Nhà ngoại tôi nơi miền quê, chợ nhóm (họp) trước ánh bình minh. Thuở nhỏ, tôi thích lắm những ngày cận Tết được theo ngoại đi chợ. Khác hẳn với những ngôi chợ ở Sài Gòn họp từ sáng tới khuya, chợ quê họp từ bốn giờ sáng đến khoảng tám giờ là tan. Những ngày cận Tết, chợ tan trễ hơn nhưng muốn thưởng thức cái không khí Tết thì phải rọi đèn pin soi đường đi từ rất sớm, qua mấy chiếc cầu lắt lẻo, thưởng thức cơn gió trong lành quyện hương hoa đồng cỏ nội mùa Xuân.
Ngoại tôi có nuôi nhiều vuông tôm, cá kèo... Ngày cận Tết, nước lớn mênh mông, những chiếc xà ngôm thu hoạch đầy cá kèo, tép bạc đất, bạc thẻ... Bà ngoại và tôi phải đi từ bốn giờ sáng để mang tôm, cá cân bán cho thương lái, xong tôi được tung tăng cùng chợ quê ngày Tết. Bao nhiêu năm vẫn thế, nhưng tôi cứ mê mẩn với những gian hàng quen thuộc.
Vừa qua khỏi cầu sắt lót ván gỗ đóng đinh, tôi đã ngửi thấy mùi hoa cúc vạn thọ ngào ngạt thơm, với tôi đây là hương Tết. Cúc vạn thọ là hoa Tết của xóm làng quê ngoại tôi. Ngày Tết, nhà nào cũng chưng những chậu vạn thọ trước thềm. Có nhà còn trồng đầy cả vạt sân, hương đượm cùng nắng gió mùa Xuân, sắc màu tươi sáng, rực rỡ của hoa đã khoác lên vùng quê chiếc áo mới giản dị, mộc mạc, gần gũi, yêu thương. Ngoại nói: "Hoa cúc vạn thọ rất ý nghĩa trong mùa Xuân, tượng trưng sự trường thọ và sum họp, đủ đầy".
Nối tiếp hoa là những vựa dưa hấu được chất cao thành đống sau khi chuyển từ dưới ghe lên bến sông ngay đầu cầu, những chiếc xe lôi đạp chở dập dìu hoa và dưa. Nhiều chủng loại, kiểu dáng của dưa hấu được bày bán, dưa ăn và dưa bày Tết. Những trái dưa được cắt làm mẫu đỏ thắm để trên đống dưa trông rất hấp dẫn, tạo lòng tin cho người mua. Theo phong tục của người Việt, bày dưa hấu trong ngày Tết còn mang ý nghĩa cầu tài lộc, may mắn, thịnh vượng cho gia đình. Ngoại tôi nói: “Dưa để bày trong ngày Tết phải chọn quả tròn to, vỏ xanh mướt, tươi bóng. Sự may mắn tràn đầy được thể hiện ở sắc đỏ của ruột dưa, sắc xanh tươi của vỏ, thể hiện niềm vui, hạnh phúc luôn hiện hữu, vị ngọt thanh mát là hương vị tình cảm của gia đình”.
Đi chợ Tết không chỉ là thói quen hay nhu cầu cần thiết mà còn chứa đựng cả tiềm thức và văn hoá. Tôi muốn ôm mùa Xuân quê ngoại vào lòng, nâng niu nét văn hóa truyền thống Tết cổ truyền của dân tộc Việt.
Không khí mùa Xuân đặc biệt nổi bật ở chợ quê là gian hàng bán tranh Tết. Gọi là gian hàng nhưng chỉ là chiếc chiếu trải trên nền đất, vài sợi dây sào buộc xung quanh cọc tre treo những bức tranh dân gian với nhiều hình ảnh, màu sắc hồn hậu. Tranh Tết là món ăn tinh thần quen thuộc trong mỗi gia đình của người dân quê tôi. Tranh nhỏ thì treo trên dây, tranh bản giấy to thì xếp chồng lên nhau bày trên mặt chiếu. Mọi người xúm xít chọn lựa, tiếng trầm trồ khen ngợi, tiếng góp ý bình luận đan xen tạo thành một không gian sôi động. Bà ngoại cũng dẫn tôi ghé vào chọn mấy bức tranh Xuân.
Tết đến, nhà nào ở quê cũng tự làm mứt dừa, mứt gừng, bánh phồng, kẹo chuối... nhưng gian hàng bán bánh mứt Tết vẫn rất đông, nhất là những giỏ quà xinh xắn, đầy đủ bánh mứt, rượu trà... gói kèm cùng nhau. Bà con mua làm quà tặng hoặc bày trên bàn thờ. Rồi các loại mứt khó làm như mứt bí, mứt me, mãng cầu, bánh kẹo... cũng được chọn mua. Tôi rất thích mứt bí quê ngoại vì ít đọng đường và thanh mứt to dày. Năm nào bà ngoại cũng mua dư một ít để tôi mang về Sài Gòn. Góc chợ ồn ào nhất là nơi bán gà, vịt, chúng kêu quang quác khi người mua chọn lựa. Hình như ai cũng ghé quầy thịt heo, cô bán thịt có ba, bốn người phụ mà vẫn thoăn thoắt luôn tay. Góc dịu dàng nhất là nơi bán rau cải, những bó rau non tơ, mượt mà, thân quen đến yêu thương.
Tôi bắt gặp ánh mắt trong veo, tinh khôi, sung sướng của những đứa trẻ được mẹ dẫn đi mua sắm quần áo, giày dép mới. Các cô thôn nữ chọn mua kẹp cài, ướm thử lên suối tóc đen huyền đẹp xinh, mộc mạc... Ngoại bảo, chợ quê bây giờ đã hiện đại nhiều, hàng hóa đa dạng hơn, muốn mua gì cũng có nên không còn giữ nguyên nét bình dị, chân chất, sự trân trọng, vui thích khi mua được món hàng vừa ý như ngày xưa nữa. Cảnh xưa nếp cũ cứ phai dần. Cũng như đời người, sau khoảng thời gian vô tư, vô lo cũng phải trưởng thành và buộc mình thay đổi để thích nghi. Cái giá của sự thay đổi, dù là tốt cỡ nào thì cũng mất đi những giá trị mà cả một thời ta trân quý. Bởi thế, tôi luôn nghe má và mấy dì nhắc nhở mãi về tuổi thơ với tình cảm thiêng liêng vô bờ bến.
Với tôi, Tết là để trở về, về với ký ức, với kỷ niệm, với người thân, để được đoàn viên, sum vầy. Trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025, tôi ước mong cho mọi người được vui khỏe, bình an, cuộc sống hạnh phúc.