Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học

Cát Tường (T/h) - 14:23, 21/09/2021

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới ban hành Thông tư số 25/2021/TT- BGDĐT hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thông tư này hướng dẫn việc tổ chức triển khai đào tạo trình độ tiến sỹ, thạc sỹ theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030, bao gồm những quy định chung; điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn, quyền và trách nhiệm của người học; yêu cầu và tiêu chí xét chọn cơ sở đào tạo, trách nhiệm và quyền hạn của cơ sở cử đi học, cơ sở đào tạo, cụ thể:

Về chính sách hỗ trợ người học

Tại Điều 4 của Thông tư 25/2021/TT- BGDĐT quy định cụ thể; Trong đó, kinh phí hỗ trợ người học được nêu rõ đối với từng hình thức đào tạo: tập trung toàn thời gian trong nước; tập trung toàn thời gian ở nước ngoài; liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ. Không bao gồm chi phí đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ (nếu có) cho người học trước khi nhập học.

Thời gian nhận kinh phí hỗ trợ không quá 4 năm (48 tháng) với người học tiến sĩ và không quá 2 năm (24 tháng) với người học thạc sĩ.

Về trách nhiệm của người học

Trách nhiệm của người học là phải hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn và được cấp bằng tiến sĩ, bằng thạc sĩ theo quy định của cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Quyết định 89/QĐ-TTg, trong thời gian học tập, nghiên cứu hoặc chậm nhất trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp, người học tiến sĩ phải công bố kết quả nghiên cứu liên quan trực tiếp tới đề tài luận án.

Người học tiến sĩ các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục thể thao có thể thay thế công bố khoa học bằng 1 giải thưởng chính thức của các cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

Quay trở về cơ sở cử đi ngay sau khi tốt nghiệp và làm việc trong thời gian tối thiểu theo quy định của: Nghị định số 143/2013/NĐ-CP quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo đối với người học không phải là công chức, viên chức (Nghị định 143); Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định 101) đối với người học là công chức, viên chức và các quy định hiện hành khác có liên quan.

Trách nhiệm của cơ sở cử đi đào tạo

Tại Điều 10 Thông tư quy định trách nhiệm của cơ sở cử đi, từ xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng tạo nguồn, ban hành quy định chi tiết về việc tuyển chọn giảng viên đi học theo Đề án đến tổ chức tuyển chọn công khai, minh bạch và bảo đảm công bằng, chịu trách nhiệm giải trình.

Cơ sở cử đi phải phối hợp với cơ sở đào tạo quản lý, hỗ trợ người học trong quá trình học tập và nghiên cứu; tiếp nhận, phân công công tác đối với người học đã tốt nghiệp chương trình đào tạo trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ thời điểm người học hoàn thành chương trình đào tạo và đôn đốc người học thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ đã cam kết.

Cơ sở cử đi phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện thủ tục chi trả kinh phí hỗ trợ người học; chịu trách nhiệm về số liệu, thông tin liên quan tới người học trong quá trình học tập, nghiên cứu...

Thông tư có hiệu lực từ ngày 24/10/2021, thay thế Thông tư số 35/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định đào tạo trình độ tiến sĩ (Thông tư 35) theo Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 -2020” được phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-TTg (Đề án 911). Những đối tượng đã được tuyển chọn và đi học tiến sĩ theo Thông tư 35 tiếp tục thực hiện quy định của Thông tư 35 cho đến khi hoàn thành chương trình đào tạo. 

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.