức cạnh tranh yếu, nên sản phẩm thổ cẩm làng nghề làm ra ngày càng khó tìm nơi tiêu thụ.

Trước tình cảnh làng nghề ngày càng mai một, là người yêu nghề, tâm huyết với giá trị văn hóa của dân tộc, chị Lò Thị Viên, ở bản Na Sang II thường xuyên đến các nhà trong bản vận động tranh thủ thời gian nông nhàn để làm nghề. Chị đã đi tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Từ năm 2015 đến nay, sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào đã bắt đầu có những đơn hàng từ nhiều nơi đặt. Năm 2018 vừa qua, tổng doanh thu của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Na Sang II đạt trên 500 triệu đồng, giúp đời sống các hộ gia đình thành viên trong Hợp tác xã được nâng cao.

Hiện nay, các gian hàng tham gia hội chợ ở tỉnh Điện Biên và các thành phố lớn trong cả nước đã xuất hiện các sản phẩm thổ cẩm của người dân tộc Lào, bản Na Sang. Các sản phẩm thổ cẩm của bản Na Sang không chỉ là những chiếc váy, chiếc khăn mà đã đa dạng mẫu mã, kết hợp tinh tế giữa truyền thống với hiện đại, được mọi người ưa chuộng. Vì vậy, giá sản phẩm cũng được nâng lên, nhiều đơn đặt hàng cũng đã tự tìm đến bản làng Na Sang II.

Mặc dù nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Lào bắt đầu tìm được hướng đi riêng cho mình, tuy nhiên đó vẫn là giải pháp mang tính tạm thời chứ chưa thực sự bền vững. Vì vậy, cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành có những biện pháp cụ thể xây dựng thương hiệu cho làng nghề phát triển bền vững để có thể lưu giữ được làng nghề trước nguy cơ mai một.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.