Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kết nối giao thương các sản phẩm OCOP

Quỳnh Anh - 09:35, 07/08/2020

Với dân số trên 10 triệu người, Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản tiềm năng của khu vực phía Bắc. Cuối tháng 7 vừa qua, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), UBND TP. Hà Nội phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại đây, 550 sản phẩm OCOP và trên 200 sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đặc sản vùng, miền của 27 tỉnh, thành trong cả nước đã được trưng bày, quảng bá.

Sản phẩm đặc sản của Bình Liêu (Quảng Ninh) tham gia hội chợ xúc tiến thương mại. (Ảnh: Tư Liệu)
Sản phẩm đặc sản của Bình Liêu (Quảng Ninh) tham gia hội chợ xúc tiến thương mại. (Ảnh: Tư Liệu)

Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy quá trình làm và thưởng thức món xôi ngũ sắc do chính tay đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Điện Biên chế biến tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội), chị Hà Thu Ngọc ở Lạc Long Quân (Hà Nội) vô cùng thích thú. Chị chia sẻ: “Tôi đã được ăn món xôi ngũ sắc, nhưng khi đến với sự kiện này, tôi có cơ hội hiểu thêm về bản sắc văn hóa ẩm thực của người Thái. Quy trình làm xôi ngũ sắc cũng rất kỳ công, tỷ mỉ”.

Cùng với món xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Điện Biên, nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh miền núi phía Bắc đã được quảng bá, giới thiệu rộng rãi tại đây, như: Chả mực giã tay (Quảng Ninh), ẩm thực dân tộc Thái Điện Biên, chè Tân Cương (Thái Nguyên)… Hay như cá ngừ vây xanh (Phú Yên), súp lươn (Nghệ An), lẩu cá kèo và rau bông điên điển của miền Tây Nam Bộ… Qua đó văn hóa của các tỉnh miền núi, vùng đồng bào DTTS được bảo tồn, phát huy và lan tỏa.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP. Hà Nội cho biết, việc tổ chức sự kiện này nhằm khẳng định vai trò của sản phẩm OCOP trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Từ đây sẽ kết nối, giao thương các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online… để người tiêu dùng Thủ đô trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Thực tế, Hà Nội là trung tâm với nhiều làng nghề, có nhiều dư địa để phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời là thị trường tiêu thụ rất lớn, là nơi kết nối, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là, sản phẩm OCOP là sản phẩm của cộng đồng, của các tỉnh thành, của các chủ thể với nhau. Vì vậy, thời gian qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến hình ảnh cộng đồng OCOP của Việt Nam. Từ đó, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác phối kết hợp các địa phương để tạo ra các sản phẩm tốt nhất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô và hướng tới xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh truyền thông để mọi người biết được chủ thể và nhóm sản phẩm này ở đâu, minh bạch sản phẩm thế nào, thị trường đang tiêu thụ ra sao để từ đó tạo cơ hội quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, việc tổ chức các sự kiện kết nối, giao thương tiêu thụ các sản phẩm OCOP là cơ hội trao đổi, chia sẻ giữa các chủ thể sản xuất, người tiêu dùng, hệ thống phân phối và các nhà phân phối, từ đó thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển.

Dự kiến, từ 20 - 24/8/2020, Hà Nội sẽ phối hợp tổ chức giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng. Sau đó, trong tháng 9/2020 sẽ tổ chức kết nối với các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên; trong tháng 11/2020 sẽ kết nối với các tỉnh, thành Nam Bộ.