Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Sức sống Tây Nguyên

Uông Thái Biểu - 6 giờ trước

Suốt bao năm qua, các tộc người anh em đã cùng viết nên lịch sử vùng đại ngàn Tây Nguyên - trang sử kiêu hãnh của lòng bền gan, vững chí. Hôm nay, Tây Nguyên đang vững bước cùng cả nước kiến tạo kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sắc màu nông thôn mới ở xã vùng đồng bào DTTS Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng
Sắc màu nông thôn mới ở xã vùng đồng bào DTTS Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

Khi tìm về ký ức Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, có biết bao câu chuyện đáng ghi nhớ. Trong đó, tôi luôn khắc sâu hình ảnh hai người phụ nữ DTTS kiên trung, mà may mắn được kết giao trong hành trình tác nghiệp. Họ - với những chiến công năm xưa và suy nghĩ, việc làm hôm nay là minh chứng sống động cho một Tây Nguyên bất khuất mà dung dị, sâu thẳm mà gần gũi.

Ở vùng Nam Tây Nguyên, nơi đầu nguồn sông Đồng Nai, tôi gặp bà Điểu Thị Lôi, dân tộc Mạ, được đồng chí, đồng bào thân thương gọi là “chị Năm Lôi”. Từng là Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2, bà đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 18 tuổi và sau này là Đại biểu Quốc hội khóa VI, ngay sau ngày thống nhất đất nước. Trong kháng chiến, bà tham gia không biết bao nhiêu trận đánh, mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh. Gặp bà hôm nay, vẫn là nụ cười tươi tắn của người phụ nữ quả cảm.

Bà kể, cuối những năm 60, buôn làng của bà là căn cứ của Khu ủy Khu VI nên thường xuyên bị Mỹ - Ngụy càn quét. Là đảng viên, cựu du kích, bà cùng bộ đội, đồng bào chiến đấu kiên cường suốt hàng chục năm cho đến ngày toàn thắng. Ngày ấy, bà từng được nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng chiếc khăn rằn và khẩu súng ngắn – món quà thiêng liêng, bà trân quý đến tận hôm nay.

Dù hòa bình đã về gần nửa thế kỷ, câu chuyện của bà Điểu Thị Lôi về thời binh lửa vẫn vẹn nguyên. Bà nói: “Ngày xưa, chúng tôi cầm súng, vót chông giữ làng. Hôm nay, góp sức cùng con cháu dựng xây quê hương ấm no, hạnh phúc. Tôi tin, các dân tộc Tây Nguyên một lòng theo Đảng, kính yêu Bác Hồ thì không khó khăn nào là không vượt qua!”.

Ở vùng Bắc Tây Nguyên, tôi có dịp lắng nghe câu chuyện cuộc đời của nữ già làng Y Pan, một đảng viên gạo cội, người dân tộc Brâu. Dù đã hơn chín mươi mùa rẫy, bà vẫn giữ vai trò nòng cốt trong chi bộ, trong buôn làng, là nữ già làng của cộng đồng Brâu ở buôn Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Già Y Pan kể cho tôi nghe hành trình hoạt động cách mạng bền bỉ của vợ chồng bà, từ thời tuổi trẻ giác ngộ lý tưởng, những tháng năm học tập trên đất Bắc đến ngày trở về chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, buôn Đắk Mế nằm ở khu vực chiến lược ngã ba Đông Dương nên hứng chịu nhiều cuộc càn quét. Cha mẹ bà hy sinh trong một trận bom, khi bà vừa tròn bốn tuổi. Từ đó, Y Pan được một đơn vị bộ đội cưu mang, nuôi dưỡng. Thấy bà nhanh nhẹn, sáng dạ, tổ chức đã cử đi tập kết ra Bắc học ngành Y.

Ngày xưa, chúng tôi cầm súng, vót chông giữ làng. Hôm nay, góp sức cùng con cháu dựng xây quê hương ấm no, hạnh phúc. Tôi tin, các dân tộc Tây Nguyên một lòng theo Đảng, kính yêu Bác Hồ thì không khó khăn nào là không vượt qua!”.

Bà Điểu Thị Lôi, dân tộc Mạ, Đại biểu Quốc hội khóa VI

Năm 1974, bà trở lại chiến trường, tiếp tục phục vụ kháng chiến ở Tây Nguyên, nơi chồng bà đã vào chiến đấu từ trước. Bà nhớ lại: “Ngày ấy, người Brâu đoàn kết giúp bộ đội ra chiến trường, gùi bom đạn, lương thực băng rừng vượt núi. Thanh niên hăng hái đi cách mạng. Nhiều người bị thương lắm. Từ kiến thức đã học, già chữa trị cho hàng trăm bộ đội, người dân vùng biên giới Ngọc Hồi”.

Già Y Pan còn kể về dân tộc Brâu, một cộng đồng nhỏ bé với chỉ 173 hộ dân, 558 nhân khẩu. Trong câu chuyện của bà, đọng lại là tinh thần sinh tồn mạnh mẽ và niềm tự hào về bản sắc văn hóa được gìn giữ giữa đại ngàn phía Tây Tổ quốc.

Hôm nay, nữ già làng, cựu chiến binh Y Pan trở thành đại diện tiêu biểu cho cộng đồng Brâu tiên tiến. Bà là chỗ dựa vững chắc của buôn làng, là cầu nối gắn kết các gia đình, các dân tộc cùng chung sống đoàn kết, dựng xây và phát triển quê hương. Với vai trò là một đảng viên, một trí thức, một người Brâu chân chính, Y Pan đã cùng đồng chí, đồng đội vận động đồng bào thay đổi tư duy phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, giữ vững khối đại đoàn kết, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu.

Từ câu chuyện cuộc đời của những nữ đảng viên lão thành như bà Điểu Thị Lôi và bà Y Pan, tôi cảm nhận sâu sắc truyền thống anh hùng vẫn được bồi đắp không ngừng, như dòng Đồng Nai mãi chảy, lớp lớp sóng sau dồn nối sóng trước; như đỉnh Ngók Linh vững chãi, vời vợi giữa đại ngàn, kiên trung và bền bỉ.

* * *

Tây Nguyên giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, song vẫn chưa phát triển tương xứng. Vùng đất được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” nay đang đứng trước vận hội mới để bứt phá mạnh mẽ. Khi Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai hiệu quả, sẽ mở khóa tiềm năng và thu hút nguồn lực đầu tư vào vùng đất giàu bản sắc này.

Với tổng diện tích tự nhiên hơn 54.000km², chiếm 1/6 diện tích cả nước, Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Dân số toàn vùng gần 6 triệu người, gồm đầy đủ 54 dân tộc anh em, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 2,2 triệu người. Từ ngày đất nước thống nhất, đồng bào các DTTS Tây Nguyên thực sự được giải phóng khỏi đêm dài đói nghèo, lạc hậu; trở thành công dân của một nước độc lập, bình đẳng và phát triển.

Hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, kết nối từ phố thị đến buôn làng Tây Nguyên
Hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, kết nối từ phố thị đến buôn làng Tây Nguyên

Suốt nhiều thập niên qua, bước chân người làm báo Đảng đã in dấu khắp các buôn làng, qua từng cánh rừng, ngọn núi. Càng đắm mình trong đời sống muôn màu nơi đại ngàn, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc sự đổi thay kỳ diệu của vùng đất này. Mỗi ngọn núi, dòng sông, buôn làng, mỗi tộc người nơi đây đều thấm đẫm nghĩa tình với Đảng, với Bác Hồ. Tình cảm sắt son ấy được vun đắp bền bỉ từ những năm tháng kháng chiến đến thời bình dựng xây.

Già làng K’Diệp, người Mạ ở xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Ngày xưa, thời còn giặc Pháp, giặc Mỹ thì bom cày, đạn xới, đồng bào bỏ buôn làng trốn vào rừng sâu. Người dân nghèo khổ, bệnh tật, dốt nát lắm, không biết tìm cái lối mà đi. Có Đảng, có Bác chỉ cho dân đánh giặc, từ ngày hòa bình lại chăm lo đầu tư, dẫn dắt đồng bào mình làm ăn, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, giàu có”.

Hiện nay, mục tiêu phát triển Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xác định là: “Đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững”. Tây Nguyên cần phát huy nội lực, vươn lên bằng chính khối óc, bàn tay, khung trời và mảnh đất của mình. Nguồn lực bên trong là nền tảng cơ bản, còn đột phá chiến lược là yếu tố quyết định. Trong trước mắt, Nhà nước đang chỉ đạo hoàn thiện thể chế, xây dựng các chính sách đặc thù; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa gắn với du lịch, kinh tế đêm; phát triển toàn diện, bao trùm trên cơ sở quy hoạch có tư duy đột phá và tầm nhìn dài hạn.

Tin cùng chuyên mục
Nơi khởi đầu một con đường huyền thoại

Nơi khởi đầu một con đường huyền thoại

Giữa lòng núi rừng xứ Nghệ, ngay từ thời kháng chiến chống Mỹ, đã có những nhát cuốc đầu tiên hạ xuống khai mở một con đường huyền thoại. Cũng ngay từ lúc ấy, có một cây gỗ lớn dựng lên, thành cột mốc đơn sơ mang tên “Km số 0”…