Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Ì ạch “cõng” xăng dầu lên miền núi

Khánh Thư - 19:44, 21/07/2022

Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 13/7/2021 đặt mục tiêu phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác. Tuy nhiên, một số quy định mới lại đang gây khó khăn thực hiện mục tiêu này, nhất là với ngành hàng xăng dầu?

Chi phí vận chuyển và tỷ lệ hao tổn cao khiến việc phân phối xăng dầu lên miền núi, vùng cao gặp nhiều khó khăn
Chi phí vận chuyển và tỷ lệ hao tổn cao khiến việc phân phối xăng dầu lên miền núi, vùng cao gặp nhiều khó khăn

Bán càng nhiều, lỗ càng lớn

Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, không chỉ người dân mà với các doanh nghiệp phân phối đều luôn “để mắt” đến thời điểm liên Bộ Tài Chính - Công thương điều chỉnh giá xăng dầu.

Trong lần điều chỉnh gần đây nhất (ngày 1/7/2022), giá xăng dầu dù đã giảm so với kỳ điều chỉnh trước đó (ngày 21/6) nhưng vẫn ở mức cao. Trong đó, xăng Ron 95 là 32.760 đồng/lít; xăng Ron 95 là 30.890 đồng/lít.

Trong Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025, Chính phủ khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8 - 10%. Mục tiêu của Chương trình là phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.

Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu ngày 3/9/2014 (nay được thay thế bằng Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021) có quy định, những tỉnh thành thuộc danh mục vùng 2 (là các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh cao hơn định mức chi phí cấu thành trong giá cơ sở, giá xăng dầu còn ở mức cao hơn - Pv), giá bán lẻ xăng dầu sẽ cao hơn 2% so với giá điều chỉnh của liên Bộ Tài chính - Công thương.

Lấy ví dụ, tại kỳ điều chỉnh ngày 11/5/2022, giá bán lẻ của liên Bộ (giá cơ sở) đối với xăng Ron 95 là 30.580 đồng thì ở các địa phương vùng 2, doanh nghiệp phân phối sẽ được bán với giá 31/190 đồng; xăng Ron 92 sẽ được bán với giá 29.520 đồng (giá cơ sở là 28.950 đồng).

Theo danh sách của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), vùng 2 bao gồm 44 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Lâm Đồng, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai. Kon Tum, Đắc Nông, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Sóc Trăng) và tất cả các đảo thuộc Việt Nam. Như vậy, không tính đảo thì phần lớn các địa phương vùng 2 đều thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Mặc dù giá bán lẻ xăng dầu ở vùng 2 cao hơn giá cơ sở, nhưng thực tế, hoạt động kinh doanh xăng dầu ở địa bàn miền núi, vùng cao luôn phải đối mặt với khó khăn. Nguyên nhân là do chi phí phát sinh quá lớn.

Đơn cử như tại Hà Giang, chi phí vận chuyển trung bình từ đầu nguồn (tổng kho xăng dầu B12 - Quảng Ninh) lên đến các cửa hàng xa nhất của Petrolimex Hà Giang như Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Mèo Vạc lên tới 1.100 đồng/lít. Còn tại Cao Bằng, cước vận chuyển xăng dầu của Petrolimex Cao Bằng lên các địa bàn này bình quân lên tới 900 đồng/lít. Trong khi đó, cước phí vận chuyển bình quân toàn ngành xăng dầu chỉ khoảng 600 đồng/lít.

Cùng với cước vận chuyển cao thì việc kinh doanh xăng dầu ở miền núi còn gánh tỷ lệ hao hụt lớn trong quá trình vận chuyển. Đơn cử ở Hà Giang, tỷ lệ hao hụt khi vận chuyển xăng dầu từ Kho B12 Quảng Ninh lên đến Đồng Văn - Mèo Vạc (Hà Giang) có khi tới 200 lít xăng/xe hàng vào những thời điểm chênh lệch nhiệt độ lên tới 10 độ C trong mùa đông. Còn với Petrolimex Cao Bằng, tỷ lệ hao hụt chung do vận chuyển, tồn trữ trong điều kiện chênh lệch nhiệt độ như vậy bình quân ở mức 40 đồng/lít xăng dầu.

Chính vì vậy, dù giá bán lẻ cao hơn so với giá cơ sở, đồng thời được Petrolimex Việt Nam hỗ trợ tạo nguồn 220 đồng/lít nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở địa bàn vùng 2 hầu hết đều phải bù lỗ; thậm chí có những địa bàn vùng cao càng bán nhiều thì lỗ càng lớn.

Thiếu điểm kinh doanh xăng dầu nên người dân miền núi thường mua dự trứ xăng dầu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. (Ảnh minh họa)
Thiếu điểm kinh doanh xăng dầu nên người dân miền núi thường mua dự trứ xăng dầu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. (Ảnh minh họa)

Có gây khó cho thu hút đầu tư vào miền núi?

Trong Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu ngày 3/9/2014, Chính phủ quy định, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu đều được hưởng chính sách thực hiện giá bán lẻ xăng dầu cao hơn 2% so với giá cơ sở tại các địa bàn vùng 2. Điều này nhằm bảo đảm công bằng trong phát triển thương mại, đồng thời khuyến khích tư nhân phát triển hệ thống phân phối và đưa xăng dầu phục vụ đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu tiêu thụ của người dân, doanh nghiệp ở vùng 2, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đi lại khó khăn.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng tăng đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Còn ở miền núi, sau khi giá xăng dầu tăng đẩy cước vận chuyển tăng, tất cả các mặt hàng phục vụ sinh hoạt đều tăng từ 30 đến 50%; thậm chí có mặt hàng rau xanh trái mùa còn tăng hơn 100%.

Tuy nhiên, tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) lại “loại” thương nhân phân phối ra khỏi danh sách được thụ hưởng chính sách này. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công thương, Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định, chỉ có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được phép quy định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình tại vùng 2 cao hơn tối đa 2% so với giá công bố!?.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 5/2022 diễn ra ngày 31/5, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trước đây, cả thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối được quyền quyết định giá bán vùng 2. Chính vì quy định như vậy nên mới xảy ra hiện tượng một số thương nhân phân phối lạm dụng quyền quyết định bán giá vùng 2, trong khi giá mà thương nhân phân phối nhập vào không phải là giá bán vùng 2.

“Nghị định 95 nêu rõ, chỉ thương nhân đầu mối có quyền quyết định địa điểm, địa bàn bán giá vùng 2 và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước”, ông Đông cho biết, đồng thời khẳng đinh, thương nhân phân phối vẫn có quyền bán giá vùng 2 với điều kiện họ nhập hàng với giá vùng 2, đăng ký và bán tại địa bàn họ đăng ký thương nhân phân phối và xác định địa bàn đó bán giá vùng 2.

Hiểu theo ý kiến của đại diện Vụ Thị trường trong nước thì quy định “chỉ thương nhân đầu mối có quyền quyết định địa điểm, địa bàn bán giá vùng 2” là để tránh tình trạng trục lợi chính sách. Tuy nhiên, nếu “siết” quy định này thì rất dễ xảy ra tình trạng “độc quyền” trong quyết định địa bàn giá bán lẻ xăng dầu vùng 2.

Theo danh sách trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 329 thương nhân phân phối xăng dầu và khoảng gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Trong đó, Petrolimex là doanh nghiệp đầu mối chính khi chiếm hơn 50% thị phần kinh doanh xăng dầu cả nước. Petrolimex cũng là doanh nghiệp “phủ sóng” hầu hết tại 44 địa phương vùng 2 lâu nay. Vì vậy, các cửa hàng bán lẻ phải nhập hàng từ Petrolimex để được bán giá cao hơn giá cơ sở.

Đó là chưa tính, 329 thương nhân phân phối xăng dầu cũng có nhiều thương nhân nhập dầu tại nguồn, chịu cước phí vận chuyển và tỷ lệ hao tổn để phân phối lên các địa phương miền núi, vùng cao. Nhưng nhập tại nguồn liệu họ có được hưởng chính sách giá bán lẻ vùng 2 như chính các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu? Khi chính sách hỗ trợ không được hưởng thì liệu có thương nhân nào mặn mà đầu tư vào hệ thống phân phối xăng dầu ở miền núi?.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.