Các bệnh gà thường gặp khi giao mùa
Bệnh Newcastle: Bệnh Newcastle hay còn gọi là bệnh “dịch tả gà”, do virut Newcastle là loại ARN virut gây ra, là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan mạnh của loài gà.
Gà nung bệnh từ 5-6 ngày và biểu hiện lờ đờ, kém ăn, uống nhiều nước ngực ướt, thở khó, ho. Phân lỏng màu xanh trắng có mùi tanh khẳm, đôi khi có máu, hậu môn phân ướt dính bết. Mào tím, có thể phù nề quanh đầu. Gà đẻ giảm sản lượng trứng, trứng có vỏ mềm. Tỷ lệ chết tăng dần và đạt tới 50 - 90% tùy theo đàn. Một số con không chết có triệu chứng động kinh, quay tròn, đầu rúc vào bụng.
Bệnh này không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh. Phòng bệnh sử dụng vaccine Lasota nhỏ mắt mũi lần 1 cho gà 5-7 ngày tuổi, sau 2 tuần nhỏ lần 2, tiêm vaccine lần 3 cho gà lúc 16-18 tuần tuổi. Nếu nuôi gà sinh sản thì tiêm nhắc lại trước khi gà vào đẻ. Nếu đàn gà bị dịch, xác gà phải chôn sâu, rắc vôi. Khu chuồng nuôi phun sát trùng kỹ bằng hóa chất và rắc vôi sau đó để chuồng nghỉ 1 - 2 tháng mới nuôi tiếp.
Tuy nhiên phát hiện bệnh sớm thì tiêm kháng huyết thanh cho toàn đàn, nếu gà khỏe dần lên và không chết thì sau đó 7 - 8 ngày phải tiêm vacxin Newcastle hệ 1 ngay theo quy trình sử dụng vaccine. Dùng thuốc bồi dưỡng tăng cường sức đề kháng như B-complex, Vitamin C, Vitamin tổng hợp, men tiêu hóa, chất điện giải... liều theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc.
Bệnh cúm gia cầm: Bệnh cúm gia cầm do vi rút Influenza A gây nên, đây là chủng vi rút có độc lực mạnh rất nguy hiểm, thường gây bệnh nặng và xảy ra ở tất cả các loại gia cầm, làm gia cầm chết hàng loạt. Bệnh có thể lây sang người.
Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 7 ngày. Nhiều gà ốm và chết đột ngột. Gà bệnh có biểu hiện thần kinh, mệt mỏi, nằm ủ rũ, đầu gục xuống và đi loạng choạng, kém ăn, khát nước nhiều. Đầu, mặt phù nề, sưng mọng, mí mắt viêm, chảy nước mắt và nước mũi, mào tích dày lên do thủy thủng, có nhiều điểm xuất huyết. Vùng da trụi lông tím tái, lông xơ xác, khuỷu chân và bên ngoài bàn chân, da chân có xuất huyết lốm đốm, tiêu chảy mạnh, phân lỏng (lúc đầu có màu xanh sáng, sau là màu trắng) và hậu môn chảy máu.
Bà con cần tiêm vaccine H5N1, cách ly chăn nuôi tốt, đảm bảo nguồn con giống sạch bệnh, bổ sung các loại vitamin, khoáng với một trong những sản phẩm sau: Vime-Glucan: 5g/2 kg thức ăn; Vimix plus: 1g/7 kg thể trọng hoặc 1g/1-1,2 lít nước; Aminovit: 1g/10 lít nước. Phun thuốc sát trùng 2- 3 lần/tuần (tùy quy mô và mật độ nuôi) để diệt trừ mầm bệnh ở ngoài môi trường, áo quần, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển: VimeIodine: 15 ml/4 lít nước hoặc Vimekon: 10g/2lít nước.
Bệnh viêm đường hô hấp mãn tính (CRD): Bệnh hô hấp mãn tính do vi khuẩn Mycoplasma Gallisepticum gây nên. Bệnh gây viêm thanh dịch có fibrin ở niêm mạc mũi, niêm mạc đường hô hấp trên và các thành túi hơi.
Gà con những ngày đầu bị bệnh thấy dịch chảy ra ở mũi, mắt, lúc đầu trong sau đặc lại và nhầy trắng. Gà ho, thở khò khè về đêm, ăn ít, gầy ốm. Ở gà lớn thở khò khè, chậm lớn, đẻ giảm, trứng đổi màu, vỏ xù xì.
Bà con cần tiêm vắc-xin dưới da cho gà bố mẹ từ 35 - 40 ngày tuổi. Điều trị bệnh: Dùng Tiamulin phòng bệnh 1g/8 lít nước uống 3 ngày/tuần, gà đẻ uống 1 tuần/tháng, liều chữa dùng liều gấp đôi liều phòng và uống trong 3 – 5 ngày. Ngoài ra nếu dùng Tylosin phòng bệnh 1g/4 lít và chữa dùng liều 1g/2 lít nước, điều trị 3 - 5 ngày. Các thuốc khác cũng tốt như Gentamycin, Gentadox, Tetramycin. Kết hợp uống B.complex và cải thiện môi trường nuôi gà, giảm mật độ và giữ ấm khi trời mưa, lạnh.
Bệnh tụ huyết trùng: Bệnh tụ huyết trùng gia cầm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính của gia cầm, do vi khuẩn Pasteurell Aviseptica gây ra. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, những thời điểm giao mùa. Bệnh thường xảy ra lẻ tẻ, tỷ lệ ốm không cao nhưng chết rất cao.
Giai đoạn cấp tính gà chết đột ngột với tỷ lệ cao. Chúng có trạng thái mỏi mệt, mào tím tái, đi lại chậm chạp, liệt chân hay liệt cánh. Phân ỉa chảy thất thường có màu trắng loãng hoặc trắng xanh, đôi khi có máu tươi, thở khó, chảy nước mũi. Giai đoạn 4 - 5 ngày tích sưng, mũi sưng, viêm khớp và bại liệt, viêm kết mạc.
Cần tiêm phòng bằng vắc-xin theo quy trình. Ngoài ra phòng bằng kháng sinh dùng một trong các loại sau: Cosumix 2g/lít nước, Tetracylin 1g/4 lít, Flumequin, Sunfamerazin, Sunfaquynoxalin liều 20mg/kg thể trọng (hoặc 1 g/lít nước). Cần chú ý vệ sinh chuồng và dụng cụ để giảm khí độc và mật độ vi khuẩn có trong chuồng nuôi.
Các thuốc trên dùng tăng liều gấp đôi và sử dụng từ 3-5 ngày, ngoài ra nếu bệnh nặng tiêm Gentamycin kết hợp Ampicillin tiêm bắp 50mg/kg thể trọng trong 3 ngày. Danotryl 2ml/lít nước hoặc Doxyt fort 1g/lít nước.
Các biện pháp phòng, chống bệnh cho gà
Vệ sinh dọn dẹp chuồng trại: Đây là yếu tố quan trọng trong việc phòng chống bệnh. Chuồng gà phải được vệ sinh dọn dẹp sạch sẽ, thông thoáng, cung cấp đủ oxy cho đàn gà. Cần loại bỏ phân và thay đổi lót chuồng đều đặn để ngăn bệnh E.coli và sốt xuất huyết ở gà.
Chuồng trại cần được đảm bảo luôn khô ráo, có biện pháp xử lý chất thải khoa học, sát khuẩn định kỳ xung quanh khu vực chuồng trại. Bà con cần duy trì độ ẩm thích hợp và đảm bảo không khí trong lành cho chuồng trại.
Sử dụng thuốc thú y chất lượng: Để đảm bảo sức đề kháng cho đàn gà và phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, bên cạnh việc cung cấp thức ăn đủ chất khoáng, vitamin, chất đạm, rau xanh thì việc sử dụng thuốc thú y chất lượng là điều quan trọng.
Tiêm phòng vaccine: Thực hiện việc tiêm phòng vaccine phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y, đặc biệt vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan nhanh như cúm gia cầm… Việc tiêm phòng cần thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật như bảo quản vaccine, liều lượng, thời gian tiêm… để có hiệu quả cao sau khi tiêm phòng.
Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi bị ốm để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan. Đặc biệt với các bệnh đường hô hấp và tiêu hoá cần chủ động cho vật nuôi uống thuốc ở liều phòng bệnh khi thời tiết thay đổi.
Chủ động khai báo khi có dịch với chính quyền địa phương, không dấu dịch, không bán chạy, giết mổ gia súc, gia cầm bệnh, ném xác gia súc gia cầm bệnh ra môi trường làm dịch lây lan. Khai báo với ban thú y địa phương để được kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc điều trị và hỗ trợ thuốc sát trùng khi cần thiết.
Ngoài ra bà con cần chú ý chăm sóc nuôi dưỡng bằng cách cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, dễ tiêu, phù hợp với lứa tuổi của đàn vật nuôi. Bổ sung điện giải Bcomlex, vitamin, men tiêu hóa nhằm nâng cao sức đề kháng cho con vật.
Đối với gà con ở giai đoạn úm tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Lưu ý, khi tiến hành đưa gà vào úm thì pha Vitamin C cùng chất Electrotyle cho gà uống. Gà được 2 ngày tuổi cho gà ăn tấm, các loại bột ngô được nghiền nhỏ. Ngày thứ 3 thì đổi sang thức ăn công nghiệp, cám hỗn hợp dạng viên. Ðể phòng bệnh nên trộn loại thuốc cầu trùng vào trong thức ăn hàng ngày, cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Khi gà đang còn nhỏ thì nên làm lồng úm để đảm bảo cho sự phát triển của gà tốt nhất. Sử dụng các cót tre quây lại, rải thêm lớp trấu lên trên nền chuồng để tạo độ ấm cúng. Kích thước thích hợp 2 x 1 m, chân cao 1/2 m đủ cho 100 con gà. Ánh sáng cần đảm bảo và rộng khắp để tránh gà tập trung một chỗ, tốt nhất nên sử dụng 2 bóng 75W.
Khi bắt đầu nuôi bà con cũng cần chọn giống gà có nguồn gốc rõ ràng, địa chỉ đáng tin cậy. Ðặc điểm của những gà con đạt tiêu chuẩn như chân gà cứng, thẳng, tác phong nhanh nhẹn, không cong ngón chân; mắt gà tròn; lông bông phủ kín thân, mang màu lông đặc trưng; rốn khô, bụng thon mềm…
Trong quá trình nuôi cần cho gà ăn thức ăn sạch cung cấp đầy đủ các chất khoáng, vitamin, chất đạm, kết hợp các loại rau xanh, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp theo lứa tuổi. Cho vật nuôi uống nước sạch, đủ nước, hạn chế nước vương vãi ra nền chuồng.