Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Huyện Tu Mơ Rông: Hỗ trợ hiệu quả HTX phát triển thế mạnh kinh tế dược liệu

PV - 22:10, 30/10/2020

Những năm gần đây, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) trồng, sản xuất, chế biến dược liệu từ đó từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm… góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Nhờ tham gia vào HTX trồng dược liệu, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã có thu nhập ổn định, vươn lên khá giả (Ảnh: Ngọc Chí – Huỳnh Đại)
Nhờ tham gia vào HTX trồng dược liệu, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã có thu nhập ổn định, vươn lên khá giả (Ảnh: Ngọc Chí – Huỳnh Đại)

Huyện Tu Mơ Rông có trên 86.000ha đất rừng tự nhiên, khí hậu mát mẻ, trong lành, có rất nhiều loài dược liệu quý hiếm, giá trị cao. Để khai thác lợi thế này, nhiều năm gần đây, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện quản lý và giao khoán bảo vệ rừng cho người dân, cùng đó là phát triển hơn 726 ha cây trồng là các loài dược liệu dưới tán rừng, như cây sâm Ngọc Linh 505,2ha, đẳng sâm 125,7ha, đương quy 38,9ha, ngũ vị tử 31,8ha, sơn tra 37,3ha…

Để đánh thức tiềm năng, thế mạnh của địa phương phục vụ phát triển kinh tế, huyện Tu Mơ Rông đã khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực dược liệu. Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Để các sản phẩm của huyện Tu Mơ Rông vươn ra thị trường bên ngoài, huyện đã và đang tạo mọi điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX… vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa bàn, nhất là xây dựng nhà máy chế biến, sơ chế các loại sản phẩm từ cây dược liệu và cà phê xứ lạnh...

Theo đó, hiện trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã có HTX Dược liệu Ngọc Lây và HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông thực hiện chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm cây sâm dây, cà phê xứ lạnh với các hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Lây, tiến tới hình thành các sản phẩm mang thương hiệu ở Ngọc Lây. Điển hình như HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông, năm 2019, sản phẩm cà phê rang xay của HTX đã được chứng nhận 3 sao cấp tỉnh. Hiện HTX đang tiếp tục nghiên cứu làm sản phẩm từ dược liệu mang thương hiệu Tu Mơ Rông.

Ông Nguyễn Tiến Thuật, Giám đốc HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông cho biết: Thời gian qua, cùng với các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ của địa phương về vốn và hạ tầng, HTX cũng nhận được sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả từ phía Liên minh HTX Việt Nam. Cụ thể, vừa qua, Trung tâm Khoa học công nghệ, thuộc Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao máy sấy lạnh tách ẩm tự động cho HTX chúng tôi với trị giá 220 triệu đồng. Trong đó Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 150 triệu đồng, HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông đối ứng 70 triệu đồng.

Đây là chương trình hỗ trợ HTX phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam. Sự hỗ trợ trên đã giúp cho HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông có điều kiện để đi sâu vào chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng các sản phẩm dược liệu và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Ngoài sản phẩm cà phê, hiện, chúng tôi đang liên kết với người dân phát triển vùng trồng dược liệu hơn 20 ha và sẽ bao tiêu sản phẩm cho người dân. Từ nguồn dược liệu đó, sau này chúng tôi sẽ tinh chế thành các sản phẩm như trà túi lọc, sâm linh chi, trà thảo mộc, các loại thuốc nam dạng cao… lấy nguồn gốc xuất xứ từ vùng núi Tu Mơ Rông” - Ông Nguyễn Tiến Thuật cho biết thêm.

Việc hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác phát triển, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ đã giúp người dân tham gia trồng dược liệu yên tâm về đầu ra và có thu nhập ổn định. Điển hình trong số đó phải kể đến anh A Sáng ở thôn Tu Bung, xã Ngọc Lây. Nhờ có nguồn thu nhập từ hơn 1,3 ha hồng đẳng sâm; khoảng 1.000 gốc sâm Ngọc Linh và hơn 1 ha cà phê, gia đình anh đã thoát nghèo.

Anh A Sáng chia sẻ: “Trước kia kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, nhà cửa chỉ xây tạm bợ. Nay nhờ trồng dược liệu và chăn nuôi nên đã có thu nhập ổn định, vươn lên khá giả. Vừa qua, tôi đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá hơn 250 triệu đồng. Phấn khởi lắm…”

Có thể thấy, các cơ chế của chính quyền huyện Tu Mơ Rông khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX … tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu đã và đang từng bước phát huy hiệu quả. Diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông không ngừng được phát triển qua từng năm. Đến năm 2020, toàn huyện phát triển được 726ha (đạt 96,8% chỉ tiêu Nghị quyết) diện tích cây dược liệu, tăng 706,76ha so với năm 2015… Qua đó, không chỉ giúp các HTX phát triển mà còn từng bước đưa đưa ngành dược liệu trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Tin cùng chuyên mục
Nông nghiệp công nghệ cao giúp đồng bào DTTS thay đổi thói quen sản xuất

Nông nghiệp công nghệ cao giúp đồng bào DTTS thay đổi thói quen sản xuất

Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và phát triển nông nghiệp bền vững đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người dân huyện biên giới Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Đặc biệt, từ những mô hình nông nghiệp tiên tiến, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện dần thay đổi thói quen sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống.