Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Huyện Vân Hồ (Sơn La): Hỗ trợ phát triển các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Hoài - 18:45, 27/11/2022

Những năm qua, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp giúp các HTX vùng dân tộc thiểu số ổn định sản xuất, từng bước phát triển và xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thay đổi cách thức sản xuất, mang lại thu nhập ổn định, mở ra cơ hội làm giàu cho Nhân dân trên địa bàn.

Thành viên HTX rau an toàn Vân Hồ được hỗ trợ nhà lưới phục vụ sản xuất
Thành viên HTX rau an toàn Vân Hồ được hỗ trợ nhà lưới phục vụ sản xuất

Trên địa bàn huyện Vân Hồ hiện có 65 hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, với trên 700 thành viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Đa số các HTX hoạt động lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Để các HTX hoạt động hiệu quả, huyện Vân Hồ đã thành lập Tổ tư vấn giúp đỡ các HTX đăng ký thành lập, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: Chiết, ghép; tưới nước nhỏ giọt; xây dựng nhà kính, nhà lưới; sản xuất hữu cơ; cơ giới hóa trong việc làm đất; thu hái sản phẩm; đóng gói, sơ chế sản phẩm...

Năm 2020, huyện Vân Hồ đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Sơn La tổ chức 7 lớp chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc rau màu vụ đông, trồng lúa tẻ râu và trồng cây ăn quả cho 245 thành viên các HTX. Hỗ trợ thành lập 4 HTX và 5 tổ hợp tác chuyên sản xuất rau an toàn; hỗ trợ xây dựng 8 nhà kính rộng trên 4000 m² (2 nhà ươm giống rau, 6 nhà trồng rau)...

Bên cạnh đó, Tổ tư vấn còn hướng dẫn phương pháp thương thảo, ký kết hợp đồng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với một số siêu thị ngoài tỉnh, như: BigC Thăng Long, Công ty Rau quả Hà Nội; cung cấp sản phẩm cho Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH, Nhà máy Chế biến nông sản công nghệ cao của Công ty TNHH IC FOOD Sơn La.

Anh Vàng A Sa (Bản Bó Nhàng 2, huyện Vân Hồ), Chủ nhiệm Hợp tác xã Vàng A Sa- giới thiệu thành quả đến khách thăm quan mô hình dự án Vân Hồ.
Anh Vàng A Sa (Bản Bó Nhàng 2, huyện Vân Hồ), Chủ nhiệm Hợp tác xã Vàng A Sa- giới thiệu thành quả đến khách thăm quan mô hình dự án Vân Hồ.

Ông Thái Bá Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức rà soát, đánh giá các mô hình kinh tế và các HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn. Từ đó, đề xuất hỗ trợ, định hướng các mô hình và HTX duy trì hoạt động và mở rộng quy mô, giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo với mức bình quân 4%/năm theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Hiện nay, huyện Vân Hồ đang triển khai hỗ trợ 14 mô hình kinh tế và HTX hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó, tỷ lệ HTX do người dân tộc thiểu số làm chủ chiếm khoảng 70%. Trong năm 2022, huyện Vân Hồ đã hỗ trợ bao bì nhãn mác cho các HTX theo Nghị quyết 128/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Sơn La, với tổng kinh phí 300 triệu đồng; hỗ trợ các mô hình kinh tế và các HTX trên địa bàn kinh phí mua phân bón, cây, con giống và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 803-QĐ/UBND ngày 31/8/2022 của UBND huyện Vân Hồ trị giá 1,2 tỷ đồng.

UBND huyện Vân Hồ còn tạo điều kiện cho các HTX phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua các việc vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh. Theo đó, hỗ trợ các HTX vùng dân tộc thiểu số đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đảm nhiệm công việc kế toán, quản lý hồ sơ, sổ sách. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, thông qua các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ nông sản để đảm bảo đầu ra sản phẩm cho nông dân...

Là một trong những HTX thành lập sớm nhất của xã Vân Hồ vào năm 2015, do người dân tộc thiểu số làm chủ, với 20 thành viên, HTX rau an toàn Vân Hồ đã từng bước xây dựng được thương hiệu, mang lại doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Bà Mùi Thị Năm, Phó Giám đốc HTX rau an toàn Vân Hồ thông tin: Thời gian đầu, chúng tôi khá lúng túng, do các thành viên chưa nắm được quy trình kỹ thuật trồng rau và xử lý rau khi bị sâu bệnh. Từ khi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chuyển giao các phương pháp xử lý sâu bệnh và học hỏi kinh nghiệm từ các HTX trồng rau của huyện Mộc Châu, chúng tôi đã nắm được kỹ thuật và áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất. Nhờ vậy, năng suất luôn đạt ở mức 10 tấn rau/ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Đến nay, chúng tôi đã có 12ha trồng các loại rau xanh, cung cấp rau quanh năm cho các bạn hàng và người dân địa phương.

Một góc bản vùng cao huyện Vân Hồ hôm nay
Một góc bản vùng cao huyện Vân Hồ hôm nay

Tại Tổ hợp tác trồng rau an toàn bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, các thành viên đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường các biện pháp thâm canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Bàn Thị Thu, thành viên Tổ hợp tác cho biết: “Tham gia Tổ hợp tác, tôi được trang bị thêm kỹ thuật sản xuất, được vay vốn ưu đãi, nên có điều kiện phát triển sản xuất, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, trừ chi phí thu từ 120-150 triệu đồng/năm, cuộc sống của gia đình ngày càng được cải thiện”.

Còn tại HTX Suối Bàng, anh Đinh Công Liêu, Phó Giám đốc HTX cho biết: Thành lập năm 2016, gồm 12 thành viên, quy mô sản xuất 30 ha cam, nhãn, bưởi, hồng, bơ. Ngay từ khi thành lập, các thành viên trong HTX đã giúp đỡ nhau trong sản xuất, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả; liên kết tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Năm vừa qua, sản lượng các loại quả của HTX đạt gần 300 tấn quả tươi, doanh thu trên 3,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 120 triệu đồng/ha/năm.

Việc hỗ trợ các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang tiếp tục được huyện Vân Hồ rà soát triển khai, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.