Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người Livonian nỗ lực hồi sinh ngôn ngữ trước nguy cơ bị biến mất

Duy Ly (biên dịch) - 18:27, 20/11/2021

Livonians là nhóm người dân tộc thiểu số ít người nhất ở châu Âu, với ước tính chỉ còn khoảng 200 người. Thực tế này đặt ra cho Chính phủ Latvia và chính người dân bản địa yêu cầu, tìm kiếm những giải pháp cấp thiết, nhằm bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ Livonia, vốn đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Dân số Livonian ít ỏi còn lại tôn vinh di sản của mình thông qua trang phục, nghi lễ và âm nhạc truyền thống
Người Livonian luôn có ý thức tôn vinh di sản của mình thông qua trang phục, nghi lễ và âm nhạc truyền thống

Dân tộc thiểu số ít người nhất ở châu Âu

Người Livonians là những người địa phương của Livonia, miền Bắc Latvia và Tây Nam Estonia ngày nay. Trong các tài liệu lịch sử, người Livonia sống ở hai vùng riêng biệt của Latvia, là Livonia và bờ biển phía Bắc Courland. Đến thế kỷ XIV, người Livonians đã bị đồng hóa với người Latvia vùng Baltic.

Bất chấp sự đồng hóa này, người Livonians vẫn luôn cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc mình, dù đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Trong suốt tiến trình lịch sử, người Livonians thường xuyên bị phân tán sắc tộc, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về dân số Livonia địa phương. Hiện tại, người Livonians có số lượng ít nhất và là dân tộc thiểu số nhỏ nhất ở châu Âu.

Không như tiếng Latvia thuộc nhóm ngôn ngữ Baltic, tiếng Livonian thuộc nhóm Finno-Ugric, hầu hết chỉ được một số dân tộc thiểu số tại Nga sử dụng tới ngày nay. Giống như những “anh em họ” cùng hệ ngôn ngữ như tiếng Phần Lan và Estonia, tiếng Livonian có một hệ thống ngữ pháp phức tạp, bao gồm 17 ngữ cảnh, các danh từ không có giới tính.

Trong quá khứ, cộng đồng ngư dân Finno - Ugric từng phát triển mạnh trên các bờ biển phía Tây xa xôi của Latvia, với khoảng 30.000 người nói ngôn ngữ Livonia vào thời trung cổ. Người dân Livonia hết sức trân trọng và bảo tồn di sản riêng biệt của họ ở khu vực này, qua nhiều thế kỷ và tới đầu thế kỷ XX, nó trở thành một phần của nước Cộng hòa Latvia độc lập. Tuy nhiên, sau nhiều năm chiến tranh, cùng những thay đổi về chính trị - xã hội, cộng đồng người Livonia đã bị chia cắt, cộng thêm việc kết hôn với người Latvia dần khiến cho văn hóa và ngôn ngữ Livonia mai một.

Ngày nay chỉ còn rất ít người địa phương nói tiếng Livonian sống ở Latvia. Trong khi đó, các chuyên gia bày tỏ, sự lo ngại về việc ngôn ngữ này đang đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng”. Tất cả đang trông vào những người trẻ, những người đam mê với ngôn ngữ này, với hy vọng họ sẽ giữ được ngôn ngữ của tổ tiên mình và phổ biến văn hóa người Livonians sâu rộng hơn nữa.

Nhà cộng đồng Livonian nơi tổ chức các lớp học tiếng Livonian cho những ai quan tâm và yêu thích
Nhà cộng đồng Livonian nơi tổ chức các lớp học tiếng Livonian cho những ai quan tâm và yêu thích

Từng bước hồi sinh

Mặc dù chỉ có một số ít người nói tiếng Livonian như tiếng mẹ đẻ của họ, nhưng ngôn ngữ Finno - Ugric thực sự đã được hồi sinh trong vài năm qua.

Zoja Silje - một giáo viên ngôn ngữ và là tác giả của một cuốn sách giáo khoa tiếng Livonian cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên về điều này. Hiện nay, các bạn trẻ thậm chí còn thích thú với việc nhắn tin cho nhau bằng tiếng Livonian”.

Silje lần đầu tiên tiếp xúc với ngôn ngữ Livonian thông qua ông của cô. Cô bắt đầu học ngôn ngữ này khi còn là sinh viên, vào những năm 1970. Kể từ đó, cô dành khá nhiều thời gian để tham gia vào các hoạt động cộng đồng, để trau dồi thêm khả năng ngôn ngữ của mình, ví dụ như việc tham gia vào dàn hợp xướng Livonian địa phương.

Lớp thế hệ như Silje và cả những người trẻ hơn sau này, đã bắt đầu có ý thức phục hưng di sản văn hóa của họ. Không chỉ ở việc quảng bá ngôn ngữ, mà còn trong các hoạt động của đời sống như chăn nuôi, đánh bắt cá và trồng trọt… Họ đã và đang tìm ra những cách để cân bằng giữa truyền thống và toàn cầu hóa.

Việc ra đời Trung tâm văn hóa Livonia tại Kolka do Liên hiệp châu Âu (EU) tài trợ, cho thấy vẫn có hy vọng khôi phục văn hóa và ngôn ngữ cho cộng đồng nhỏ bé này. Thực tế, mối quan tâm đến văn hóa Livonia đã hồi sinh trong những năm gần đây, do việc tạo ra các chương trình và khóa học ngôn ngữ Livonia của Chính phủ Latvia và nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ. 

Cùng với đó, nhiều người Livonia đang kết nối lại với di sản ngôn ngữ của cha ông, và nỗ lực để ngăn nó biến mất vĩnh viễn. Cụ thể, một số gia đình đang cố gắng nuôi dạy con cái họ học lại ngôn ngữ của tổ tiên, bảo đảm thế hệ tiếp theo lớn lên trong môi trường văn hóa Livonia.

Dân số Livonia ngày nay ước tính chỉ khoảng 200 người, nhưng có chưa đến 30 người có thể giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Vậy nên âm nhạc đã trở thành một trong những cách thức quan trọng, để bảo tồn di sản tổ tiên. Một số nhóm nhạc dân gian đã biểu diễn các bài hát cổ, thể hiện cho lối sống truyền thống của người Livonia. “Liên hoan bài hát Livonia” là một trong số những chương trình rất được quan tâm tại đây. Chương trình được tổ chức 2 năm 1 lần, tại thủ đô Riga của Latvia.

Thông qua một loạt các tiết mục truyền thống và đương đại của người Livonia, nhiều bạn trẻ cho biết: Chúng tôi hát bằng tiếng Livonia, pha trộn âm nhạc điện tử với những rung cảm truyền thống dân tộc. Điều quan trọng là phải tạo ra một điều mới mẻ nhằm kết hợp văn hóa truyền thống với nhịp sống hiện đại, để đưa di sản lên một tầm cao mới.

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội Gầu Tào

Lễ hội Gầu Tào

Lễ hội Gầu Tào là một trong những sinh hoạt văn hóa cổ truyền, được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông vùng Tây Bắc. Hiện nay, ở nhiều địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lao Châu, Sơn La... đồng bào Mông đã duy trì việc tổ chức Lễ hội Gầu Tào vào dịp đầu Xuân mới và trở thành điểm nhấn du lịch với du khách trong và ngoài nước.