Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người cựu binh rong ruổi chiến trường xưa tìm đồng đội

Lê Hường - 6 giờ trước

Tham gia chiến đấu trên mặt trận B3 - Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống, hy sinh để đổi lấy hòa bình, độc lập, cựu chiến binh Đặng Văn Phong, trú huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh rong ruổi khắp các chiến trường xưa kết nối đồng đội, tìm mộ các liệt sĩ đưa về đoàn tụ gia đình.

Cựu chiến binh Đặng Văn Phong tham dự Chương trình Bản trường ca hòa bình tại điểm cầu Đắk Lắk
Cựu chiến binh Đặng Văn Phong tham dự Chương trình Bản trường ca hòa bình tại điểm cầu Đắk Lắk

Ký ức hào hùng

Trở lại chiến trường xưa sau 50 năm, Trung úy Đặng Văn Phong (SN 1955), nguyên Trợ lý Tác chiến Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273 (nay thuộc Quân đoàn 4) mừng vui khi thấy Tây Nguyên hoàn toàn đổi khác.

Ông Phong ngậm ngùi bảo: “Không chỉ Tây Nguyên, tôi cùng đồng đội chiến đấu ở nhiều mặt trận khốc liệt khác. Trên những chiến trường ấy, biết bao đồng đội của tôi đã ngã xuống để non sông thống nhất, đất nước trọn niềm vui. Song nhiều đồng đội ngã xuống nằm lạnh lẽo nơi chiến trường suốt nhiều năm. Đó là điều làm tôi trăn trở!”.

Ông Phong kể, năm 17 tuổi ông tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông. Sau 3 tháng huấn luyện bộ binh, ông Phong được điều vào chiến trường miền Nam, trở thành chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273, tham gia chiến đấu tại mặt trận B- Tây Nguyên.

Đến vùng đất Tây Nguyên rừng thiêng nước độc chưa lâu ông bị sốt rét nặng, cơ thể suy kiệt, thiếu máu, nguy hiểm tính mạng. May mắn có người tình nguyện hiến máu, cứu ông thoát khỏi cửa tử. Sau đó, ông được điều về Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273 làm nhiệm vụ liên lạc cho cán bộ Đại đội.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ông Phong tham gia công tác nghi binh suốt 2 tháng để chuẩn bị cho trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột. Tháng 3/1975, đơn vị của ông trực tiếp hành quân, tham gia trận đánh then chốt của Chiến dịch Tây Nguyên. Hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị của ông được lệnh xuống Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh ngày nay) tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông được điều động vào vị trí pháo thủ.

Trong trận đánh sáng 30/4/1975 tại khu vực Lăng Cha Cả (nay là quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh), đơn vị của ông tổn thất nặng, nhiều xe tăng bị cháy, không ít đồng đội hy sinh. “Tôi nhớ rõ chiếc xe tăng 353 bị bắn cháy, Trưởng xe 353 tử trận ngay trên tháp pháo. Pháo thủ gục trên vô lăng. Sau 3 ngày chiến tranh kết thúc, tôi cùng đồng đội còn sống, trở lại trận địa đưa thi thể đồng đội không còn nguyên vẹn về an táng tại nghĩa trang Tân Xuân”.

Ông Đặng Văn Phong (ngoài cùng bên phải) cùng Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Sinh Hưởng trao kỷ vật thời chiến cho tỉnh Đắk Lắk
Ông Đặng Văn Phong (ngoài cùng bên phải) cùng Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Anh hùng lực lượng vũ trang trao kỷ vật thời chiến cho tỉnh Đắk Lắk

Đất nước thống nhất, ông Phong vinh dự được kết nạp vào Đảng, tiếp tục học tập, phục vụ trong quân ngũ. Năm 1977, ông Phong cùng đơn vị hành quân tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam với cương vị Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273. Hoàn thành nhiệm vụ ông theo học đại học và công tác tại một doanh nghiệp Nhà nước ở tỉnh Nghệ An cho đến khi nghỉ hưu.

Đền đáp công ơn

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, song mỗi lần nhớ về những đồng đội vào sinh ra tử nơi chiến trường khốc liệt, ông Phong dằn lòng mình: “Hòa bình ngày hôm nay nhờ công lao của quân đội, Nhân dân và những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Được trở về là may mắn, tôi cần phải làm gì đó để đền đáp công ơn”.

Nhiều năm qua, ông Phong lặng lẽ rong ruổi từ Nam ra Bắc để tìm hài cốt, mộ các động đội đã hy sinh. Trong số nhiều đồng đội hy sinh, ông Phong nhớ rõ liệt sĩ Nguyễn Văn Thái (quê tỉnh Nam Hà cũ), hy sinh sáng 30/4/1975 cách thời khắc Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng chỉ vài giờ đồng hồ. Thời khắc ấy, tất cả tập trung chiến đấu, mộ liệt sĩ Thái và các chiến sĩ hy sinh ngày hôm đó chỉ được đánh dấu bằng tấm bia ghi vội, tên tuổi, quê quán viết tắt. Năm 2008, ông tìm được mộ của liệt sĩ Thái. Đến tháng 6/2010, gia đình mới có điều kiện đưa liệt sĩ Thái về quê.

Cựu chiến binh Đăng Văn Phong kể chuyện thời chiến với những người lính trẻ
Cựu chiến binh Đăng Văn Phong kể chuyện thời chiến với những người lính trẻ

“Ngày lên xe vào Nam đưa hài cốt liệt sĩ Thái về, tôi bị ốm phải nhập viện tại Nghệ An, bác sĩ bảo một động mạch tim đã tắc hoàn toàn, nguy cơ tử vong rất cao. Nhưng tôi giấu bệnh, kiên quyết cùng thân nhân đồng đội lên đường. Đưa đồng đội về nhà xong, tôi may mắn gặp bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đang công tác tại Nghệ An. Ngay chiều hôm đó lên bàn mổ và được các bác sĩ cứu sống”, ông Phong kể lại.

Nhiều năm lặn lội khắp các tỉnh, thành trong cả nước tìm tung tích gia đình, thân nhân của đồng đội, ông Phong đã đưa hàng chục liệt sĩ của Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273 về với gia đình. 

Tin cùng chuyên mục
Tìm về miền đất huyền thoại

Tìm về miền đất huyền thoại

Khu căn cứ cách mạng Thồ Lồ - nay là xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) là vùng đất sinh sống lâu đời của người đồng bào DTTS (chủ yếu là người Ba Na và Chăm). Trong chiến tranh, người dân cùng đồng cam cộng khổ với các chiến sĩ cách mạng làm nên những chiến công hiển hách và được xem là vùng đất bất khả xâm phạm. Trong hoà bình, đồng bào nơi đây đoàn kết một lòng, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.​