Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Indonesia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất thế giới

PV - 10:17, 16/07/2021

Indonesia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới với 56.757 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.726.803 ca. Nước này cũng ghi nhận 982 ca tử vong trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca tử vong lên 70.192 ca.

Indonesia ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở mức trên 50.000 ca/ngày  (Ảnh: The Jakarta Post)
Indonesia ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở mức trên 50.000 ca/ngày (Ảnh: The Jakarta Post)

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 16/7 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 189.688.524 ca, trong đó 4.082.444 ca tử vong và 173.122.198 ca đã được chữa khỏi.

Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm. Trong ngày hôm qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới là 32.656 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 34.882.482 ca, trong đó 624.181 ca đã tử vong.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch là 39.072 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 31.025.875 ca, trong đó 412.563 ca đã tử vong. Ngày hôm qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 544 ca tử vong vì dịch COVID-19.

Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 19.262.518 ca và số ca tử vong là 539.050 ca. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 52.789 ca nhiễm mới, 1.552 ca tử vong.

Đứng thứ tư về số ca nhiễm là Nga với 5.882.295 ca, trong đó 146.069 ca đã tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở quốc gia này là 25.293 ca.

Với 5.833.341 ca nhiễm, Pháp theo sát Nga là quốc gia đứng thứ năm thế giới về số ca nhiễm, trong đó 111.429 ca tử vong. Ngày hôm qua, nước này ghi nhận 3.617 ca nhiễm mới.

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (58.421.354 ca), vượt xa châu Âu (49.419.726 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 41.236.728 ca và Nam Mỹ với 34.357.767 ca. Châu Phi (6.167.047 ca) và châu Đại Dương (85.181 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản thông báo nước này sẽ tăng cường kiểm soát biên giới đối với người nhập cảnh đến từ Costa Rica, CH Dominica, Namibia và CH Sakha (thuộc LB Nga) nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm biến thể siêu lây nhiễm Delta. Các biện pháp có hiệu lực từ ngày 18/7. Về chương trình tiêm chủng, Nhật Bản thông báo sẽ cho phép giảm độ tuổi đối tượng tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna từ 18 xuống 12 tuổi. Trước đó vào tháng 5, bộ này cũng đã quyết định giảm độ tuổi đối tượng tiêm chủng vaccine của hãng Pfizer từ 16 xuống 12 tuổi. Dự kiến, Bộ Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản (MHLW) sẽ đưa ra quyết định chính thức tại cuộc họp của hội đồng chuyên gia diễn ra vào ngày 19/7.

Trong khi đó, Chính phủ Philippines đang cân nhắc việc áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với Malaysia và Thái Lan trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á đang chật vật đối phó với số ca mắc biến thể Delta gia tăng. Philippines đã cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Oman và các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Tại Thái Lan, hiện thủ đô Bangkok và 9 tỉnh, thành khác - vốn được coi là "tâm dịch" trong làn sóng lây nhiễm hiện nay đang phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, trong đó có lệnh giới nghiêm vào ban đêm và cấm tụ tập trên 9 người.

Trong khi đó, Indonesia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới trong ngày 15/7, với 56.757 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.726.803 ca. Nước này cũng ghi nhận 982 ca tử vong trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca tử vong lên 70.192 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận hơn 50.000 ca mắc COVID-19 sau kỷ lục 54.513 ca một ngày trước đó. Chính phủ Indonesia cảnh báo rằng số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 60.000 ca và thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản có 100.000 ca mắc mới mỗi ngày./.