Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

HTX Thuận Phát góp phần giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân

Mỹ Quyên - 06:13, 31/10/2023

Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng Hợp tác xã (HTX) Thuận Phát, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong trồng nấm theo hướng an toàn, góp phần tạo sinh kế cho hộ dân đồng bào DTTS cải thiện thu nhập.

Các bạn trẻ giới thiệu sản phẩm nấm của HTX Thuận Phát
Các bạn trẻ giới thiệu sản phẩm nấm của HTX Thuận Phát

Xã Tràng Phái có trên 799 hộ, trong đó 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Nùng. Người dân chủ yếu phát triển kinh tế từ nông nghiệp. Nhận thấy trên địa bàn xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng nấm, năm 2016, bà Triệu Thị Lý đã đăng ký thành lập Tổ hợp tác trồng nấm với 7 thành viên. Sau nhiều năm thực hiện, mô hình phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế. Đến tháng 7/2022, từ tổ hợp tác, bà đã đăng ký thành lập HTX trồng nấm theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn với 10 thành viên.

Để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, sạch và an toàn, năm 2022, HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất nấm rộng 2.500 m2 với kinh phí 2 tỷ đồng, bao gồm: hệ thống lò hơi, phòng bảo ôn, lò hấp thanh trùng, hệ thống tưới phun sương tự động. Với cơ sở vật chất đầy đủ, toàn bộ quá trình sản xuất nấm được thực hiện trong nhà xưởng.

Đồng thời, HTX còn chú trọng đến quy trình sản xuất, tuân thủ từng công đoạn, từ nguyên vật liệu, giống, sấy hấp, chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm. Cụ thể, trước tiên, các thành viên HTX phải xử lý nguyên liệu trồng nấm bằng nước vôi, sau đó, đem vào phòng hấp thanh trùng, đối với nấm rơm nhiệt độ phải đạt 72 độ C và nấm sò phải từ 100 độ C trở lên nhằm loại bỏ các mầm bệnh. Tiếp đó, các thành viên HTX bắt đầu vào giống, nuôi tơ và thu hái. Trong thời gian đó cần đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm phù hợp thì nấm mới đạt năng suất cao.

Bà Triệu Thị Lý, Giám đốc HTX kiểm tra phôi nấm
Bà Triệu Thị Lý, Giám đốc HTX kiểm tra phôi nấm

Đến đầu năm 2023, HTX đã được Công ty Cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO cấp giấy chứng nhận phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong lĩnh vực trồng trọt. Do vậy, từ khi trồng cho đến thu hoạch không sử dụng thuốc kích thích, chất bảo quản nên loại bỏ được sâu bệnh ngay từ đầu, sản phẩm cung ứng ra thị trường đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vào mùa Hè, trung bình một ngày, HTX sẽ thu hoạch và tiêu thụ khoảng 70 kg/ngày. Còn vào mùa Đông, HTX tiêu thụ khoảng 2 tạ/ngày, thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Doanh thu từ đầu năm 2023 đến nay đạt trên 500 triệu đồng, dự kiến hết năm đạt khoảng 1,2 tỷ đồng, thu nhập các thành viên HTX đạt 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nông Thị Đại, thành viên HTX cho biết: “Từ khi tham gia hoạt động trong HTX, tôi có nguồn thu nhập cao và ổn định, trung bình đạt 8 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, tôi có điều kiện để chăm lo cuộc sống gia đình. Ngoài ra, tôi còn được hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm, từ đó có thêm kiến thức để thời gian tới đưa nấm về trồng tại hộ gia đình”.

Thời gian tới, HTX tiếp tục xây đầu tư, xây dựng thêm 2 dãy phòng bảo ôn để trồng nấm rơm và trồng thêm các loại nấm: linh chi, mộc nhĩ. Đồng thời, tận dụng bã nguyên sau khi thu hoạch nấm để sản xuất phân hữu cơ, cung ứng cho bà con nông dân trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên HTX.

Thành viên HTX kiểm tra phôi nấm, đóng gói sản phẩm
Thành viên HTX làm sạch nấm, trước khi đóng gói sản phẩm

Đánh giá về mô hình trồng nấm, ông Chu Văn Vượng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Mặc dù mới thành lập nhưng HTX Thuận Phát đã hoạt động ổn định và có hiệu quả, tạo thu nhập cho các thành viên, là động lực để mở rộng, phát triển các mô hình kinh tế trên địa bàn xã nói riêng và toàn huyện nói chung. Đầu năm 2023, nấm rơm của HTX đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao, góp phần quan trọng hình thành đa dạng các sản phẩm tại địa phương.

Với hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, thời gian qua, HTX Thuận Phát đã phát huy vai trò của kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, hoạt động của HTX không chỉ cải thiện đời sống của các thành viên mà còn góp phần thay đổi nhận thức về hình thức tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, hình thành chuỗi giá trị liên kết, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tin cùng chuyên mục
Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2050 là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng. Với lợi thế chủ yếu sản xuất nông nghiệp thì mục tiêu này là tương đối cao; nhưng từ những thành tựu phát triển đã đạt được và sự đột phá trong tư duy, tỉnh Hậu Giang sẽ hiện thực hóa khát vọng này.