Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Indonesia: Nhuộm vải batik truyền thống từ vật liệu thân thiện môi trường

Duy Ly (theo Reuters) - 20:05, 07/12/2021

Tại xứ vạn đảo Indonesia, vải Batik truyền thống có mặt ở khắp mọi nơi. Loại vải này gắn bó với người Indonesia “từ lúc trong bụng mẹ tới lúc trở về với đất”. Vải Batik chủ yếu được làm thủ công, với các hoạ tiết từ sáp ong và màu nhuộm. Thời gian gần đây, người Indonesia đang có xu hướng lựa chọn những nguyên liệu từ tự nhiên, thân thiện với môi trường thay vì sử dụng màu hóa học.

Anh Sodikin, thợ Batik đang rót dung dịch nhuộm màu chiết xuất từ “rừng ngập mặn” vào can
Anh Sodikin, thợ Batik đang rót dung dịch nhuộm màu chiết xuất từ “rừng ngập mặn” vào can

Giảm chi phí sản xuất và giúp ích cho môi trường

Trong những khu rừng ngập mặn yên tĩnh ở miền trung Indonesia, công việc hàng ngày của những người thợ nhuộm vải batik là “nhẹ nhàng” di chuyển, tìm kiếm những quả đước rụng còn sót lại trên lá hoặc nổi trên mặt nước.

Bên cạnh quả đước, họ còn thu thập thêm một số loại quả và hạt khác tại khu rừng này. Sau khi thu thập được “kha khá” nguyên liệu, họ sẽ mang chúng về nhà và tạo ra thuốc nhuộm từ thứ nguyên liệu thiên nhiên vừa kiếm được.

Anh Sodikin, một thợ làm vải batik lâu năm cho biết: Trong 4 năm qua, anh và nhóm các thợ thủ công sản xuất vải batik đã chuyển từ sử dụng phẩm màu hóa học, sang các sản phẩm được kiếm từ rừng ngập mặn để nhuộm vải, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất và giúp ích cho môi trường.

“Chúng tôi sử dụng các vật liệu tự nhiên để bảo tồn rừng ngập mặn. Chúng tôi không chặt phá cây, mà chỉ lấy quả hoặc lá đã rụng. Nếu chúng tôi lấy chúng từ việc hái hay chặt cây, thì có nghĩa là chúng tôi đang phá hủy rừng” anh Sodikin nói thêm.

Thợ thủ công đang vẽ họa tiết Batik lên tấm vải trắng tại làng Klaces, tỉnh Trung Java, Indonesia
Thợ thủ công đang vẽ họa tiết Batik lên tấm vải trắng tại làng Klaces, tỉnh Trung Java, Indonesia

Nghệ thuật dệt vải batik truyền thống tại Indonesia từng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), đưa vào danh sách đại diện di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, năm 2009. Kể từ đó, batik được khuyến khích mặc nhiều hơn, tại các công sở ở Indonesia. Phương pháp nhuộm vải batik bằng nguyên liệu thiên nhiên đã mang lại nhiều lợi ích cho những thợ thủ công sản xuất loại vải này.

Bảo vệ rừng ngập mặn

“Tạ ơn trời, từ khi chuyển sang sử dụng nguyên liệu tự nhiên, thu nhập của chúng tôi tăng lên. Chất lượng màu tốt hơn, mặc dù chất lượng đó cũng phụ thuộc vào quy trình nhuộm. Chúng tôi cần thực hiện quy trình nhuộm ít nhất 10 - 40 lần để đạt được màu sắc tốt nhất và chất lượng cao nhất. Giá của thuốc nhuộm bằng nguyên liệu tự nhiên thường cao hơn chút so với nguyên liệu hóa học”, anh Sodikin cho biết.

Ông Erwin Ardli, nhà nghiên cứu sinh thái học, Đại học Jenderal Soedirman, Indonesia cho biết: Hầu hết tất cả các vật liệu tự nhiên để sản xuất thuốc nhuộm vải vẫn có màu sắc kém tươi sáng hơn thuốc nhuộm tổng hợp, nhưng nó lại thân thiện và giúp ích nhiều hơn cho môi trường. Tuy độ sáng của thuốc nhuộm tự nhiên thấp hơn, nhưng lại có độ bền màu tương đương.

Một chủ tiệm trưng bày vải Batik đang giới thiệu về các họa tiết và chất liệu vải Batik
Một chủ tiệm trưng bày vải Batik đang giới thiệu về các họa tiết và chất liệu vải Batik

Về giá trị, những sản phẩm vải batik được nhuộm bằng nguyên liệu tự nhiên, có thể có giá lớn hơn gấp đôi, hoặc gấp ba loại vải được nhuộm bằng phẩm màu hóa học. “Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm đến thuốc nhuộm tự nhiên ngày càng tăng, đặc biệt đối với những người thuộc tầng lớp trung lưu đến thượng lưu. Họ có vẻ tự hào khi mặc quần áo sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên hơn là thuốc nhuộm tổng hợp”, ông Ardli nhấn mạnh.

Rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng đối với môi trường tự nhiên của Indonesia, là rào cản chống lại sóng thần và cung cấp hệ sinh thái quan trọng cho cá và cua. Chúng cũng là nơi hấp thụ khí thải carbon dioxide hiệu quả hơn so với rừng nhiệt đới. Nhuộm vải bằng nguyên liệu tự nhiên, là sáng kiến vô cùng hữu ích đối với việc bảo vệ rừng ngập mặn tại Indonesia.