Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hương sắc Tây Nguyên trên những tà áo dài Việt

Ngọc Thu - 22:49, 26/03/2023

Mới đây, sự kiện trình diễn đặc sắc “Áo dài Việt - Hương sắc Tây Nguyên” diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, tỉnh Gia Lai... đã cho thấy sức sống từ phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS, trong đó có di sản thổ cẩm Tây Nguyên luôn có sức sống mạnh mẽ trong đời sống đương đại.

 “Áo dài Việt - Hương sắc Tây Nguyên” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết là sự kiện trình diễn đặc sắc, khơi nguồn cảm hứng để phụ nữ sáng tạo, tôn vinh nét đẹp của tà áo dài Việt gắn với di sản văn hóa Tây Nguyên
“Áo dài Việt - Hương sắc Tây Nguyên” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết là sự kiện trình diễn đặc sắc, khơi nguồn cảm hứng để phụ nữ sáng tạo, tôn vinh nét đẹp của tà áo dài Việt gắn với di sản văn hóa Tây Nguyên

Nếu như áo dài xưa chỉ được may bằng các chất liệu như lụa tơ tằm, thì ngày nay, áo dài được biến tấu linh hoạt, hài hòa, đặc sắc với chất liệu và hoa văn thổ cẩm của các dân tộc Tây nguyên. Tại Gia Lai, bằng kinh nghiệm và đôi bàn tay kéo léo của những nữ nghệ nhân Ba Na, Gia Rai, các chị đã đưa họa tiết thổ cẩm lên tà áo dài, với các hoa văn truyền thống của dân tộc mình một cách sống động, bắt mắt; vừa mang vẻ đẹp mộc mạc và huyền bí của thổ cẩm, nhưng vẫn giữ được nét uyển chuyển, thướt tha của tà áo dài Việt Nam.

Những chiếc áo dài thổ cẩm không chỉ trong cuộc sống hằng ngày, mà còn được ưu tiên trình diễn tại nhiều sự kiện. Đặc biệt, mới đây, người dân phố núi Pleiku đã thật sự ấn tượng, mãn nhãn trước sự kiện lần đầu tiên trình diễn đặc sắc “Áo dài Việt - Hương sắc Tây Nguyên” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết.

Bằng sự thể hiện của 40 diễn viên không chuyên, đã tái hiện một vùng đất Gia Lai nắng gió đậm đà bản sắc dân tộc. Sự kết hợp giữa áo dài và thổ cẩm không chỉ mang đến những cảm xúc mới mẻ, mà còn tôn vinh bản sắc văn hóa, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo bền bỉ của các nghệ nhân Tây Nguyên trong gìn giữ và phát huy tinh hoa nghề dệt truyền thống. Đồng thời, khơi nguồn cảm hứng để phụ nữ sáng tạo, tôn vinh nét đẹp của tà áo dài Việt gắn với di sản văn hóa Tây Nguyên.

Trong trang phục áo dài thổ cẩm truyền thống đồng bào Ba Na, chị Đinh Thị Oai (huyện Kbang) tự hào nói: Được khoác lên mình chiếc áo dài họa tiết, hoa văn đặc trưng của thổ cẩm dân tộc Ba Na, trình diễn trước đông đảo mọi người, chị vô cùng tự hào. Và càng tự hào hơn, khi trong rất nhiều bộ áo dài thổ cẩm rất đẹp và đặc sắc, áo dài thổ cẩm Ba Na đã đạt danh hiệu “Trang phục áo dài thổ cẩm đặc sắc nhất”. 

"Tôi sẽ cố gắng đóng góp một phần công sức của mình để cùng bảo tồn và phát huy áo dài truyền thống và giá trị văn hoá thổ cẩm của phụ nữ Ba Na nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung”, chị Oai nói.

Phụ nữ sải bước tự tin trình diễn trong trang phục áo dài thổ cẩm Tây Nguyên
Tự tin trong trang phục áo dài thổ cẩm Tây Nguyên

Bà Nguyễn Thị Lệ (Nhà may Trúc Lệ, Tp. Pleiku) chia sẻ: Áo dài thổ cẩm là sự kết hợp giữa tính dân tộc và biểu tượng văn hóa Việt Nam nên có thể ứng dụng rộng rãi để giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Chất liệu thổ cẩm tuy không có độ mềm, nhưng vẫn có thể ứng dụng họa tiết, hoa văn thổ cẩm trên nền những chất liệu khác nhau để thiết kế các kiểu dáng trang phục độc đáo. Đây sẽ là sự khơi nguồn cho các nhà thiết kế thời trang, nhà sản xuất trong ngành Dệt may. Từ đó, những giá trị đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên có cơ hội vươn xa, được quảng bá rộng rãi hơn.

Thổ cẩm là tinh hoa của nghề dệt truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Mỗi tấm thổ cẩm, là một tác phẩm nghệ thuật bởi tính độc bản, độc đáo và ghi dấu ấn cá nhân của nghệ nhân tài hoa. Khi kết hợp với áo dài - di sản văn hóa Việt Nam, thổ cẩm càng nổi bật với vẻ đẹp riêng có. Không chỉ dừng ở áo dài, trong nhịp sống hiện đại hôm nay, các hoa văn, họa tiết Tây Nguyên trong thổ cẩm còn được ứng dụng vào các trang trí khác của đời sống như: trang phục váy cưới, trang trí công sở, quà lưu niệm… 

Đối với thế hệ trẻ DTTS đam mê thổ cẩm, ngoài việc sử dụng khung cửi, họ còn sử dụng máy may để gắn hoạ tiết thổ cẩm trên nhiều chất liệu vải khác nhau
Đối với thế hệ trẻ DTTS đam mê thổ cẩm, ngoài việc sử dụng khung cửi, họ còn sử dụng máy may để gắn hoạ tiết thổ cẩm trên nhiều chất liệu vải khác nhau

Đối với lớp người trẻ như R’Com H’Sonh (huyện Đak Đoa), lớn lên trong gia đình Ba Na đã sớm quen với khung cửi. Không chỉ đơn thuần là những bộ váy áo truyền thống, mà H’Sonh còn cùng chị em trong làng biến tấu thổ cẩm trên nền trang phục hiện đại, với những họa tiết tinh xảo, hoa văn thổ cẩm vô cùng phong phú. 

Ngoài ra, chị H’Sonh còn sử dụng máy may để gắn họa tiết thổ cẩm trên nhiều chất liệu vải khác nhau. Chị H’Sonh cho biết: Chất liệu thổ cẩm có thể may trên áo dài, đầm, váy cô dâu… để thiết kế các kiểu dáng trang phục đặc sắc. Những sản phẩm do nhóm mình làm ra được rất nhiều khách hàng tìm đặt. Dân trong làng cũng chọn trang phục cô dâu hoặc các trang phục lịch sự bằng chất liệu thổ cẩm truyền thống để diện đám cưới, đám hỏi…

 Không chỉ dừng ở áo dài, các hoa văn, họa tiết thổ cẩm Tây Nguyên còn được ứng dụng, thiết kế trên trang phục váy cưới, đầm tiệc...
Không chỉ dừng ở áo dài, các hoa văn, họa tiết thổ cẩm Tây Nguyên còn được ứng dụng, thiết kế trên trang phục váy cưới, đầm tiệc...

Bà Rơ Chăm H’Hồng - Chủ tịch Hội phụ nữ Gia Lai cho biết thêm: Thật vui mừng khi hoa văn, họa tiết thổ cẩm truyền thống của hai dân tộc Ba Na, Gia Rai của tỉnh đã được ứng dụng trang trí trên nền áo dài truyền thống. 

"Tôi mong muốn, phụ nữ Gia Lai sẽ cùng với phụ nữ cả nước gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua hình ảnh chiếc áo dài; đồng thời phát huy khả năng sáng tạo để vừa tôn vinh trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam vừa tôn vinh sắc màu thổ cẩm - nét đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên", bà Rơ Chăm H’Hồng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.